1. RFID - Chip nhận dạng bằng tần số

Có thể những công nghệ này đang được quảng cáo và lăng xê rầm rĩ. Nhưng thực ra, có chúng hay không, đối với bạn cũng không hề hấn gì. Hoặc giả, chúng cũng hữu ích với bạn thật đấy, nhưng phải đợi ít nhất vài ba năm nữa, may ra bạn mới nhận thấy hết giá trị của chúng. Còn hiện tại, lời khuyên đưa ra là bạn chẳng nên "bận lòng" với 10 công nghệ dưới đây làm gì.

1. RFID - Chip nhận dạng bằng tần số

Thông điệp: Hãy quên đi cho nhẹ đầu

RFID là công nghệ giúp các doanh nghiệp quản lý kho bãi, hàng hoá tốt hơn. Đối với các siêu thị và cửa hàng bán lẻ, RFID có thể là "báu vật" vào một ngày nào đó. Nhưng tại thời điểm này, RFID vẫn cần có thời gian để hoàn thiện, trưởng thành và ít nhất là hạ thấp giá thành xuống.

2. Ảo hoá

Thông điệp: Nhu cầu cũng "ảo"

Ảo hoá đang lăm le nhảy vào thị trường tập đoàn, cùng với lời hứa hẹn ngọt như mía lùi: "Bạn chỉ cần vài chiếc máy chủ để cáng đáng công việc của cả trăm máy chủ trước đây".

Nhờ có môi trường ảo hoá, các máy chủ sẽ chạy được nhiều ứng dụng và thực hiện được nhiều công việc cùng lúc hơn.

Tuy nhiên, còn phải khá lâu nữa công nghệ này mới đạt đến độ chín và thuyết phục được các tập đoàn móc ví ra đầu tư. Bạn có thể phớt lờ những khái niệm phức tạp kiểu này ít nhất là đến hết năm nay.

3. Phần mềm như một dịch vụ

Thông điệp: Cứ dùng CD phần mềm đi đã!

Một vài doanh nghiệp lúc đầu rất hào hứng với ý tưởng mua phần mềm được bán qua mạng như-một-dịch-vụ. Theo lời quảng cáo, họ sẽ chỉ phải trả tiền theo đầu người dùng và không mất chi phí bảo trì cũng như sắm sửa phần cứng.

Thế nhưng mặt trái của việc này thì chẳng thấy Microsoft hay Google nhắc đến. Nếu dùng CD phần mềm, các nhân viên IT chỉ bận rộn cài đặt lúc đầu thì nay, khối lượng thời gian họ phải đầu tư cho phần-mềm-như-một-dịch-vụ trở nên "không giới hạn".

Kết quả là thời gian "chăm sóc" người dùng cá nhân sẽ bị ăn lẹm đáng kể.

Công bằng mà nói, dịch vụ Web cũng khá hấp dẫn và đáng để mắt đến, nhưng liệu nó có hiệu quả đến đâu với doanh nghiệp nhỏ và người dùng cá nhân thì vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.

4. Apple

Thông điệp: Microsoft ,hoặc chấp nhận bị cô lập

Không thể phủ nhận Quả táo là một thương hiệu đầy hấp lực. Họ liên tục tung ra những sản phẩm sành điệu, cực kỳ bắt mắt về thiết kế và cực kỳ "cool" về mặt tính năng.

Thế nhưng Intuit, hãng sản xuất ra Quickbooks lại không bày bán một phiên bản Quickbook dành riêng cho dòng máy tính Macintosh. Tại sao vậy?

Rất đơn giản, ngoài một số ít hãng thiết kế và sản xuất máy in chuyên dụng, đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa không chuộng dùng Mac. Nếu bạn phát triển một ứng dụng tương thích với Windows, bạn sẽ có vô vàn sự lựa chọn. Ngược lại, số ứng dụng hỗ trợ Mac thật hiếm hoi như lá mùa thu.

Đôi khi làm một kẻ nổi loạn thật khó khăn. Thôi thì đành nhún nhường và sử dụng sản phẩm Microsoft cho an toàn vậy.

5. IT sạch

Thông điệp: Hứa thật nhiều, thất hứa còn... nhiều hơn

Đúng, ai trong chúng ta cũng quan tâm đến môi trường thật. Nhưng sự quan tâm đó có đủ mạnh để bạn vung tiền cho một sản phẩm được quảng cáo là "xanh, sạch và thân thiện với trái đất" hay không?

Một câu hỏi nữa: nếu bạn tìm thấy công nghệ nào vừa bảo vệ môi trường, lại vừa thực sự có ích cho doanh nghiệp, thì cứ vô tư mua sắm đi. Và làm ơn báo cho tôi với nhé, vì tôi vẫn đang mỏi mắt kiếm tìm một sản phẩm như vậy đây.

Triển lãm CEBIT 2008 cũng đã chứng minh thực tế phũ phàng đó: Công nghệ xanh chẳng thể cứu vãn nổi sức hấp dẫn đang nhạt nhoà của một hội chợ công nghệ lớn nhất hành tinh.

6. Mạng xã hội ảo

Thông điệp: "Nói không với MySpace"

Các tập đoàn lớn đang cố kiếm tiền từ mạng xã hội ảo nhưng dường như chưa ai thực sự thành công. Trừ phi bạn tiếp thị cho buổi lưu diễn của Justin Timberlake ra, còn hầu như lời quảng cáo của bạn trên MySpace hay Facebook chẳng thu hút được mấy công chúng.

7. Phần mềm nguồn mở

Thông điệp: Của rẻ là của ôi, của cho là của nợ

Phần mềm nguồn mở có thể "miễn phí" thật, nhưng muốn vận hành, tuỳ biến hay nhận được hỗ trợ kỹ thuật cho sản phẩm nguồn mở ư? Bạn vẫn phải chi tiền như thường.

Dành thời gian để tuỳ biến một phần mềm chỉ vì nó được gắn mác "nguồn mở" không phải là sự đầu tư thời gian một cách hiệu quả. Đã thế, doanh nghiệp lại còn phập phồng lo sợ suốt ngày về những lỗ hổng và sự thiếu ổn định của nguồn mở nữa cơ chứ!

8. Windows XP

Thông điệp: "Vista đến rồi!"

Đã đến lúc phải cho hệ điều hành yêu quý này vào dĩ vãng. Dù bạn thích hay không, Windows XP sẽ không còn được bán và hỗ trợ kỹ thuật kể từ ngày 30/6 tới đây. Microsoft đã quyết định như vậy, và bạn buộc phải đón nhận Vista, vì làm gì còn sự lựa chọn nào khác?

9. Thương vụ Microsoft - Yahoo

Thông điệp: "Thế thì sao?"

Thật lòng mà nói, đa số người dùng và doanh nghiệp chẳng quan tâm đến kế hoạch thâu tóm Yahoo của Microsoft. Mua được thì sao mà không mua được thì sao?

Thái độ của người dùng khá rõ ràng: Cứ giải quyết với nhau đi nhé. Khi nào xong xuôi, chúng tôi sẽ Google toàn bộ câu chuyện sau.

10. Thế giới ảo

Thông điệp: Vô tác dụng cho thế giới thực

Báo chí luôn dành những từ hoa mỹ cho thế giới ảo. Chẳng có gì ngạc nhiên khi Second Life được thổi phồng tới tận mây xanh. Ấy thế mà nhiều doanh nghiệp (như IBM chẳng hạn) lại đón nhận công nghệ này một cách nghiêm túc đến khó hiểu. Họ thậm chí còn mua cả "đất" trong đó để quảng cáo cho sản phẩm của mình nữa chứ.

Nhiều người dùng thậm chí còn chi bộn tiền cho một chiếc phản lực riêng dát vàng (tất nhiên là ảo) và một chiếc giường biết tăng "khoái cảm" khi làm chuyện ấy.

Vấn đề đặt ra là thế giới ảo giúp được gì cho bạn ngoài đời thực nào, hay chỉ là một sự phí hoài thời gian không hơn không kém?

(Theo Vietnamnet/BusinessWeek)



Bình luận

  • TTCN (4)
Nemo Nguyen  21665

Thật ra RFID không nên xếp là công nghệ IT, vì đây là electronic và communications thì chính xác hơn.

RFID đang gặp vấn đề về sự tiện dụng (vì nó quá phức tạp so với mã vạch) và 1 chút bảo mật. Tuy nhiên, một hai năm nữa sẽ khác. RFID chính là sự thay thế tốt nhất cho mã vạch.

Nguyễn Hồng Quân

Ko biết tác giả bài này là ai mà có vẻ hơi cực đoan!

Hải Nam  30903

Link bài gốc đây http://bit.ly/cjZlS1 của một ông già tên Gene Marks.

Crazycoder

Bài viết không được khách quan cho lắm.

Đồng ý với bạn Nguyễn Hồng Quân về tính hơi cực đoan của bài viết.
1. RFID thì không biết.
2. Ảo hoá: Ai từng làm việc liên quan đến lập trình viên hay một số vị trí khác (testing chẳng hạn) mà không biết vai trò quan trọng của các phần mềm ảo hoá như VMWare.
3. Phần mềm dịch vụ: Ai chứ tôi thì ủng hộ cái này, cách đây mấy bữa có dài Visual studio, thay vì lại phải đi ra tiệm mua CD thì cài đặt trực tuyến, tất nhiên là có mất thời gian hơn, nhưng chỉ mất một lần cho lần cài đặt, hơn nữa lại "sạch" hơn CD -> ổn định hơn. Chẳng lẽ cứ mỗi lần cài đặt phiên bản mới của một phần mềm nào đó lại đi mua đĩa, không an toàn và chứa nhiều rác.
4. Apple
Không có ý kiến vì không xài.
5. IT sạch
Đồng ý luôn.
6. Mạng xã hội ảo
No comment!
7. Phần mềm nguồn mở
Xài thử Ubuntu đi rồi biết!
8. XP & Vista
Mới sắm dàn máy cấu hình khủng, nhưng xét cho cùng thì cài XP cho nó "lành"
9. Yahoo - Microsoft
Thực sự thì cái này cũng không đáng quan tâm lắm
10. Thế giới ảo
Thế giới trong game thì thế nào nhỉ? -> Tóm lại là hại nhiều hơn lợi.