Bộ TT-TT sẽ phải có những biện pháp mạnh hơn để quản lý có hiệu quả toàn ngành trên phạm vi cả nước. Ảnh: VNN.

Các sở BCVT sắp nhận thêm nhiệm vụ quản lý báo chí, xuất bản tại địa phương trong khi việc thực hiện 18 nhiệm vụ cũ còn gặp rất nhiều khó khăn.

Thiếu thốn và không thống nhất

Ông Hà Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở BCVT tỉnh Lào Cai cho biết ông vừa đi thăm hơn 10 sở BCVT, thấy nhiều sở còn phải ở nhờ, ở tạm nhà dân, “tư thế của cơ quan quản lý nhà nước như vậy chưa ổn”. Có sở chưa có phó giám đốc, có nơi thiếu chánh văn phòng hoặc chánh thanh tra...

Có tình trạng không thống nhất giữa các sở: nơi thì “ra sức” thành lập trung tâm CNTT, nơi có trung tâm CNTT lại cổ phần hóa vì văn phòng UBND tỉnh cũng có trung tâm tương tự. Quy hoạch cũng nơi có, nơi chưa xong, do chưa có hướng dẫn đầy đủ từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT).

Về vai trò đầu tàu trong lĩnh vực CNTT, ông Thắng băn khoăn: “Nhiều sở chưa có mạng LAN, chưa có hệ thống máy tính đầy đủ, làm sao có thể dẫn đầu?”. Văn phòng sở có thể dùng phần mềm (PM) nguồn mở nhưng các hoạt động nghiệp vụ của sở thì cần có PM chuyên nghiệp. Hiện nay các tỉnh Nam Bộ dùng PM của sở BCVT TP.HCM, Nghệ An tự viết, một số nơi khác thuê viết, còn Lào Cai chưa dám tự làm và cũng không biết nên dùng PM nào.

Thực hiện lộ trình chính phủ điện tử và giao dịch thương mại điện tử, các địa phương đều đã “xây” cổng điện tử, nhưng mỗi cổng làm một cách, kiến trúc khác nhau. Dịch vụ công thì nơi làm từ trên xuống, nơi làm từ dưới lên, không rõ đằng nào là phải.

Những rắc rối đó khiến ông Thắng phải thốt lên: “Chúng tôi cảm thấy mông lung và chưa dám tin vào bản thân mình”.

Giỏi bỏ đi, kém xin về

Một trong những khó khăn trầm trọng nhất của các sở BCVT hiện nay là thiếu nhân lực. Do chưa có cơ chế rõ ràng về biên chế nên các sở có đủ người làm hay không phụ thuộc vào quan hệ riêng của giám đốc sở với lãnh đạo địa phương (để “xin” biên chế).

Kể cả có đủ biên chế thì việc tuyển người cũng rất chật vật vì thu nhập ở sở không hấp dẫn. Ông Thắng cho biết, Lào Cai “thèm được như sở BCVT Đà Nẵng, có tới 2 tiến sĩ, 6 thạc sĩ”. Những tỉnh miền núi như Lào Cai tuyển chuyên viên bình thường cũng khó. Ông Tô Trọng Tôn, giám đốc sở BCVT Lào Cai đã cất công về trường ĐH Bách khoa HN tuyển được một thạc sĩ, thuê nhà cho ở, thậm chí giới thiệu bạn gái, nhưng chỉ giữ được 3 tháng rồi anh này “xin chào”. Sở cũng “lôi kéo” một người tương đối có trình độ về làm chánh văn phòng, xin việc cho cả vợ anh ta, nhưng cũng chỉ được một thời gian, sau đó cán bộ này xin sang làm cho doanh nghiệp (DN).

Theo ông Thắng, thực trạng trên dẫn đến nghịch lý: người có năng lực, trình độ kém lại quản lý những người có trình độ cao, vì người kém thường chạy chọt vào cơ quan quản lý, còn người giỏi thích vào làm trong DN.

Ông Nguyễn Kim Hòa, Giám đốc Sở BCVT Khánh Hòa cũng có mối lo tương tự về nhân lực. Ông cho biết, Sở BCVT Khánh Hòa hiện có 20 biên chế, có thể xem là đủ nếu như bộ máy tinh nhuệ. Nhưng do điều kiện lương bổng thấp nên sở không tuyển được người có chất lượng, hoặc tuyển được thì đa số chỉ làm một thời gian lại bỏ, mất công đào tạo. Sở cũng thấy khó có “cửa” cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên.

Ngay ở thành phố lớn như TP.HCM, cũng không tránh khỏi nạn chảy máu chất xám. Ông Nguyễn Mạnh Hà, giám đốc sở BCVT TPHCM than rằng đồng lương hiện nay rất khó giữ người, đặc biệt là khi khối DN CNTT có thu nhập cao. Đã có 2 tiến sĩ rời sở mà đi, và ông Hà tự an ủi: “Sở đã cung cấp nhân lực cho các đơn vị khác”.

Chờ Bộ “ra tay”

Theo ông Hà Văn Thắng, Bộ TT-TT cần tích cực hơn trong việc giúp các sở giải quyết những khó khăn nêu trên. Bộ cần xây dựng cơ chế rõ ràng về biên chế để các sở dựa vào đó ổn định tổ chức. Bộ đã về tỉnh và đã hứa, nhưng không làm việc với lãnh đạo tỉnh nên chưa hiệu quả. Nếu để các sở tự thân vận động thì những khó khăn trên vẫn tiếp tục kéo dài.

Ông Nguyễn Kim Hòa (Khánh Hòa) cũng cho rằng Bộ TT-TT nên tăng cường làm việc với UBND các địa phương, không nên chỉ đến sở BCVT như thời gian vừa qua. Ông Hòa cho rằng, bộ làm việc với lãnh đạo tỉnh thì dễ, chứ sở mời lãnh đạo tỉnh họp thì rất khó. Tiếng nói của Bộ bao giờ cũng có sức nặng hơn.

Mặc dù cho rằng việc nâng cao vị thế của sở là vấn đề của sở, nhưng ông Nguyễn Văn Diệu, giám đốc sở BCVT Bắc Giang cũng đề nghị bộ nên về làm việc với lãnh đạo tỉnh, trong đó chọn ra những nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến tỉnh để “làm cho sôi sùng sục lên”.

Trong khi đó, theo ông Hồ Xuân Phán, GĐ sở BCVT Thừa Thiên – Huế, ngay cả đi làm việc với các sở, bộ cũng chưa làm hết. Hiện nay mới có 40 sở được bộ về làm việc, còn 20 sở nữa chưa được gặp bộ. Việc bộ về thăm các sở, ông Phán nói, là nguồn động viên an ủi, thúc đẩy sở làm việc tốt. Ông Phán than thở: sở là cánh tay nối dài của bộ tại địa phương, nhưng cánh tay đó chưa được dài.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, theo ông Hà Văn Thắng, bộ còn cần giúp tạo cơ chế để thu hút người làm CNTT, vì các tỉnh có chính sách nhưng không có ưu đãi cụ thể nên không thu hút được. Về PM để hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ, bộ nên thống nhất chọn PM chuẩn, dùng chung và miễn phí, bổ sung chức năng quản lý báo chí và xuất bản thành PM quản lý chuyên ngành.

Tại hội nghị tổng kết năm 2007 của ngành TT-TT, thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, những khó khăn của các sở BCVT cũng chính là những khó khăn mà bộ đang gặp phải: bộ cũng chưa an cư (đang xây lại trụ sở), chảy máu chất xám, thiếu cơ chế... Bộ sẽ cố gắng khắc phục những khó khăn đó.

Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hà cũng như nhiều giám đốc sở BCVT khác cho rằng bộ không nên lấy lý do mình cũng khó khăn như các sở. Bộ cần thể hiện trách nhiệm nhiều hơn, vì bộ là nơi giải quyết những vướng mắc đó.

"Trong việc thực hiện công tác thanh tra, chúng tôi gặp vướng mắc vì thẻ thanh tra chuyên ngành chưa có, đôi khi khó giải thích cho đối tượng bị thanh tra", ông Hồ Xuân Phán, giám đốc sở BCVT Thừa Thiên – Huế.

"Lúc này là cơ hội thuận tiện nhất giành vị trí CIO của địa phương về cho sở BCVT", ông Nguyễn Văn Diệu, giám đốc sở BCVT Bắc Giang.

“Sở TT-TT có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: báo chí; xuất bản; bưu chính và chuyển phát; viễn thông và internet; truyền dẫn phát sóng; tần số vô tuyến điện, CNTT, điện tử; phát thanh và truyền hình; cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông; quảng cáo trên các phương tiện báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm”, trích nghị định 13/2008/NĐ-CP.

(Theo PCWorld VN)



Bình luận

  • TTCN (0)