Yahoo sẽ có 3 tuần để chấp nhận lời đề nghị mua lại trị giá 31USD/cổ phiếu, nếu không Microsoft sẽ "hạ thấp" mức bỏ thầu và làm việc thẳng với các cổ đông Yahoo, Giám đốc điều hành Steve Ballmer tuyên bố.

Lời đe dọa trên được Ballmer viết trong lá thư gửi ngày 5/4 tới ban giám đốc Yahoo, trong đó, ông khẳng định "Đã đến lúc đàm phán những điều khoản cuối cùng của thương vụ".

Gật đầu hoặc ra đi

Dù giá trị tại thời điểm hiện tại của hợp đồng này chỉ còn hơn 40 tỷ USD, song đây vẫn sẽ là vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp hi-tech, nếu thành công.

"Nếu chúng ta không đi đến được một thỏa thuận chung nào trong vòng 3 tuần tới, chúng tôi sẽ buộc phải đưa vụ việc ra thẳng các cổ đông của Yahoo, đồng thời xúc tiến những thủ tục đầu tiên của một cuộc chiến giành quyền kiểm soát", Ballmer cứng rắn.

Tiếp đến, Ballmer đe dọa sẽ "hạ thấp mức giá bỏ thầu" nếu như Yahoo tiếp tục chùng chình, dùng dằng. "Hành động đó chắc chắn sẽ có tác động ngoài ý muốn đến công ty của các ngài mà thôi".

Có thể nói, Microsoft đã tuân thủ rất "nghiêm chỉnh" mô hình sáp nhập kiểu "gấu ôm nhau" tại phố Wall: Đầu tiên là thuyết phục êkip lãnh đạo của đối thủ đàm phán một cách thân thiện, nếu không sẽ phải đối mặt với khả năng bị "hất cẳng" trong cuộc họp cổ đông thường niên.

Nếu không có gì thay đổi, đại hội cổ đông 2008 của Yahoo sẽ diễn ra trong mùa hè này và các cổ đông sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu chọn ban giám đốc mới.

Dự định của Microsoft là tiến cử một loạt các ứng viên xuất sắc cho ban giám đốc mới, sau đó vận động hành lang để cổ đông Yahoo lựa chọn họ.

Nếu những nhân sự mới này trúng tuyển, ban giám đốc cũ của Yahoo sẽ phải ra đi và bản hợp đồng sẽ được quyết định theo chiều hướng có lợi cho Microsoft.

Hết kiên nhẫn

Theo một nguồn tin giấu tên, Yahoo đã nghiên cứu rất kỹ lá thư đe dọa của Steve Ballmer. Tình thế hiện tại của họ khá khó khăn, do ngoài lời đề nghị của Microsoft, Yahoo hầu như không còn sự lựa chọn nào khác.

Theo Ballmer, Microsoft đã hết kiên nhẫn sau hơn hai tháng đưa ra lời đề nghị. Vào thời điểm ngày 1/2, khi Microsoft lần đầu công khai "thịnh tình" của mình, mức giá mà họ đưa ra cao hơn giá trị thị trường của Yahoo tới 62%.

Ấy thế nhưng ban giám đốc Yahoo đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị này, với lý do "giá trị của hãng đã bị đánh giá quá thấp".

"Steve Ballmer là một người nặng về tình cảm. Trong trường hợp này, ông ấy đã thực sự thất vọng", chuyên gia Kim Caughley của Fort Pitt Capital Group - một cổ đông của Microsoft, nhận định.

"Tôi thực sự tin là sẽ không có mức giá nào cao hơn 31 USD nữa. Đây là mức giá trần rồi".

Trước đó, trong hai ngày cuối tuần, tờ Wall Street Journal đã dự đoán rằng Microsoft rất có thể sẽ hạ giá mua lại Yahoo.

Nhận định này căn cứ vào tình hình kinh tế nói chung và việc thị phần Yahoo liên tục suy giảm trong thời gian gần đây, cả trên hai lĩnh vực chủ chốt là tìm kiếm lẫn quảng cáo trực tuyến.

"Hai tháng quá, họ chẳng có bất cứ động tĩnh gì, trong khi mạng Internet vẫn tiếp tục tiến lên phía trước. Thị trường tín dụng và nền kinh tế lại đang suy yếu một cách đáng kể", Caughley bình luận.

Hạn chót 3 tuần mà Steve Ballmer đưa ra cho Yahoo sẽ là ngày 26/4, bốn ngày sau khi Yahoo và hai ngày sau khi Microsoft công bố kết quả kinh doanh quý I/2008.

Dồn vào chân tường

Khá là mai mỉa đối thủ, Ballmer nói rằng "bất chấp các nỗ lực của ban giám đốc, Yahoo đã chẳng mời được một đối tác nào khác liên minh".

Giới truyền thông từng đưa tin rằng Yahoo đã đánh tiếng với News Corp, Google lẫn Time Warner nhằm né tránh bản hợp đồng của Microsoft.

Mặc dù vậy, tất cả các cuộc thương thảo đều chẳng dẫn tới đâu. Theo quan điểm của Yahoo, bắt tay với AOL hay Google sẽ là những lựa chọn tốt hơn.

Trong khi ấy, áp lực từ các cổ đông Yahoo ngày một đè nặng lên vai ban giám đốc. Cũng như Ballmer, họ tỏ ra mất kiên nhẫn và cáu bẳn khi Yahoo từ chối "bán mình".

Một số người thậm chí đã đệ đơn kiện Yahoo ra tòa, với lý do "vô trách nhiệm và phản bội lợi ích của các cổ đông".

Trước việc Yahoo đang bị dồn vào chân tường, đúng là chẳng có lý gì để Microsoft phải nâng mức giá bỏ thầu lên cả, WSJ dẫn lời một quan chức giấu tên bên Microsoft.

Thậm chí, Yahoo còn áp dụng nhiều biện pháp khiến cho vụ sáp nhập (nếu có) với Microsoft trở nên tốn kém hơn, Ballmer phàn nàn.

Vài tuần sau khi Microsoft công khai đòi mua lại, ban giám đốc Yahoo đã thực thi một chính sách bồi thường và đền bù hết sức hào phóng cho toàn thể các nhân viên, trong trường hợp công ty bị mua lại.

Tính đến hết hôm thứ sáu tuần trước, giá cổ phiếu Yahoo đóng cửa ở mức 28,36 USD, còn Microsoft đạt 29,16 USD.

(Theo Vietnamnet/Reuters)



Bình luận

  • TTCN (0)