Phản ánh với Thanh Niên, chị Mai Thị T. (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết có đăng kí gói cước MIU của MobiFone với cước phí 70.000 đồng/tháng. Khi hết dung lượng tốc độ cao, khách hàng được sử dụng miễn phí với tốc độ thấp hơn. Tuy nhiên, do yêu cầu đột xuất của công việc phải gửi tài liệu, ảnh qua email nên chị bỏ tiền mua thêm gói tốc độ cao Max 10.000 đồng (được dùng 100 MB tốc độ cao).

“Không mua thì không thể chịu nổi vì hết gói tốc độ cao, chuyển qua dùng miễn phí mạng chậm như rùa bò. Khi hết tôi phải mua thêm gói 10.000 đồng chỉ vào Facebook cập nhật thông tin bạn bè vài phút đến khi thoát ra đã thấy báo hết dung lượng. Nhà mạng trừ tiền kiểu gì mà chúng tôi cảm thấy như mất cắp”, chị T. thắc mắc.

“Truy” tới cùng mới chịu đền bù, xin lỗi

Tính kiểu gì người dùng cũng thiệt

Không chỉ tính gian cước, hiện nay, các nhà mạng đang tính cước 3G tối thiểu với đơn vị là 50 kb. Nếu người dùng sử dụng phần nhỏ hơn con số này sẽ được làm tròn thành 50 kb. Nếu khách hàng đăng ký các gói cước thông thường, khi hết dung lượng miễn phí tốc độ cao sẽ tính phát sinh cước vượt dung lượng giới hạn từ 25 - 50 đồng cho 50 kb (tùy mạng). Nếu thuê bao không đăng ký sử dụng dịch vụ 3G theo gói cước thì mức phí mặc định các nhà mạng áp dụng sẽ là là 75 đồng cho 50 kb.

Không riêng gì chị T., ông N.V.L (trú tại P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông đăng kí thuê bao trả sau của Viettel từ ngày 29.6.2014, sử dụng gói cước DK150. Theo đó, với phí tham gia khuyến mãi là 100.000 đồng/tháng, thuê bao được hưởng 300 phút gọi nội mạng/tháng miễn phí. Ngoài ra, được 300 MB lưu lượng miễn phí sử dụng 3G. Khi hết hệ thống sẽ tính cước lưu lượng vượt định mức 25 đồng/50 kb.

Thời điểm vào cuối năm 2014, khi thấy mình không sử dụng gì nhiều, nhưng tháng nào cũng bị tính cước lên tới vài trăm nghìn đồng, ông bắt đầu nghi ngờ. Khi hỏi lại nhân viên hỗ trợ và yêu cầu cung cấp bảng chi tiết tính cước, ông phát hiện thấy có một khoản “dịch vụ giá trị gia tăng khác” (dao động mỗi tháng 200.000 - 300.000 đồng/tháng). Không hiểu dịch vụ khác là dịch vụ gì, ông hỏi đi hỏi lại nhưng nhân viên của Viettel vẫn không trả lời.

Bẵng đi một thời gian, đến tháng 9.2015 ông lại thấy cước tháng 5 và tháng 8.2015 tăng cao bất thường. Lần này, ông mang tất cả hợp đồng, CMND đến Trung tâm Viettel Cầu Giấy (thuộc chi nhánh Viettel Hà Nội) khiếu nại. Sau 1 tháng trời bám trụ, truy lại từng cuộc gọi, ngày giờ tính cước, ông yêu cầu nhà mạng phải giải thích cụ thể bằng văn bản: Tại sao trong bảng tính cước tháng 8.2015 lại có “khoản dịch vụ giá trị gia tăng khác” hơn 250.000 đồng.

Đến cuối tháng 9.2015, chi nhánh Viettel Hà Nội phản hồi lại, theo đó: “Tháng 5.2015 thuê bao của quý khách đã sử dụng hết tổng lưu lượng 437.691 kb. Theo ưu đãi, quý khách được trừ 300 MB = 307.200 kb miễn phí. Tuy nhiên, hệ thống mới trừ 102.400 kb, còn lại 335.291 kb hệ thống tính vượt cước lưu lượng định mức là 25 đồng/50 kb tương ứng với 170.425 đồng. Để đảm bảo quyền lợi của quý khách chúng tôi sẽ điều chỉnh số tiền còn lại 105.179 đồng vào chu kì tính cước tháng 9.2015. Chúng tôi thành thật xin lỗi quý khách vì để xảy ra sự cố nêu trên”.

Tù mù mới dễ “ăn gian”

Có thể nói, chưa khi nào các nhà mạng được tận hưởng ưu đãi, lợi thế lớn kéo theo lợi nhuận khủng khiếp như hiện nay. Chỉ tính riêng lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Viettel năm 2014 đã đạt 42.000 tỉ đồng, bằng cả hệ thống ngân hàng cộng lại; MobiFone khiêm tốn hơn cũng đạt 7.300 tỉ đồng. 8 tháng đầu năm 2015, MobiFone đạt lợi nhuận hơn 5.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, chất lượng, giá cả và cách tính cước của các nhà mạng chưa lúc nào khiến dư luận hài lòng.

Khảo sát của công ty cung cấp các dịch vụ viễn thông Ericssion vừa công bố tháng 9.2015 cho thấy, tốc độ 3G ở VN đang thấp nhất khu vực, chỉ đạt 160 kb/giây, thua xa các nước Philippines, Bangladesh, Myanmar, đứng cuối danh sách trong số 9 nước được khảo sát về chất lượng mạng dữ liệu di động. Trước đó, website Net Index Explorer cũng thống kê tốc độ kết nối 3G tại VN ở thời điểm hiện tại chạm ngưỡng 1,71 Mbps, xếp hạng 117 trên 118 quốc gia được trang này thống kê.

Đánh giá về các nhà mạng hiện nay, TS Ngô Trí Long bình luận: “Họ đã lãi và tiếp tục sẽ lãi lớn. Còn khách hàng sẽ vẫn cứ phải gánh chịu thiệt thòi và rủi ro. Vì đơn giản, khách hàng không bao giờ biết được họ tính cước như thế nào. Tù mù, thiếu công khai minh bạch mới dễ an gian”.

Riêng trường hợp của ông N.V.L, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico lo ngại, một thuê bao tính gian cước nhà mạng đã thu hơn 100.000 đồng, với hàng triệu thuê bao, chỉ cần một cú điều chỉnh trên hệ thống thì số tiền sẽ là bao nhiêu. “Sẽ lên tới hàng trăm tỉ đồng mà thực tế chẳng ai có thể kiểm tra, giám sát được. Ngay như bản thân tôi cũng đã từng nghi ngờ một nhà mạng tính sai, nhưng không chứng minh được, chỉ còn mỗi một cách tức quá là khóa sim, dùng mạng khác”, ông Đức chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cũng cho rằng cách tính cước, dịch vụ của các nhà mạng thiếu công khai, minh bạch. Cần phải có quy định, tiêu chuẩn rõ ràng hơn để giám sát các loại dịch vụ như này.

Đồng quan điểm trên, luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị ngoài những quy định, tiêu chuẩn, không có gì bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn khi thị trường có được sự cạnh tranh thực sự. “Ba ông lớn Viettel, MobiFone, Vinaphone nói là cạnh tranh nhưng thực sự vẫn đang cùng bắt tay chiếm lĩnh thị trường. Khi tăng giá cước thì tất cả cùng tăng. Như vậy làm sao người tiêu dùng có được sản phẩm tốt nhất, rẻ nhất, và chất lượng được”, ông Đức nói.

Theo Thanh Niên.




Bình luận

  • TTCN (0)