Sử dụng Internet của VDC tại Lào Cai

Chủ trương của bộ GD-ĐT về kết nối mạng Internet đã mở ra cuộc cạnh tranh mới cho  các nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) ở thị trường giáo dục. Dù Viettel đang có lợi thế do đã ký kết văn bản hợp tác với bộ, để triển khai mạng giáo dục với mức giá ưu đãi, nhưng các ISP khác mới đây đã có những động thái tăng tốc, quyết không chịu lép vế...

Rẻ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng ?!

Với nguồn kinh phí eo hẹp của ngành giáo dục, việc Viettel đưa ra mức giá ưu đãi sẽ có sức hút rất lớn. Ông Huỳnh Kim Sen, giám đốc Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục (Sở GD-ĐT TP.HCM) nhận xét: “Tuy Cục CNTT đề nghị các đơn vị giáo dục chuyển sang kết nối với Viettel vì những ưu đãi kèm theo, nhưng Cục không bắt buộc. Tùy theo điều kiện của từng trường mà chủ động, vì kinh phí này là do trường trả, nếu bắt buộc là… hỏng ngay”.

Phía các trường phổ thông cũng dấy lên nhiều ý kiến khác nhau. Có không ít ý kiến băn khoăn trước việc quyết định chọn ISP nào. Điều kiện từng trường khác nhau, hiện trạng kết nối Internet cũng khác nhau, chưa kể điều kiện địa phương mỗi nơi mỗi khác.

“Trường chúng tôi đang có  bốn đường ADSL của FPT lẫn VNN. Tuy nhiên, chúng tôi đang xem xét đến khả năng trang bị thêm một đường của Viettel, bởi lẽ Viettel bắt đầu hỗ trợ kết xuất ra các thiết bị cầm tay” - cô Đỗ Thị Thanh Thiên hiệu trưởng trường THPT Dân lập Ngôi Sao, TP.HCM, chia sẻ. “Sau này, trên mạng của Viettel, chúng tôi có thể thực hiện báo điểm hay những thông tin khác cho phụ huynh học sinh qua ĐTDĐ. Cũng chưa biết thực tế thế nào, chúng tôi còn phải gặp bên Viettel để tìm hiểu…”.

Cùng ý kiến, thầy Phạm Quốc Việt, phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, nhận xét: “Hiện trường chúng tôi mỗi tháng phải bóp bụng chi hai triệu đồng cho tiền Internet. Nếu nhà cung cấp chúng tôi đang kết nối có chính sách ưu đãi như Viettel thì có lẽ vẫn dùng tiếp thôi. Còn không, chúng tôi sẽ gặp phía Viettel để bàn bạc. Nếu Viettel chấp nhận cho trường mức thuê  đường leased line giá 1,2 triệu đồng như với Sở thì trường làm ngay, vì sử dụng đường leased line thì sau này mới có  thể phát triển các dịch vụ của Internet được...”.

Kết nối Internet để phát triển giáo dục là điều hay, nên làm nhưng phải lường được những khúc mắc quanh vấn đề  kết nối, song có vẻ hàng vạn trường trên cả nước tới nay vẫn chưa lường hết được. Trước mắt, có thể thấy ngay là  kết nối với Viettel sẽ có được ưu đãi về giá cước lẫn những hỗ trợ khác. Nhưng hỗ trợ đến khi nào, cam kết tốc độ ra sao, rồi vấn đề đảm bảo tổng băng thông tối thiểu ra sao, hay cứ tùy tiện phát triển thuê bao mà không nâng băng thông, để rồi xảy ra tình trạng “nghẽn cổ chai”?

Thêm VDC vào cuộc !

Theo công văn của Cục CNTT, nếu quả thật Viettel miễn phí toàn bộ cước lắp đặt, còn giá thuê bao hàng tháng nối đến các Sở là 1,22 triệu đồng thì quả là ưu đãi (một so sánh: cước phí hàng tháng của FPT cho gói dịch vụ cáp quang tốc độ 4 Mbps là 2,5 triệu đồng).

Ông Nguyễn Quý Hải, trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty VDC, khẳng định: “Theo tôi, mức cước của Viettel cung cấp cho giáo dục và đào tạo là thấp. Nếu cung cấp cho các doanh nghiệp và người dân với mức này thì nhà cung cấp sẽ “không chịu nổi” vì lỗ. Sau khi có thông tin của Viettel, VDC đã xây dựng ngay bốn gói cước mới dành riêng cho giáo dục, bản chất là nâng cấp các gói cước cũ tốc độ cao hơn với một hình thức khác. Giá cước mới của VNPT sẽ ngang, hoặc cao hơn một chút so với Viettel, và có tốc độ cao hơn.”

Theo ông Hải, so với các gói cước cung cấp cho doanh nghiệp thì các gói cước VNPT hiện cung cấp cho mạng giáo dục đã có sự chênh lệch rồi, nay sẽ tiếp tục giảm do có sự cạnh tranh mới!

Theo thông tin e-CHÍP vừa có được, đại diện VDC đã tiếp cận Cục CNTT để bàn bạc kế  hoạch hỗ trợ dịch vụ mạng cho giáo dục. Trước mắt, VDC đưa ra gói dịch vụ Internet Edu kết nối cáp quang với giá ưu đãi chỉ dành riêng cho các đơn vị giáo dục. Trong đó, các khách hàng như Bộ, Sở, Viện nghiên cứu, trường đại học,… là những đối tượng khách hàng trọng tâm. Nếu khách hàng có  nhu cầu khác với gói cước đã đưa ra, phía VDC cho biết có thể tiến hành đàm phán để có giá tốt nhất.

So với mức giá cước cũ, bốn gói cước mới (EduNET Basic, EduNET Bronze, EduNET Silver, EduNET Gold) của VDC giảm 62%. Còn so với mức cước dành cho doanh nghiệp, gói cước đặc biệt cho khối GD-ĐT này giảm 88%. Tốc độ kết nối với cổng Internet: băng thông Internet trong nước tốc độ 5, 10, 20, 30 Mbps/thuê  bao; băng thông quốc tế tốc độ 512 Kbps, 1-3 Mbps/thuê bao.

“VDC sẽ cạnh tranh vào những gói cước truy nhập tốc độ cao. Dù Viettel và Bộ ký kết và có hỗ trợ đáng kể nhưng khó có sự phát triển đột biến về khách hàng và không dễ triển khai chương trình này, do còn nhiều yếu tố như máy tính, giáo viên, mặt bằng, điện,… Hơn nữa, các trường có quyền tự chủ trong việc lựa chọn doanh nghiệp nào phù hợp nhất với nhu cầu chứ không phải Bộ cứ ký kết với doanh nghiệp nào là trường phải sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp đó.” - ông Hải kết luận.

Trong khi đó, dù e-CHÍP đã nhiều lần liên lạc, và FPT Telecom cũng “hứa hẹn” sẽ trả lời nhưng đến nay, Tòa soạn vẫn không nhận được thông tin nào cho kế hoạch “giữ chân” khách hàng cũng như tìm kiếm khách hàng mới trước sự “đe dọa” của Viettel, và hiện nay có thêm VDC.

Trao đổi với tư cách cá nhân cùng e-CHÍP, chị Tô Thị Thanh Thủy, trưởng Phòng Marketing, FPT Telecom, cho biết: Trước nay, VDC cùng Viettel vẫn thường xuyên đưa ra các mức giá thấp hơn so với FPT. Tuy nhiên, FPT không chủ trương cạnh tranh bằng giá mà bằng chất lượng dịch vụ, lẫn chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng. Theo chị, tất nhiên FPT Telecom cũng sẽ có “kế sách” trước sự kiện Viettel chuẩn bị nhảy vào thị trường giáo dục, nhưng như thế nào thì… “chưa thể nói được”.

Liệu sẽ… “nghẽn cổ chai” ?

Vấn đề đặt ra không chỉ với Viettel, mà tất cả các ISP tham gia thị trường giáo dục sẽ điều phối băng thông thế nào, và khi phát triển ồ ạt thuê bao có đi kèm với việc tăng băng thông kết nối quốc tế ?

Ông Hoàng Sơn, giám đốc Viettel Telecom, cho biết: “Đường truyền leased line là kênh thuê riêng, nên chất lượng dịch vụ không bị ảnh hưởng bởi số lượng khách hàng. Hạ tầng internet của Viettel có dung lượng lớn và liên tục được mở rộng nên việc các trường tham gia không ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ.

Hiện tại băng thông quốc tế của Viettel là 4 Gbps, băng thông quốc tế trung bình trên một thuê bao của Viettel là lớn nhất, tuy vậy chúng tôi đang có kế hoạch nâng thêm luồng trước tháng 11/2008. Còn về mức giá, Viettel Telecom sẽ áp dụng bảng giá cước này mãi mãi cho Bộ GD-ĐT. Đây không phải là một đợt khuyến mại, đây là chính sách của Viettel cho giáo dục”.

Trả lời e-CHÍP về dịch vụ thuê kênh Internet trực tiếp, Viettel Telecom có cam kết băng thông tối thiểu hay không, ông Sơn cho rằng leased line là dịch vụ băng thông đối xứng với đường uplink và downlink bằng nhau, vì vậy không tồn tại khái niệm cam kết băng thông tối thiểu. Băng thông của dịch vụ này là băng thông mà khách hàng luôn luôn có tại mọi thời điểm.

Còn theo ông Nguyễn Quý Hải, trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty VDC, thì số  lượng khách hàng khối giáo dục - đào tạo chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng số khách hàng của VDC, nên việc tăng hay giảm một chút tốc độ kết nối không ảnh hưởng đến tình trạng nghẽn băng thông quốc tế. Trong tháng 9, VDC sẽ tăng 12 kênh STM1 băng thông quốc tế, tháng 10 dự kiến sẽ  tăng thêm ba kênh STM16 (tương đương tăng 80% dung lượng kênh quốc tế).

Việc Viettel đưa ra mức giá ưu đãi đã buộc các ISP khác phải chạy theo. Hỗ trợ, ưu đãi ra sao là tùy theo chiến lược của mỗi ISP, nhưng có  thể thấy ngay: ngành giáo dục - đào tạo đang được lợi từ cuộc đua này. Năm học CNTT của ngành giáo dục sẽ còn chứng kiến nhiều điều bất ngờ, thú vị.

Ảnh
Bảng giá Viettel
Ảnh
Bảng giá VDC

(Theo e-CHIP)



Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30903

Trong bảng giá thì thấp nhất của Viettel là 15 triệu, vậy đây là bảng giá tính theo năm ? Vậy thì rẻ thật. Nhưng VDC giá còn rẻ hơn nhiều (thấy có 8,8 triệu), trong khi ở trường học thì cần quái gì đường truyền dung lượng cao.

Viettel nói họ có lợi thế về băng thông/thuê bao, nhưng con số này không phản ánh đúng được vấn đề, vì Viettel chỉ có 4 Gbps, có lẽ chỉ bằng 1/2 của VDC. Mà chúng ta đều biết rằng, chẳng hạn 5 triệu thuê bao dùng 4 Gbps thì chậm hơn hẳn so với 10 triệu thuê bao sử dụng 8 Gbps.