Sẽ lắp hộp đen cho những xe khách chạy tuyến cố định này! (Ảnh minh họa: Chí Hiếu)

"Trong tháng 9 này, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) sẽ lắp thí điểm hộp đen trên 3 tuyến xe khách chạy tuyến cố định. Nếu thành công và đem lại hiệu quả tích cực trong quản lí giao thông thì sẽ nghiên cứu bổ sung điều chỉnh vào Luật Giao thông đường bộ" - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Nguyễn Văn Thanh cho biết.

3 hộp đen này là sản phẩm mới của Công ty Trực Nhân (TP.HCM) giới thiệu trong buổi hội thảo về "Hệ thống quản lý ô tô trực tuyến" tại Cục Đường bộ, ngày 16/9.

Mỗi hộp đen được lắp trên xe sẽ kết nối với trung tâm điều hành giao thông (mỗi doanh nghiệp sử dụng hộp đen quản lý phương tiện sẽ là một trung tâm điều hành), bằng một sim điện thoại qua hệ thống GSM.

Toàn bộ dữ liệu, thông số của xe như tốc độ xe chạy hay xe đang dừng; tên tài xế; tọa độ; mức nhiên liệu trong xe; số lần dừng đỗ; cửa xe mở hay đóng sẽ được truyền trực tiếp về trung tâm điều hành của doanh nghiệp và cứ 15 giây/lần các dữ liệu này sẽ được hệ thống lưu giữ lại.

Hộp đen này giúp cho doanh nghiệp quản lý phương tiện, tài sản, tài xế thông qua một biểu đồ chạy xe cụ thể như điểm đi, điểm dừng, điểm đến, tổng thời gian vận hành... và kiểm soát được các thông số an toàn của xe trước khi xuất bến hay đến hạn phải bảo trì, bảo dưỡng...

Nếu hộp đen mất thì hệ thống dữ liệu tự động lưu lại cách 15giây/lần sẽ giúp cho cơ quan điều tra có được dữ liệu trong trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Trong trường hợp nguy hiểm như lái xe chạy quá tốc độ, tăng giảm đột đột..., hộp đen sẽ báo về trung tâm hoặc phát tín hiệu cảnh báo với tài xế.

Trả lời thắc mắc của các doanh nghiệp vận tải về giá, cách vận hành và quản lý, đơn vị cung cấp cho biết, giá một chiếc hộp đen là 400 đô la Mỹ, cùng với các chi phí quản lý, thuê bao điện thoại thêm khoảng 190.000đ/xe/tháng.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngoài việc giúp cơ quan công an khi có tai nạn, giúp doanh nghiệp trong quản lý phương tiện... thì một điều mà hộp đen cần "hướng đến" nhất là phải đem lại lợi ích cho người trực tiếp cầm lái.

"Trong tình huống khẩn mà phải báo về doanh nghiệp, rồi doanh nghiệp truy tìm, định vị chiếc xe đó để báo cho lái xe thì rất mất thời gian. Vì thế, hộp đen phải cảnh báo trực tiếp cho lái xe chạy quá nhanh, số giờ cầm lái quá lâu... Hộp đen không chỉ như anh cảnh sát giao thông hay đại diện doanh nghiệp chỉ giám sát và phạt mà quan trọng nhất là cảnh báo lái xe để hướng đến những chuyến xe an toàn" - ông Hùng nói.

Về phía doanh nghiệp, dù đã cảm nhận được sẽ "rất nhàn hạ" nếu áp dụng hộp đen trong quản lý, song đại diện các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội băn khoăn rằng, liệu hệ thống này có đồng bộ với cơ sở hạ tầng và nhất là có "tương thích" với tính chuyên nghiệp của lái xe ở nước ta?

"Quản lý công tơ mét ở đồng hồ taxi đã khá bài bản, nhưng tài xế vẫn tìm mọi mánh khóe để móc túi hành khách. Quản lý công tơ mét ở xe tải cũng rất chặt nhưng tài xế cũng có cách ăn tiền xăng, phá đồng hồ rồi kêu nó hỏng... Vậy, công nghệ quản lý, bảo quản hộp đen như thế nào? Thuyết phục lái xe ra sao để họ cũng đồng ý lắp hộp đen "giám sát" chính mình là những câu hỏi dồn dập được các doanh nghiệp đưa ra.

Trước thực tế đó, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Nguyễn Văn Thanh cho biết, sẽ lắp thí điểm hộp đen trên 3 tuyến xe khách cố định bất kì. Cùng với đó, Cục và Công ty Trực Nhân sẵn sàng lắp thí điểm miễn phí cho các doanh nghiệp để có câu trả lời thực tế nhất cho các doanh nghiệp và tài xế.

Ông Thanh cũng "cảnh báo" rằng, Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi sẽ có hiệu lực vào 1/7/2009, có những điều kiện khắt khe đối với hoạt động vận tải khách tuyến cố định. Nếu hộp đen được thí điểm thành công, có thể sẽ được Cục Đường bộ đề nghị là điều kiện bắt buộc bổ sung vào luật này.

(Theo Vietnamnet)



Bình luận

  • TTCN (0)