Sau hơn 5 năm triển khai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo ngừng triển khai Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (gọi tắt là Đề án 112). Đây từng được xem là một đề án lớn, được kỳ vọng nhiều về quá trình tiến lên Chính phủ điện tử… Vì sao như vậy?
Cơ chế chồng chéo, kết quả mơ hồ
Thực ra không phải đến thời điểm này, sự thất bại của Đề án 112 giai đoạn 1 (2001- 2005) mới được nói đến. Ngay từ đầu năm 2006, vấn đề này đã được nói đến rất nhiều. Tuy nhiên vào thời điểm đó, không hiểu sao, Ban điều hành Đề án 112 do ông Vũ Đình Thuần làm trưởng ban lại không có sự tổng kết rút kinh nghiệm cần thiết mà tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (2006 - 2010)?
Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Long – Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, đã khẳng định rằng: Những gì Đề án 112 làm được trong 5 năm qua là chưa nhiều và cần phải sớm thay đổi cách thức triển khai, điều chỉnh các hoạt động cũng như nội dung thực hiện nếu muốn thực hiện giai đoạn 2.
Các sản phẩm của Đề án 112 được trưng bày trong buổi lễ giới thiệu về "thành quả bước đầu đạt được" của Đề án 112 ngày 9/9/2005 tại Trung Tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội. Ảnh: VietNamNet.
Trước tình hình đó, cuối năm 2006, Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường (KH-CN-MT) Quốc hội đã tiến hành giám sát, thẩm định việc thực hiện Đề án 112! Cuối tháng 3 vừa qua, báo cáo về kết quả thẩm định giám sát này đã được gửi lên Thường vụ Quốc hội.
Theo báo cáo của Ủy ban KH-CN-MT, một trong những nguyên nhân chính khiến Đề án 112 không đạt được mục tiêu vì Ban điều hành không có chức năng quản lý nhà nước về CNTT nhưng vẫn tổ chức thẩm định các dự án phần mềm và hướng dẫn Ban điều hành các tỉnh thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, trái với nghị định, quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tạo nên tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong đầu tư cũng như triển khai các dự án thuộc Đề án 112. Điều này gây ra tình trạng chồng chéo ở các địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu của đề án.
Theo ông Nguyễn Long, điều này đã gây lãng phí rất lớn cho các địa phương khi thực hiện Đề án 112. Điển hình nhất là việc xây dựng các phần mềm dùng chung. Có những phần mềm dùng chung được lấy qua đấu thầu, nhưng cũng có những phần mềm do địa phương tự xây dựng. Đã có rất nhiều tỉnh đề nghị là được sử dụng phần mềm của họ, chứ không sử dụng phần mềm chung đã có trước đây.
Vì vậy ý tưởng xây dựng những phần mềm dùng chung, thống nhất trên cả nước của Đề án 112 bị đổ vỡ. Rất nhiều địa phương không dùng những phần mềm dùng chung mà tự mình xây dựng phần mềm riêng, thậm chí nhiều nơi xây dựng ra rồi lại bỏ không dùng, gây lãng phí rất lớn!
Mặt khác, trong khi một số địa phương như TPHCM, Đồng Nai, Vĩnh Phúc… đã thử nghiệm và thực hiện tốt mô hình của họ, nhưng không thể áp dụng mô hình đó cho những tỉnh khác. Trong khi đó, Đề án 112 lại muốn áp đặt những mô hình cụ thể, trong khi không có những mô hình cụ thể với từng địa phương, vùng miền, bộ ngành.
Chính vì vậy, các địa phương lúng túng trong cách thực hiện. Nói cách khác, Đề án 112 chưa xây dựng được một mô hình thử nghiệm tốt mà đã triển khai đồng loạt, nên việc không đạt được những mục tiêu là điều tất yếu! Ngay Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng: nhiều năm làm việc ở trụ sở Chính phủ, từ khi có Đề án 112 đến nay, không thấy mang lại tiện ích, ứng dụng nào cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ!
Kinh phí không rõ ràng
Sau khi nghe báo cáo của các bộ phận liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Đề án 112 đã không thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ tin học hóa quản lý hành chính nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao. Vì vậy, ngừng triển khai Đề án 112. Ban điều hành Đề án phải tiến hành tổng kết, nghiêm túc kiểm điểm việc không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ; khẩn trương thực hiện kiểm toán, giải quyết những vấn đề tồn tại, liên quan.
Liên quan đến kinh phí thực hiện Đề án 112, báo cáo của Ủy ban KH-CN-MT cho biết, việc phân cấp đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án rõ ràng và tạo điều kiện chủ động cho các bộ, ngành, địa phương. Song trong quá trình chỉ đạo, do Ban Điều hành Đề án 112 Chính phủ không định được khung chuẩn của các hệ thống tin học hóa của các các bộ, ngành, địa phương, xác định được mức đầu tư sàn (dưới và trên).
Việc này dẫn đến các bộ, ngành, địa phương đầu tư tùy tiện. Có bộ, ngành, địa phương đầu tư rất lớn, có nơi lại ít quan tâm hầu như không đầu tư gì thêm ngoài nguồn từ kinh phí trung ương cấp về. Ngay kinh phí Trung ương cũng không dự trù sát, mà chỉ nêu “không dưới 1.000 tỷ đồng”. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, Ban điều hành Đề án 112 ở Trung ương cũng không nắm được các bộ, ngành, địa phương đầu tư thêm bao nhiêu.
Theo báo cáo của Ban Điều hành Đề án 112, kinh phí thực hiện đề án đến tháng 9-2003 đã là 3.730 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Ủy ban KH-CN-MT, các báo cáo của Ban điều hành 112 không theo một tiêu chí chung nên khó đánh giá chi tiết về tổng dự toán của Đề án 112 của các bộ, ngành, địa phương, kinh phí thực hiện, nguồn vốn huy động (ngân sách trung ương, địa phương). Đó là chưa tính đến việc theo quy định hiện hành thì tỉ lệ khấu hao thiết bị CNTT được tính 15%, cho nên số thiết bị này sẽ bị khấu hao trong khi được sử dụng không hiệu quả…
Trước những bất cập trong việc triên khai Đề án 112 và trước khi Thủ tướng Chính phủ chính thức chỉ đạo dừng việc triển khai đề án, Ủy ban KH-CN-MT đã kiến nghị cần thực hiện kiểm toán đối với đề án và phải thay đổi về cơ bản tổ chức triển khai, bộ máy triển khai thực hiện cũng như cần sớm có nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng về bộ máy chỉ đạo, cơ quan triển khai và phương thức điều hành triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
(Theo Trần Lưu/SGGP)
Bình luận