Internet, điện thoại di động.. đã thay đổi thế giới theo hướng tích cực dù vẫn còn mặt hạn chế như biến cuộc sống của nhiều người thành địa ngục vì những hình ảnh bị phát tán trên mạng.
Báo Telegraph (Anh) đã liệt kê 50 điều đang bị công nghệ kết nối "giết chết", trong đó có nhiều thứ gần gũi với Việt Nam như:
1. Bày tỏ sự không đồng tình một cách nhã nhặn: Thường ai "dũng cảm" hoặc quá nóng giận mới to tiếng, làm ầm ĩ nơi công cộng, còn trên diễn đàn online, cả người điềm tĩnh nhất cũng có thể tuôn ra những lời khó nghe với người/ý kiến mà họ ghét.
2. Thưởng thức trọn vẹn một album: Người ta chỉ chọn và nghe những file nhạc mà họ thích nhất.
3. Đúng giờ: Chỉ cần gọi điện, bạn có thể biết người kia đang đi tới đâu, hoặc báo cho họ biết bạn có thể đến muộn.
4. Sự rụt rè khi lần đầu mua ấn phẩm "dành cho người lớn": Nội dung khiêu dâm lan tràn trên Internet khiến những chàng thanh niên mới lớn không cần hoặc không còn bối rối khi lần đầu ra cửa hàng mua các tờ báo "mát mẻ".
5. Đồng hồ đeo tay: Trừ khi chiếc đồng hồ đó thể hiện sự lịch lãm, sang trọng hay có ý nghĩa nhất định, nếu chỉ để xem giờ, người ta sẽ ngó vào điện thoại, laptop...
6. Thư tay: E-mail nhanh, rẻ, tiện lợi và dễ biên tập hơn với người dùng Internet.
7. Không cần nhớ nhiều: Số điện thoại mới được lưu vào danh bạ, ngày tháng các sự kiện lịch sử đã có Google và Wikipedia trợ giúp, một số học giả cho rằng trẻ em không cần học thuộc lòng nữa.
8. Thời gian chết: Bạn có còn dành hẳn 1-2 giờ ngồi lỳ bên cửa sổ ngắm trời mây? Có lẽ chỉ khi kết nối Internet bị ngắt, điện thoại hết pin mà không tìm thấy sạc còn TV đang hỏng.
9. Xem TV cùng nhau: Qua rồi những buổi tối sau giờ cơm, cả nhà quây quần trước màn hình vô tuyến xem thời sự, phim, văn nghệ... bởi mỗi phòng đã có một TV riêng, hoặc các thành viên còn bận vào mạng, nhắn tin với bạn bè...
10. Kết quả trận đấu muộn: Vài năm trước, nếu nhiều trận đấu bóng diễn ra cùng giờ, khán giả xem truyền hình chỉ biết ngay kết quả một trận, còn lịch chiếu những trận khác sẽ bị lùi lại. Ngày nay, tỷ số được cập nhật từng phút trên nhiều website và qua tin nhắn điện thoại.
11. "Mù" thông tin khi đi nghỉ: Bây giờ, ở đâu người ta cũng có thể biết được tình hình của bạn bè, người thân nhờ điện thoại, chat, mạng xã hội...
12. Thần tượng: Học trò từng coi giáo viên là "kho tri thức sống", bác sĩ là nguồn tham khảo tin cậy về sức khỏe..., nhưng hiện nay, có những người đi khám bệnh về vẫn lên Google để tra xem loại thuốc bác sĩ kê đơn có thực sự an toàn không.
13. Sự bí hiểm của ngoại ngữ: Các công cụ dịch thuật trực tuyến giúp họ hiểu gần hết mọi từ vựng.
14. Tính riêng tư: Thông tin người dùng đăng rải rác trên mạng, chẳng hạn những status, ảnh... ngẫu nhiên trên Facebook tưởng vô hại khi đặt riêng lẻ nhưng lại giúp người khác hiểu rất rõ về họ nếu biết cách kết nối và tổng hợp lại.
15. Sự tập trung: Ai có thể chuyên tâm vào công việc khi mà cứ 3-5 phút lại xuất hiện một thông báo nho nhỏ ở góc màn hình về một e-mail mới trong Gmail, bình luận mới ở Facebook hay một bản tin tại Google News?
16. Niềm vui sướng "vỡ òa" khi gặp nhau: Hội ngộ sau bao ngày xa cách luôn đem lại sự hân hoan. Nhưng mức độ sẽ hoàn toàn khác giữa việc hai người xa 5 năm mà chỉ liên lạc qua thư tay và vài cuộc điện thoại đường dài hiếm hoi với hai người chat với nhau cả ngày, "nói quên ngày tháng" qua Skype, cập nhật ảnh và mọi hoạt động từ việc ngủ dậy lúc mấy giờ đến chuyện vừa bị ngã xe qua Facebook.
17. Ra ngoài ăn trưa: Thói quen này không thể bị "xóa sổ" nhưng ngày càng nhiều người sẵn sàng ngồi lỳ trong văn phòng, vừa gặm bánh mỳ vừa duyệt mạng xã hội, nhất là ở những công ty chỉ cho phép truy cập web vào giờ nghỉ.
(Theo Vnexpress)
Bình luận
17. Ra ngoài ăn trưa: Thói quen này không thể bị "xóa sổ" nhưng ngày càng nhiều người sẵn sàng ngồi lỳ trong văn phòng, vừa gặm bánh mỳ vừa duyệt mạng xã hội, nhất là ở những công ty chỉ cho phép truy cập web vào giờ nghỉ.
-->> cái này thật là đúng. Sếp của mình trước kia gét FB lắm. Vậy mà từ dạo mê Farmville trên đó, trưa nào cũng thấy ổng vừa ăn cơm vừa ngồi click
Mấy thói quen này tốt có xấu có, chết bớt cũng không sao, vì sẽ có những thói quen khác Nhưng cái #10 thì đâu cần Internet, vì từ lâu rồi có nhiều kênh BLV cũng tường thuật vắn tắt trận kia, và có khung nhỏ nhỏ ở dưới, thậm chí mở to khi có bàn thắng. Cần gì vào livescore