Adobe, công ty viết phần mềm đồ họa và thiết kế Web hàng đầu, đang tiến hành việc đưa tất cả các phần mềm của công ty này lên Web để khai thác như một dịch vụ thay vì là các sản phẩm đóng gói. Tuy nhiên để sự chuyển đổi này có thể đem lại lợi nhuận từ việc thu phí sử dụng và quảng cáo sẽ phải mất nhiều năm.

Trước đây Adobe thu được lợi nhuận chủ yếu từ việc bán các phần mềm đóng gói được chạy trên máy tính của người dùng. Gần đây công ty này đã bắt đầu đưa một số ứng dụng lên Web làm dịch vụ trực tuyến.

Phát biểu tại cuộc họp cấp cao Web 2.0 tại San Francisco, giám đốc điều hành Adobe Bruce Chizen cho rằng việc chạy các phần mềm trên desktop hiện vẫn là lựa chọn tối ưu cho những khách hàng của công ty, tuy nhiên điều này sẽ thay đổi theo thời gian.

"Máy tính desktop là một cỗ máy rất mạnh mẽ khi chạy các ứng dụng. Còn băng thông rộng, dù nhanh thế nào, vẫn còn một số hạn chế ít nhất là trong tương lai gần," Chizen nói trong một phiên hỏi đáp tại hội nghị.

Trả lời một câu hỏi về việc liệu việc chuyển đổi hoàn toàn lên Web sẽ cần 5 hay 10 năm, Chizen đã chỉ ra rằng việc này sẽ cần khoảng một thập kỷ.

Giống như các nhà sản xuất phần mềm truyền thống khác bao gồm cả Microsoft, Adobe phải kìm chân các đối thủ trong việc đưa các ứng dụng cạnh tranh lên trên Web và công ty này cũng cần thích ứng với một mô hình kinh doanh mới sau nhiều năm chỉ bán các phần mềm đóng hộp.

Chizen trông đợi các khách hàng chuyên nghiệp của các sản phẩm như chia sẻ tài liệu Acrobat hay chỉnh sửa ảnh Photoshop sẽ chọn lựa việc trả phí sử dụng để sử dụng các công cụ quan trọng cho công việc của họ để không phải xem các quảng cáo.

Adobe cũng đã bắt đầu cho phép sử dụng miễn phí các các công cụ thiết kế của công ty ở mức độ cơ bản bao gồm chương trình Photoshop Express. Dịch vụ này cho phép người dùng có thể chỉnh sửa ảnh trực tuyến. Công cụ chỉnh sửa video Premiere Express cũng được sử dụng miễn phí trực tuyến.

Những sản phẩm trực tuyến này được thiết kế để thu hút một thế hệ người dùng Internet trẻ mà đối với họ việc trả 400 USD cho một phần mềm đóng gói chỉ còn là chuyện của quá khứ.

Đỗ Tuấn Hưng (theo Reuters)



Bình luận

  • TTCN (0)