Mục tiêu đạt 1 triệu nhân lực cho ngành CNTT-TT đến năm 2020 hoàn toàn có thể thành hiện thực.

Theo phân tích của các chuyên gia, mục tiêu đạt con số 1 triệu chuyên gia CNTT-TT trong 10 năm tới có thể khả thi về số lượng nhưng muốn đạt chỉ tiêu chất lượng cần có những thay đổi đột phá.

Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT đặt ra mục tiêu đào tạo 1 triệu chuyên gia CNTT vào năm 2020, trong đó có khoảng 80% có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ làm việc trong môi trường quốc tế. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, không chỉ tăng gấp gần 4 lần về số lượng người làm trong ngành (theo thống kê của Bộ TT&TT, ngành CNTT-TT hiện có 250.000 nhân lực) đồng thời cải thiện hẳn về chất lượng nguồn nhân lực. Liệu các mục tiêu này có thể thành hiện thực?

Số lượng có thể yên tâm

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng các cơ sở đào tạo chính quy về CNTT đã tăng lên nhanh chóng trong những năm qua. Nếu như năm 1995, cả nước chỉ có 7 khoa CNTT trọng điểm thì đến năm nay đã có 133 trường đại học, 153 trường cao đẳng, 351 trường trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo CNTT. Theo đà tăng số lượng cơ sở đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành liên quan đến CNTT&TT cũng tăng theo. Nếu năm 2000, toàn ngành giáo dục chỉ có 4.000 chỉ tiêu đào tạo CNTT-TT thì năm 2009 là 60.000 chỉ tiêu. Vài năm gần đây, tốc độ tăng trưởng chỉ tiêu tuyển sinh ngành CNTT và điện tử - viễn thông tăng khoảng 6-8% mỗi năm. Nếu tốc độ tăng trưởng chỉ tiêu tuyển sinh này được duy trì, các chuyên gia cho rằng mục tiêu đạt 1 triệu nhân lực cho ngành CNTT-TT đến năm 2020 hoàn toàn có thể thành hiện thực.

Tuy nhiên, mục tiêu này gần đây gặp một số cản trở và "có thể không đạt được mục tiêu nếu như cứ để phát triển tự phát", ông Lê Trường Tùng, hiệu trưởng Đại học FPT nhận định. Biểu hiện rõ rệt nhất, theo ông Tùng, là sự "rớt giá" của ngành CNTT trong mùa tuyển sinh đại học – cao đẳng năm 2010. Từ góc nhìn của thí sinh và phụ huynh, mặc dù CNTT vẫn là ngành khá nhưng không còn nằm trong top đầu nữa.

Mặc dù có sự giảm sút độ hấp dẫn, các chuyên gia đào tạo vẫn tin rằng nếu có quyết tâm thay đổi trong thời gian tới, ngành này có thể đạt chỉ tiêu 1 triệu nhân lực. Thậm chí, ông Tùng còn cho biết nếu Chính phủ có chính sách phù hợp, Đại học FPT sẵn sàng "gánh" khoảng 1/5 mục tiêu trên, mỗi năm cung ứng khoảng 20% nhân lực CNTT-TT chất lượng cao cho cả nước.

Cần những thay đổi đột phá

Tuy có thể tạm yên tâm về mục tiêu số lượng, nhưng vấn đề các nhà đào tạo cũng như người sử dụng nhân lực quan ngại nhất là chất lượng nguồn nhân lực. Đây là điểm yếu mà các doanh nghiệp sử dụng lâu nay vẫn than phiền. Theo đánh giá của các doanh nghiệp sử dụng, nhân lực CNTT-TT có khả năng ngoại ngữ chưa tốt, thiếu kiến thức thực tiễn, khả năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm kém. Vì vậy, họ thường mất thời gian đào tạo lại từ 3-6 tháng hoặc lâu hơn.

Mặc dù chưa thật đồng tình với những đánh giá trên và cho rằng doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm đào tạo bổ sung, rằng đào tạo đại học chỉ cung cấp kỹ năng cơ bản nhưng ông Quách Tuấn Ngọc cũng thừa nhận: việc tuyển dụng người giỏi về làm giáo viên CNTT rất khó, sự hợp tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp còn hạn chế, các môn thi đầu vào ngành CNTT chưa phù hợp... Các hạn chế này đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang A, người từng là trưởng khoa CNTT của Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực CNTT còn có nguồn gốc sâu xa từ cách thức quản lý của ngành giáo dục không phù hợp. Theo ông Quang A, với đào tạo CNTT và điện tử-viễn thông, việc đưa ra chương trình khung là không phù hợp mà nên để các trường và tổ chức đào tạo tự chủ động.

"Với đào tạo phổ thông thì cần chương trình khung nhưng đào tạo ở mức chuyên nghiệp thì nhân tố thị trường là yếu tố quyết định. Nội dung đào tạo, dạy thế nào và giá bao nhiêu phải do các trường tự định đoạt, Bộ GD-ĐT không nên xen vào", ông Quang A nói. Cũng đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Trường Tùng cho rằng với riêng đào tạo CNTT-TT, ngành giáo dục nên gỡ bỏ các rào cản hành chính pháp lý mang tính phi thị trường.

Ngoài ra, ông Tùng cũng đề nghị nhà nước chuyển đổi các khoa CNTT-TT thành trường có tư cách pháp nhân và hoạt động theo cơ chế tự chủ; có chính sách ưu đãi mở trường đào tạo CNTT-TT trong doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư để hình thành một số khu đào tạo CNTT-TT tập trung tại một số địa phương; lập quỹ kích cầu để triển khai các giải pháp tài chính cho vay ưu đãi cho các hạng mục đầu tư vào đào tạo nhân lực CNTT-TT; triển khai mô hình tín dụng cho sinh viên theo học các trường đào tạo CNTT-TT và hỗ trợ một phần (chẳng hạn 30%-50%) học phí cho sinh viên theo học các chuyên ngành CNTT-TT; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm đầu tiên cho giảng viên đào tạo CNTT-TT và cho các lao động làm trong ngành CNTT-TT; và thành lập Vụ/Cục Phát triển Nhân lực CNTT-TT (thuộc Bộ TT&TT) để quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển.

Theo ICT



Bình luận

  • TTCN (0)