Lý Lệ Quyên, một “đại lý” cấp 1 của Colony Invest, bị công an bắt giữ - Ảnh: H..K.

Thông qua một trang web ảo quảng cáo rùm beng, các “chuyên gia tài chính Colonyinvest” đã lôi kéo và đẩy hàng chục ngàn người vào con đường lao đao, tan cửa nát nhà vì món “siêu lợi nhuận”. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về chiêu lừa “công nghệ cao” này, Tuổi Trẻ cung cấp một số thông tin đáng chú ý.

Theo tài liệu điều tra, đầu năm 2007, trên mạng Internet xuất hiện nhiều website giới thiệu về Công ty Colony Invest Management Inc. (gọi tắt là Công ty CI), trong đó website http://www.colonyinvest.net được chú ý nhiều nhất với nhiều hình ảnh, nội dung quảng cáo đầu tư qua mạng rất bắt mắt. Theo giới thiệu, CI là công ty đầu tư tài chính nổi tiếng có trụ sở tại Rochester, New York. Tuy nhiên, khi truy cập vào địa chỉ colonyinvest.com thì website này không hoạt động và chủ sở hữu website này lại chính là chủ sở hữu của website colonyinvest.net đang hoạt động tại VN.

Website http://www.colonyinvest.net đăng ký ngày 20/3/2007, giới hạn đến ngày 20/3/2008, được thiết kế bằng bốn thứ tiếng: Anh, Trung Quốc, VN và Thái Lan. Dữ liệu của website này được đặt server tại Orlando, Florida, Hoa Kỳ. Người đăng ký quản lý là Peter Fernandez, địa chỉ mail [email protected] (địa chỉ Fremont, California, Hoa Kỳ). Phần lớn người truy cập vào colonyinvest.net là người VN (55,6%). Cơ quan điều tra phát hiện trong website www.colonyinvest.net có ghi Công ty Colony Invest Management Ltd có tài khoản 168-315133-838 tại Ngân hàng HSBC (Hong Kong). Xác minh tại Ngân hàng HSBC ở VN thì tài khoản này không có trong hệ thống của Ngân hàng HSBC tại VN (có thể mở tài khoản ở nước ngoài).

CI không có đại diện, không đăng ký kinh doanh, không có trụ sở ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Việc huy động vốn qua mạng www.colonyinvest.net không có người đứng ra chịu trách nhiệm, các thông tin liên hệ trên website đều là giả hoặc không có. Đây là website chỉ để lừa người đầu tư bằng thủ đoạn thu tiền thật, cấp tài khoản và điểm ảo, không thể chuyển điểm ảo này ra tiền thật được.

“Đầu mối” nằm ở Hong Kong?

Theo thông tin đăng trên một số website, Công ty CI là một trong những nhà kinh doanh độc quyền của Forex và là nhà quản lý quĩ đầu tư hàng đầu tại Hoa Kỳ với lượng giao dịch luôn vượt quá 300 triệu USD, 35% tài sản tư nhân của thế giới đều được quản lý bởi các tập đoàn tài chính Mỹ. Thực tế các thông tin trên chỉ mang tính… quảng cáo, không có căn cứ.

Từ thông tin quảng cáo này, một nhóm người ở TP.HCM tự xưng là “tập đoàn Colony” có trụ sở tại Hoa Kỳ, dùng các thủ đoạn để lôi kéo, dụ dỗ nhiều người tham gia. Trong đó có nhóm của Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Văn Tính (Châu Thành, Tiền Giang), Nguyễn Dạ Thu (P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) thuê một căn nhà trên đường Bạch Đằng (P.2, Q.Tân Bình) để hoạt động.

Theo quảng cáo, CI là tập đoàn kinh tế toàn cầu chuyên đầu tư vào các lĩnh vực siêu lợi nhuận như sòng bạc ở Las Vegas, thế giới trò chơi Disney Land và thị trường tài chính ở các sàn London, New York, Hong Kong… Việc trả lãi suất cao là do tiền vốn đầu tư vào hệ thống giải trí casino, kinh doanh ngoại hối, kinh doanh công nghệ cao. Một số đối tượng còn dùng thủ đoạn lập website http://nangdong.no-jp.org giúp các “nhà đầu tư”… kiểm tra tài khoản để biết được số tiền lãi “sinh sôi nảy nở hằng ngày”, nhưng thực tế đến nay website này không truy cập được.

Tài liệu của cơ quan điều tra cho thấy website colonyinvest.net có dấu hiệu là website do một người ở Hong Kong có địa chỉ email [email protected] (đuôi .cn) đăng ký sở hữu, trong đó domain và hosting đặt tại Mỹ. Đây là một website không rõ nguồn gốc, không ghi chủ sở hữu, địa chỉ liên hệ nhưng có số điện thoại ở VN là… 1900561507.

Qua kết quả xác minh mới nhất, số tài khoản của Công ty CI đã chuyển tiền lãi cho một số “nhà đầu tư” ở VN được mở tại Ngân hàng HSBC Hong Kong, sau đó chuyển vòng sang New York rồi về VN. Điều này cho thấy có thể “đầu mối” của đường dây lừa đảo nằm ở Hong Kong.

Bản chất lừa đảo của “Colony Invest”

Từ lời khai của các đối tượng và tài liệu thu thập được cho thấy mỗi nhóm chơi gồm bảy người (nếu thừa thì lập nhóm mới) với điều kiện phần góp vốn đã gửi không được rút ra để đầu tư lâu dài (thực chất lôi kéo người chơi rót tiền vào). Vòng quay vốn qui định của CI là 100 ngày. Người đầu tư trực tiếp đưa tiền cho người môi giới và được cấp một tài khoản cùng mật khẩu (ảo), không có biên nhận, phiếu thu. Người chơi có thể mua bán điểm với nhau nên giao dịch trong mạng lưới dưới dạng tiền ảo ngày càng mở rộng. Đây là thủ đoạn mà các đại lý dùng để bán điểm ảo thu tiền thật nhằm chiếm đoạt với số tiền rất lớn.

Cụ thể: nếu có bảy người tham gia, mỗi người mua về 500 điểm colony thì số tiền bỏ ra là 61 600 000 đồng. Sau 100 ngày số điểm phát sinh sẽ là 500 x 7 x 2,8 = 9 800 điểm (2,8% là lãi suất một ngày). Như vậy số điểm của bảy người lúc này là: 3 500+9 800=13 300 điểm. Số điểm phát sinh sẽ được đổi ra thành tiền thật rút tại ngân hàng là 9.800 điểm với mức phí 10% và trừ 25 điểm gọi là điểm phí giao dịch. Cụ thể: 9 800 - 980 - (7 x 25) = 8 645 điểm. Số tiền thật sẽ là: 8 645 x 14 400=124 488 000 đồng. Sau 100 ngày số tiền phát sinh là 124 488 000 - 61 600 000 = 62 888 000 đồng. Như vậy, nếu các điều khoản trong trang web colonyinvest.net là sự thật thì sau 100 ngày công ty này chi ra 62 888 000 đồng, nếu không kinh doanh được thì số tiền này coi như bị lỗ.

Tuy nhiên thực tế hoàn toàn ngược lại. Việc một số người tham gia trong giai đoạn đầu đã được hưởng lãi suất cao là có thật nhưng rất ít. Thực chất đây chỉ là thủ đoạn gây uy tín nhằm lôi kéo nhiều người tham gia. “Nhà đầu tư” phải nộp tiền mặt hoặc qua tài khoản ngân hàng cho các đối tượng trong đường dây lừa đảo. Nếu người tham gia muốn rút tiền qua ngân hàng thì phải gặp người quản lý trực tiếp (trưởng đại lý, chi nhánh) để yêu cầu rút tiền với mức phí 10% và 25 USD phí giao dịch.

Trong khi đó, Công ty CI khuyến khích người tham gia mua bán điểm với nhau và trao đổi ngang giá để lôi kéo thêm người tham gia, tạo xu hướng những người tham gia không đi rút tiền mà bán cho nhau để có cơ hội chiếm đoạt nhiều tiền hơn. Như vậy, thực tế số tiền quay vòng không phát sinh lợi nhuận mà chỉ chuyển cho nhau theo từng cấp độ. Lãi của một số người có được chính là tiền của những người mới tham gia. Công ty CI không những không bị lỗ mà thu lợi bất chính với số tiền rất lớn vì bán điểm ảo thu được tiền thật, đồng thời không phải trả lãi suất bằng tiền mặt mà chỉ trả lãi suất bằng điểm ảo. Số điểm ảo này sẽ được mua đi bán lại giữa những người tham gia.

Theo cơ quan điều tra, đây là kiểu huy động vốn tín dụng bằng ngoại tệ theo hình thức đa cấp, hứa trả lãi suất cao, không xin cấp phép của Ngân hàng Nhà nước.

Hoàng Khương (TTO)




Bình luận

  • TTCN (3)
Nemo Nguyen  21665

Nói chung nông dân nhà mình còn "ngây thơ" lắm (hiển nhiên học vấn ko cao) nên rất dễ mắc lừa... Pháp luật cần nghiêm trị bọn lừa đảo kiểu này.

Thanh Hải  1503

công nhận ngây thơ thiệt, em đọc báo thấy trang web của nó làm vớ vẩn, cách thức làm ăn cũng khó tin .. thế mà mấy người này đem bỏ cả gia tài vào
mà chẳng phải nông dân ko đâu, có cả trí thức tp, cán bộ nhà nước .... >:( >:(

Hải Nam  30903

Hồi trước có mấy trò tương tự, tự xưng là của Hội toán học VN gì đó, chép mỏi tay (đến lúc có photocopy thì tốn tiền). Mà một số người tham lam, biết nó lừa đảo rồi nhưng vẫn cứ vào kiếm chác, dụ các con mồi khác, vì kẻ thiệt hại là những người sau cùng, còn những người đầu, đã ra khỏi vòng xoay đó rồi thì được lời. Để một người được lời thì phải kiếm cho ra 10 người chịu lỗ, khoản chênh lệch thì đi vào túi của "công ty" bày ra trò này Sad