Theo John Sculley, với nhiều người trẻ giỏi toán và CNTT, Việt Nam có thể tiến vào lĩnh vực R&D. Ảnh: Minh Trung.

Cựu chủ tịch Pepsi và cựu CEO Apple, John Sculley cho rằng hoạt động R&D sẽ dịch chuyển một phần từ châu Âu và Mỹ sang châu Á, trong đó Việt Nam là một nước có nhiều tiềm năng.

Trong chuyến thăm tập đoàn FPT và giao lưu với sinh viên ĐH FPT chiều 26/4/2012, John Sculley cho biết ông ấn tượng với khả năng về toán và CNTT của các bạn trẻ Việt Nam, và dẫn chứng rằng Việt Nam chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong số những người đoạt giải thưởng thuộc lĩnh vực này tại Mỹ cũng như trên thế giới. Theo ông, đó chính là nguồn lực giúp Việt Nam có thể đi sâu vào nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ, thay vì chỉ đơn thuần gia công cho nước ngoài.

John Sculley nhận định trung tâm R&D của thế giới sẽ không chỉ là châu Âu hay Mỹ mà còn ở cả châu Á trong tương lai. Ông tin rằng, với niềm say mê toán và CNTT, cùng với sự cần cù và sức trẻ, người châu Á sẽ thay đổi thế giới.

Chính vì thế, hãng công nghệ Misfit Wearables mà ông là đồng sáng lập đã mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại TP.HCM với số lượng nhân viên 20 người, và có thể sẽ mở một trung tâm như vậy tại Hà Nội. Ông cho biết, tại các trung tâm này sẽ có nhiều cơ hội việc làm cho những người trẻ tài năng ở Việt Nam.

Ông nói: “Xu hướng chung hiện nay vẫn là R&D tại Mỹ, sau đó thuê gia công tại châu Á. Còn chúng tôi thì ngược lại, R&D tại Việt Nam, sau đó sản xuất và bán sản phẩm ra thế giới”.

John Sculley từng là chủ tịch trẻ nhất của PepsiCo trong các năm từ (1977-1983), cho đến khi ông được Steve Jobs mời về làm CEO của Apple vào 1983. Tháng 5/1987, Sculley được mệnh danh là "CEO đắt giá nhất Silicon Valley", với mức lương 2,2 triệu USD/năm.

Dưới sự quản lí của ông, doanh thu của Apple tăng từ 800 triệu USD đến 8 tỉ USD. Tuy nhiên, giai đoạn làm việc của ông tại Apple vẫn còn gây tranh cãi do ông không đi theo đường lối kinh doanh của Steve Jobs, và bị cho là người "đuổi việc" Steve Jobs. Cuối cùng buộc phải rời Apple vào năm 1993 khi lợi nhuận của công ty bị suy giảm, doanh số bán hàng bết bát và chứng khoán mất giá.

Sculley cũng được biết đến với khả năng tiếp thị siêu hạng mà ông từng áp dụng với Pepsi để giành thị phần từ đối thủ Coca Cola. Ông đã sử dụng chiến lược tiếp thị tương tự trong 10 năm tại Apple để tạo một thị trường lớn cho máy tính cá nhân Macintosh.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)