Sinofsky mâu thuẫn với các quan chức Microsoft khác, lạnh nhạt với nhân viên của các nhóm khác và tạo ra một môi trường làm việc đầy hiềm khích, vì thế sự ra đi của ông không hề khiến ai ngạc nhiên.

Trong bài bình luận mới nhất, tờ CNET khẳng định bất cứ ai cảm thấy bất ngờ với quyết định của Steven Sinofsky đều đã không chú ý theo dõi tình hình suốt thời gian qua.

Các nguồn tin nội bộ từ Microsoft đều tiết lộ vị cựu giám đốc Windows này luôn mâu thuẫn, tranh cãi với các lãnh đạo cấp cao khác của Microsoft, bao gồm cả Tổng Giám đốc điều hành Steve Ballmer. Bên cạnh đó, ekip lãnh đạo cấp cao nhất của Microsoft ngày càng lo ngại về việc Sinofsky không thể phối hợp, làm việc với các bộ phận, mảng nhóm khác trong Tập đoàn.

Trong khi đó, việc phối hợp chéo đang ngày càng có ý nghĩa sống còn đối với Microsoft, khi mà các sản phẩm tiêu dùng của hãng đang có xu hướng hội tụ mạnh mẽ. Gã khổng lồ phần mềm rốt ráo nghiên cứu để Windows có thể kết nối liền mạch, thông suốt với Windows Phone và Xbox. Microsoft hi vọng nỗ lực này có thể giúp họ cạnh tranh tốt hơn với Apple và Google, vốn cũng đang theo đuổi chính sách kết hợp các dịch vụ và sản phẩm tương tự.

Trong một lá thư gửi cho nhóm Windows để thông báo về việc Sinofsky từ nhiệm, ông Ballmer đã nhấn đi nhấn lại vào khả năng “phối hợp và làm việc cùng những người khác” ở vị giám đốc Windows mới, bà Julie Larson-Green. Hiển nhiên sự nhấn mạnh này không phải là vô cớ. “Tầm nhìn sản phẩm độc đáo và mang tính sáng tạo của bà, cùng thêm khả năng phối hợp hiệu quả đã được thực tế chứng minh sẽ giúp bà đảm nhận vai trò lãnh đạo mới một cách tốt nhất”, Ballmer viết.

Tất nhiên tài năng của Sinofsky là không phải bàn cãi. Ông là một nhà lãnh đạo cực kì thông minh. Ông cũng là người giúp vực dậy bộ phận Windows vốn đang lâm vào khủng hoảng tại thời điểm năm 2006, sau màn ra mắt có thể coi là thảm họa của Windows Vista. Sinofsky đã thiết lập nguyên tắc kỉ luật cho cả hai hệ điều hành Windows ra mắt sau đó, mỗi sản phẩm đều yêu cầu hàng ngàn kĩ sư phần mềm, tester và giám đốc sản phẩm phối hợp thống nhất với nhau, cùng hướng đến một mục tiêu duy nhất.

Nhưng có lẽ Sinofsky đã lựa chọn sai cuộc chiến. Khả năng tạo ra những sản phẩm chất lượng và đúng thời hạn của ông không thể so được với bầu không khí thù địch mà ông tạo ra trong lòng Tập đoàn. Charlie Kindel, một nhân viên kì cựu tại Microsoft với thâm niên 21 năm đã bình luận rằng Sinofsky khiến cho mảng Windows Phone cực kì khó làm việc với mảng Windows. “Ông ấy khiến những nhân viên trong bộ phận của mình coi các bộ phận khác như người ngoài. Đó là cách nhìn Chúng ta chống lại cả thế giới”.

Việc chia quyền cát cứ đó từng có thời là một phần của nền văn hóa Microsoft, nhưng nó không thể tiếp diễn nếu như hãng muốn cạnh tranh được trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng. Với việc Sinofsky liên tục chiến tranh ngầm với các đối thủ nội bộ, sự ra đi của ông chỉ còn là vấn đề thời gian chứ không phải là có xảy ra hay không.

Theo Vietnamnet




Bình luận

  • TTCN (0)