Thị trường điện thoại cũ ở các siêu thị điện thoại xuất hiện khá muộn, nhưng cũng kịp trụ vững với những kết quả kinh doanh đáng khích lệ. Tuy nhiên, thị trường tiềm năng này có vẻ chưa được đầu tư đúng mức.

Cung không đủ cầu

Tại siêu thị điện thoại Xuân Hồng (Q.10), mỗi ngày có gần 10 chiếc máy cũ được bán ra. Và theo người quản lí siêu thị này, những chiếc máy cũ thuộc dòng máy đang “hot” trên thị trường, hình thức tương đối mới, thì chỉ đặt lên quầy chưa đến nửa ngày đã có khách mua. Tuy nhiên, con số máy cũ được bán ra mỗi ngày ở các siêu thị của Thế Giới Di Động (TGDĐ) còn cao hơn rất nhiều, vì cho đến nay, hệ thống siêu thị này là duy nhất có hẳn một bộ phận chuyên trách máy cũ.

Có những ngày, một siêu thị của chuỗi này đã bán ra đến trên 20 chiếc máy cũ. Tại đây, nếu trong năm 2007, lượng máy cũ nhập vào hàng tháng khoảng 600 – 700 chiếc, bán ra khoảng trên 1.000 chiếc thì giai đoạn tháng 2 năm 2008 (trước và sau Tết Mậu Tý), lượng hàng nhập vào chỉ tăng 10%, trong khi đó, lượng bán ra tăng đến 40%. Điều này dẫn tới tình trạng khan hiếm mặt hàng di động cũ. Đây cũng là tình trạng chung tại một số cửa hàng, siêu thị di động lớn tại thành phố. Để giải quyết tình trạng này, ngoài nguồn máy thu mua của khách, nhiều nơi phải thu mua hàng tồn kho, hàng thanh lý từ các hãng bán lại, thậm chí phải ra ngoài thị trường để tìm kiếm nguồn hàng từ các tiệm cầm đồ…

Lí giải về việc máy cũ luôn hút hàng, người quản lí siêu thị điện thoại Xuân Hồng cho biết, với một chiếc máy cũ còn bảo hành chính hãng, hình thức còn mới nhưng giá rẻ hơn máy mới đến gần một nửa thì có rất nhiều người mua vì lí do kinh tế. Ông Đinh Anh Huân, Giám đốc kinh doanh của TGDĐ, cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng, vì thu nhập của người dân vẫn còn thấp, nên để sở hữu một chiếc điện thoại đa tính năng giá thấp hơn mặt bằng chung thì chỉ còn cách chọn di động cũ.

Khách hàng của thị trường di động cũ cũng vô cùng đa dạng và phong phú: từ những cô cậu học sinh - sinh viên thích “nổi bật” nhưng túi tiền hạn chế, đến những anh công chức “rủng rỉnh” hơn nhưng vẫn muốn tiết kiệm; thậm chí đôi khi có cả những doanh nhân thành đạt muốn thay đổi “phong cách” di động…

Vì vậy, thị trường này cũng phân khúc tương đối rõ nét với 2 mảng: di động "cũ" hàng hiệu và di động cũ… thật sự. Dòng thứ nhất là dòng điện thoại thuộc phân khúc trung và cao cấp, thường đến từ những đối tượng thích thay máy mới liên tục.

Những đối tượng này chỉ dùng máy được dăm bữa nửa tháng thấy lỗi mốt lập tức “cập nhật” dòng máy mới đang “hot” trên thị trường, những chiếc điện thoại cũ lập tức được thanh lý tại các siêu thị họ từng mua. Thứ hai là phân mảng những chiếc di động đã được dùng khoảng trên 1 năm. Đây là những chiếc điện thoại đã cũ về mẫu mã, kiểu dáng, chức năng, có giá bán thấp và cũng ít được khách hàng quan tâm.

Một nguyên nhân khác khiến máy cũ ở các siêu thị điện thoại luôn được khách hàng quan tâm là bởi tin tưởng vào thương hiệu và uy tín của các siêu thị lớn, mặc dù giá máy cũ ở siêu thị luôn cao hơn giá ở các cửa hàng nhỏ từ vài chục đến vài trăm ngàn. Tại hệ thống siêu thị TGDĐ, giá thu mua máy cũ thường bằng 50 - 60% giá mới tại thời điểm mua; bán lại với mức dao động bằng 65 - 70% giá mới tuỳ theo tình trạng máy. Ví dụ: model Sony Ericsson Z610 có giá chính hãng là 4.539.000 VND, bán cũ còn 3.200.000 VND; Motorola K1 bán máy cũ là 2.800.000 VND, trong khi giá chính hãng là 3.679.000 VND, hay Nokia 7900 bán 5.500.000 VND so với giá chính hãng là 6.359.000 VND…

Người mua còn yên tâm khi mua máy cũ ở các siêu thị lớn là bởi chính sách bảo hành. Bởi những hệ thống này luôn có những trung tâm sửa chữa - bảo hành uy tín, an toàn, với nhiều cấp độ bảo hành: 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng hay cao hơn phụ thuộc vào giá bán của từng sảphẩm. Với những máy còn hạn bảo hành chính hãng, việc bảo hành y như máy mới. Ngoài ra, những nơi đây cũng hỗ trợ khách hàng miễn phí mỗi khi có trục trặc về kỹ thuật như: đổi máy, sửa chữa, bảo hành miễn phí…

Thị trường bị thu hẹp?

Vài ý kiến cho rằng, thị trường máy cũ có rất nhiều tiềm năng, cụ thể là việc thu lợi nhuận trên mỗi máy cũ là khá cao. Nếu trên một máy mới thuộc dòng cao cấp, siêu thị chỉ kiếm lời được khoảng trên một trăm ngàn thì cũng chiếc máy đó ở quầy máy cũ, người ta có thể kiếm lời vài trăm ngàn là chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, rất nhiều siêu thị hiện nay không chú trọng lắm đến việc phát triển thị trường máy cũ. Trong các “đại gia” như TGDĐ, Viễn Thông A, và Phước Lập thì Phước Lập đứng ngoài cuộc chơi máy cũ, còn Viễn Thông A và TGDĐ có bán máy cũ nhưng mức độ đầu tư khác nhau, dẫn đến doanh số máy cũ ở hai siêu thị này cũng khác nhau.

Tại siêu thị Xuân Hồng, mặc dù chưa có số thống kê chính thức nhưng theo ước đoán, mỗi ngày lượng máy cũ bán ra chiếm khoảng dưới 2% trên tổng số. Còn tại Viễn Thông A, người từng phụ trách marketing ở đây cũng không đưa ra con số chính thức nhưng cho rằng, doanh số máy cũ ở chuỗi siêu thị này không đáng là bao so với tổng doanh thu.

Trong khi đó, doanh thu máy cũ tại TGDĐ năm 2007 là 3,36%, cao hơn doanh số của BenQ-Siemens, gần bằng doanh số Motorola tại hệ thống siêu thị này. Con số ấn tượng này khiến TGDĐ đang gia tăng áp lực doanh số lên bộ phận máy cũ, và từng bước một nâng số siêu thị có bán máy cũ từ 1 siêu thị duy nhất lên đến 10 siêu thị trên tổng số 17 siêu thị như hiện nay.

Trong khi các siêu thị khác chỉ thu hút nguồn máy cũ bằng lượng máy của khách hàng đến bán, thì TGDĐ lập riêng một bộ phận máy cũ, không chỉ thu máy từ khách hàng đến bán tại siêu thị mà còn gom máy ở các nguồn khác như cửa hàng cầm đồ, cửa hàng điện thoại nhỏ… với mục tiêu biến nguồn máy cũ trở thành một trong những nguồn hàng ổn định và góp phần nâng cao doanh số. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong nghề, và chính người phụ trách cao nhất bộ phận kinh doanh của TGDĐ cũng thừa nhận rằng, thị phần máy cũ đang bị thu hẹp đáng kể.

Nguyên nhân là bởi giá điện thoại đang ngày càng rẻ hơn, đơn cử là các model điện thoại với giá dưới 1.000.000 VND như: Nokia 1110i, Nokia 1600, Sony Ericsson J100i, Motorola W156, Motorola W208, Siemens A31 hoàn toàn đáp ứng được những nhu cầu cơ bản. Đó là chưa kể đến việc xuất hiện ồ ạt của các thương hiệu điện thoại Trung Quốc với hàng ngàn mẫu mã, đa chức năng, giá “bèo”.

Chính vì thế, khách hàng đến với mặt hàng điện thoại di động cũ cũng thận trọng và kén chọn hơn xưa.

Mặc dù có những đánh giá khác nhau về thị trường máy cũ, nhưng rõ ràng thị trường này vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác mà rất nhiều siêu thị chưa có đầu tư đúng mức. Vì nếu trước đây, sự xuất hiện của hàng loạt siêu thị lớn đã làm thay đổi thói quen người dùng, từ mua sắm hàng xách tay ở các cửa hàng nhỏ lẻ chuyển sang sử dụng hàng chính hãng có nguồn gốc rõ ràng thì không có lí do gì, một thị trường máy cũ rộng lớn đang nuôi sống vô vàn các cửa hàng nhỏ lẻ lại không thể được chuyển về các siêu thị lớn, nơi quyền lợi khách hàng được bảo đảm hơn, thói quen mua sắm văn minh hơn, và thị trường phát triển lành mạnh hơn.

(Theo e-Chip Mobile)



Bình luận

  • TTCN (0)