Gần đây, một nghiên cứu của Hiệp hội viễn thông quốc tế mới công bố cho hay điện thoại di động đã trở thành một “nhu cầu tối tiểu” với mọi cư dân khắp thế giới. Cho dù nền kinh tế tuột dốc, nhu cầu sử dụng dịch vụ này vẫn tiếp tục tăng mạnh.

“Kể cả nền kinh tế thế giới có tuột dốc hay không, hàng triệu người dùng từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nigeria và những thị trường mới nổi khác cũng sẽ tiếp tục sử dụng điện thoại di động”, bản báo cáo của Hiệp hội viễn quốc tế (ITU) chỉ ra.

Dù nhận thức rõ giá cả tiếp tục tăng, nhưng các hộ gia đình ở châu Âu và Bắc Mĩ cũng sẽ tiếp tục giữ nguyên mức sử dụng điện thoại di động như hiện nay và nhiều người có thể sẽ ngưng không dùng điện thoại cố định đường dài trước đây để tiết kiệm chi phí, đại diện ITU cho hay trong một báo cáo vừa công bố tại diễn đàn Mobile World Congress đang diễn ra ở Barcelona.

Điện thoại di động- không thể ngưng sử dụng

“Một khi ai đó đã có chiếc điện thoại di đông, quả là khó để ngưng không dùng nữa, hơn thế ở nhiều nước, sử dụng điện thoại di động đã trở thành một nhu cầu thiết yếu. Công nghệ viễn thông, trong đó có điện thoại di động và băng thông rộng vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển, kể cả nền kinh tế có suy giảm hay không. Với tiềm năng phát triển lớn như hiện nay, ngành điện thoại di động còn có thể trợ giúp cho quá trình khôi phục nền kinh tế”, bản báo cáo phân tích.

Theo ITU, chỉ số niềm tin của người dùng ở các nước đang phát triển với dịch vụ thoại và thông tin vẫn tiếp tục tăng. Chẳng hạn, những người nông dân hoặc ngư dân đánh bắt cá có thể nhắn tin để nhận được thông tin giá cả hàng tiêu dùng hay thời tiết.

Sự phổ dụng của điện thoại di động ở các thị trường đang phát triển như Trung Quốc, Pakistan, Malaysia, Thái Lan hay Bangladesh có thể tạo nên những cơ hội cho một bước “nhảy cóc” công nghệ khi các dịch vụ Internet có thể cung cấp cho khách hàng mà không cần sử dụng tới máy tính.

Nhiều công ti đã đầu tư lớn vào các thị trường đang nổi như ở Ấn Độ, Na Uy, Nam Phi, Ai Cập, Kuwait vv...

Afghanistan, mảnh đất mà đến cả điện thoại đường dài cũng gần như không có mặt sau suốt 3 thập kỉ chiến tranh cũng đang lên kế hoạch triển khai cáp mạng và mạng không dây với sự đầu tư đến từ một số nước công nghệ châu Âu như Thụy Điển hay Liên đoàn Ả Rập vv...

Thắt lưng buộc bụng trong thuở gian khó

Ở các thị trường phát triển như Tây Âu hay Bắc Mĩ, ITU cho biết, các nhà cung cấp dịch vụ di động sẽ thay thế cho các nhà cung cấp điện thoại đường dài truyền thống do chi phí đầu tư để bảo trì mạng không dây ít tốn kém hơn.

Dường như khách hàng ở các nước phát triển dành ưu ái cho điện thoại di động hơn điện thoại đường dài trước đây, đó chính là một trong số các hệ quả khi nền kinh tế sụt giảm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn đắn đo với số tiền phải bỏ ra hoặc chưa quyết định mua các thiết bị cầm tay ngay. Điều này ít nhiều sẽ gây khó khăn cho các nhà cung cấp thiết bị như Huawei và ZTE của Trung Quốc hay Ericsson, Nokia.

Các gói cước trả trước và mức giá vừa phải sẽ tiếp tục trở nên phổ dụng hơn, ITU cho biết.

“Có nhiều bằng chứng cho thấy khách hàng vẫn còn lừng khừng trước kế hoạch nâng cấp chiếc điện thoại di động của họ và ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề chi phí, giá cả khi sử dụng.”

Xu hướng thắt chặt chi tiêu có thể khiến các nhà cung cấp dịch vụ giảm lượng đầu tư và chú trọng hơn vào quá trình củng cố nền công nghiệp. Theo báo cáo của ITU thì gia công phần mềm giúp tiết kiệm chi phí có thể sẽ phát triển.

ITU khuyến cáo các chính phủ khi lên kế hoạch tung gia gói kích cầu nền kinh tế nên tính đến lượng đầu tư cho viễn thông di động.

Văn Vượng (Theo Reuters)



Bình luận

  • TTCN (0)