Trong một thế giới mà máy tính cá nhân đang dần trở nên lỗi thời, mục tiêu thực sự của Microsoft là biến Windows 8.1 Blue thành một hệ điều hành cho các thiết bị di động.

Theo nghiên cứu mới đây của Pew Internet và American Life Project về 5 dòng thiết bị mà những người dùng trên 18 tuổi ở Mỹ sở hữu, có 4 dòng thiết bị có xu hướng đi lên, và cả 4 dòng thiết bị này đều là những thiết bị di động. Trong khi đó dòng thiết bị có chiều hướng sụt giảm duy nhất là máy tính để bàn.

Đó sẽ là thế giới mà Windows 8.1 Blue sẽ tồn tại sau khi ra mắt vào cuối năm nay. Điều này có thể dễ dàng giải thích vì sao Microsoft lại thiết kế giao diện đồ họa của Windows 8.1 tập trung cho các thiết bị di động.

Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một cuộc cách mạng máy tính, cuộc cách mạng có liên quan tới một sự thay đổi sâu sắc về khái niệm về máy tính của chúng ta. Đó sẽ là một thiết bị có thể sáng tạo nội dung, giao tiếp và chia sẻ với mọi người, và cũng là thiết bị giải trí với âm nhạc, phim ảnh. Bạn có thể tưởng tượng tới 1 chiếc điện thoại và một chiếc Tivi, nhưng chúng sẽ chỉ là một sản phầm.

Mọi thứ bắt đầu từ năm 2006, năm mà Microsoft giới thiệu Windows Vista, và đã nhận nhiều chỉ trích, đó cũng là thời điểm mà thị trường máy tính cá nhân phát triển rực rỡ nhất. Từ đó trở đi, thị trường này không ngừng bị thu hẹp. Pew vẫn chưa công bố chi tiết số liệu về máy tính để bàn và máy tính xách tay, nhưng chắc chắn thị phần của những thiết bị này sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Sang năm 2009, khi Microsoft phát hành Windows 7, máy tính cá nhân vẫn thống trị thị trường thiết bị cá nhân trên thế giới, nhưng thời điểm đó, doanh số của các loại máy tính xách tay đã vượt qua máy tính để bàn. Thiết bị đọc sách điện tử – ebook reader – mới bắt đầu xuất hiện, trong khi iPad vẫn chưa ra đời.

Đến năm 2013, khi Windows 8 ra mắt, mọi thứ đều đã thay đổi. Một thập kỉ trước bạn cần một máy tính cá nhân để làm việc và truy cập Internet, và một chiếc điện thoại để liên lạc với bạn bè. Ngày nay, phần lớn người Mỹ đều sở hữu những thiết bị có khả năng làm những việc của một chiếc máy tính cá nhân, và thực hiện được cả công việc của một chiếc điện thoại, xu hướng này ngày càng gia tăng.

Năm 2009, khi mà Microsoft bắt tay vào phát triển Windows 8, họ tập trung vào các máy tính bảng có kích thước bằng với máy tính xách tay, nhưng trong thực tế phát triển, máy tính bảng là một loại thiết bị lớn hơn smartphone, nhưng nhỏ hơn máy tính xách tay nhiều.

Màn hình 8.1 inch là quá nhỏ để hiển thị logo khởi động của Windows 8, đó là điều đầu tiên để bạn nhận ra rằng Windows 8 không được thiết kế cho những thiết bị nhỏ. Và điều quan trọng là tất cả các tùy chọn cấu hình đều chỉ phù hợp cho máy tính cá nhân, và việc hỗ trợ cảm ứng không mấy thân thiện với màn hình kích thước nhỏ.

Windows 8.1 sẽ giải quyết tất cả những vấn đề này. Nó sẽ đặc biệt hỗ trợ những thiết bị có độ phân giải 1280 x 800 pixel. Hầu như tất cả các tùy chọn cấu hình đã được làm lại, và hỗ trợ cảm ứng thân thiện, không khiến người dùng nhớ tới những chiếc máy tính cá nhân. Màn hình Start sẽ xoay theo định hướng một cách tự nhiên hơn, sẽ có ít biểu tượng trên màn hình hơn, tất những chức năng sẽ không thua kém iPad Mini, Kindle Fire hay Nexus 7.

Nhưng những thiết bị Windows 8.1 phải làm được một điều gì đó mà các đối thủ cạnh tranh của nó không thể làm được. Windows 8.1 có khả năng chuyển đổi màn hình thành một máy tính cá nhân thông thường, có khả năng chạy Microsoft Office và những ứng dụng dành cho máy tính cá nhân. Windows 8.1 cũng hỗ trợ kết nối HDMI tới một màn hình kích thước lớn hơn, cùng với bàn phím bluetooth và chuột, bạn đã có một chiếc máy tính để bàn hoàn chỉnh. Tháo màn hình ra, bạn lại có một thiết bị di động.

Đây là một canh bạc của Microsoft, với hi vọng người dùng Windows sẽ thấy đây là một nét tích cực chứ không phải là sự phức tạp không cần thiết. Microsoft đang đặt cược vào những người dùng bị thu hút bởi những thiết bị đa năng. Nhưng trong một thế giới đã quen với những thiết bị nhỏ bé, phục vụ duy nhất một mục đích, liệu triết lí của Microsoft có thể thành công?

Theo ZDNet



Bình luận

  • TTCN (0)