Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ không can thiệp sâu vào việc điều chỉnh giá cước dịch vụ 3G và các nhà mạng được quyết định giá cước của mình.

Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, Nhà nước tôn trọng và không can thiệp vào quyền định giá của doanh nghiệp. Nhà nước chỉ quản lí giá cước liên quan đến công ích và giá cước liên quan giữa các doanh nghiệp với nhau như cước kết nối giữa các mạng.

Cũng theo Luật Viễn thông, giá cước dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quyết định, trừ dịch vụ thuộc danh mục giá cước do Nhà nước quy định. Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Viễn thông là doanh nghiệp không được áp đặt, phá giá cước viễn thông gây mất ổn định thị trường, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng, của doanh nghiệp viễn thông khác và của Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề giá cước 3G, hồi đầu tháng 7 vừa qua, Viettel đã lên tiếng sẽ điều chỉnh tăng cước 3G trong thời gian tới.

Ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel cho hay, trong thời gian qua, thuê bao 3G phát triển rất mạnh khiến lưu lượng dữ liệu (data) trao đổi trên mạng tăng lên nhanh chóng và tạo nên một áp lực lớn trên hạ tầng mạng. Trong khi đó, giá cước 3G hiện nay rất rẻ so với chi phí mà nhà mạng đã đầu tư vào hạ tầng.

Theo tính toán của các nhà mạng, giá cước 3G đang bán dưới giá thành, như vậy nếu không tăng cước 3G thì về lâu dài họ sẽ không đủ nguồn lực để tái đầu tư phát triển mạng lưới. Trong khi đó, nếu tiếp tục duy trì mức cước thấp thì người tiêu dùng cũng sẽ bị thiệt do nhà mạng không đủ sức đầu tư nâng chất lượng mạng cũng như mở rộng vùng phủ sóng.

Do đó, ông Trung nói rằng Viettel đang xem xét lại việc điều chỉnh các gói cước 3G theo hướng tăng lên. Tuy nhiên, các gói cước cơ bản phục vụ cho các đối tượng có nhu cầu trao đổi dữ liệu thấp vẫn được giữ nguyên.

Trước Viettel, MobiFone và VinaPhone đã tăng giá cước 3G lên 10% từ hồi đầu tháng 4 năm nay.

Các nhà mạng cho biết hiện các dịch vụ 3G đang chiếm từ 40% đến 60% trong tổng doanh thu của các mạng vào năm ngoái.

Nhà mạng mất hàng nghìn tỉ đồng/năm vì ứng dụng nhắn tin miễn phí

Ông Đỗ Vũ Anh, Trưởng ban Viễn thông Tập đoàn VNPT cho biết, các dịch vụ OTT (Over The Top) như gọi điện thoại, nhắn tin di động miễn phí qua môi trường Internet bao gồm WhatsApp, Viber, Line, Kakao Talk, Zalo... đã gây thiệt hại rất lớn đến doanh thu của các mạng di động Việt Nam cũng như thế giới. "Dịch vụ này đã ảnh hưởng 9 -10% doanh thu của các nhà mạng trên thế giới", ông Đỗ Vũ Anh dẫn chứng.

Cùng quan điểm trên, đại diện MobiFone cho rằng, dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet đã làm dịch vụ truyền thống như SMS của các nhà mạng trên thế giới thất thu hơn 13 tỉ USD/năm.

Được biết, ứng dụng Viber ở Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người sử dụng, riêng tháng 2/2013 có thêm khoảng 500.000 người dùng và mỗi ngày có xấp xỉ 20.000 người sử dụng đăng kí mới. Thống kê của MobiFone cho thấy, số lượng cuộc gọi trên Viber ở Việt Nam khoảng 280.000 cuộc/ngày và 8,7 triệu SMS/ngày. "Như vậy, mỗi năm nhà mạng ở Việt Nam sẽ tổn thất hơn 1000 tỉ đồng trong khi lượng tiền data thu về không đáng bao nhiêu" đại diện MobiFone nhấn mạnh.

Việc "bùng nổ" các dịch vụ OTT làm ảnh hưởng đến "nồi cơm" của các nhà mạng bắt đầu được dấy lên từ phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel tại tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ TT&TT ngày 24/12.

Khi đó, ông Hùng cho rằng, dịch vụ OTT giúp nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng Wifi, 3G như Viber, WhatsApp đang là một nguy cơ với các doanh nghiệp viễn thông nói riêng và các ngành CNTT, truyền thông, truyền hình nói riêng. Bởi vì, những dịch vụ viễn thông cơ bản như điện thoại, nhắn tin và truyền hình đang chiếm đến 80% doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông (khoảng trên 100.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, các dịch vụ này lại đang được cung cấp miễn phí trên mạng bởi các công ty nước ngoài, để từ đó kinh doanh những dịch vụ khác ngoài viễn thông.

Theo Đất Việt




Bình luận

  • TTCN (0)