Phiên bản mới nhất của chiếc máy nghe nhạc Creative Zen đã sử dụng RAM bất biến. Ảnh: ZDNet.

Hàng ngày, bạn vẫn sử dụng những công nghệ này mà không hề nhận ra sự tồn tại của chúng. Nhưng chỉ cần thiếu chúng một phút xem, đó sẽ là cả một thảm họa.

6. RAM bất biến

Phiên bản mới nhất của chiếc máy nghe nhạc Creative Zen đã sử dụng RAM bất biến, nhờ thế mà "thân hình" của nó đã được thu gọn một cách đáng kể.

Thật lạ phải không? Kích cỡ túi áo của bạn không hề thay đổi qua năm tháng, nhưng mỗi ngày bạn lại có thể nhồi nhét vào đó nhiều thiết bị hơn.

Năm 1956, ổ đĩa cứng đầu tiên của IBM sử dụng loại đĩa rộng tới... 50 cm. Thật khó mà tin nổi là các loại ổ đĩa siêu tí hon ngày nay về cơ bản, vẫn sử dụng đúng công nghệ đó.

Nhờ những tiến bộ vượt bậc của khoa học, chẳng hạn như việc phát minh ra vật liệu kháng từ và đầu ghi trực giao, kết quả đạt được giống như trong mơ vậy.

Từ năm 1990 đến năm 2005, ổ đĩa cứng từ đã tăng dung lượng lưu trữ lên đúng 1000 lần, khiến ngay cả định luật Moore danh tiếng của thị trường bán dẫn cũng phải "thấy xấu hổ".

Tuy nhiên, thiết bị cầm tay lại là một sân chơi hoàn toàn khác. Ổ đĩa cứng tỏ ra quá cồng kềnh và quá mong manh để ứng dụng bên trong những chiếc máy nghe nhạc cầm tay hoặc ĐTDĐ. Và đó chính là lý do để ổ lưu trữ dạng rắn dựa trên nền tảng RAM bất biến ra đời.

Trên thực tế, công nghệ này đã được ứng dụng một cách hạn chế từ những năm 70, song giá cả đắt đến mức "kinh hoàng" của nó khiến cho ổ lưu trữ dạng rắn chưa thể đến được với số đông người dùng.

Giờ thì tình thế đã khác: RAM bất biến đã xuất hiện trong máy nghe nhạc MP3, máy ảnh số, ĐTDĐ và thậm chí cả một số mẫu laptop nữa.

7. Pin lithium-ion

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, đồ chơi điện tử bao giờ cũng không bán kèm pin. Nhưng kể từ thập niên 90 trở đi, pin lại trở thành một trong những tính năng quan trọng nhất của "đồ chơi công nghệ".

Với việc nhu cầu sử dụng thiết bị di động ngày càng cao, rõ ràng là nhà sản xuất không thể hạn chế sự lựa chọn của người dùng trong quẩn quanh pin AA, D hay C được.

Sự ra đời của pin lithium-ion đã từng được ví von như một bước đột phá. Thế hệ pin sạc đầu tiên được làm từ chì - vì thế nó nặng chình chịch, cồng kềnh và rõ là không phù hợp với máy tính xách tay hay điện thoại.

Đến các thế hệ sau, người ta đã tìm ra lithium, kim loại nhẹ nhất nhưng khả năng tích tụ năng lượng lại rất cao. Pin lithium-ion cho phép tạo ra các thiết bị ngày càng nhỏ gọn và nhẹ ký.

Bắt đầu từ cuối những năm 90, bạn đã có thể thực sự nhét vừa một chiếc điện thoại vào trong túi áo của mình.

Mặc dù vậy, một số vụ scandal cháy nổ thời gian gần đây đã khiến lòng tin của người tiêu dùng nơi pin lithium-ion bị lung lay dữ dội.

Rõ ràng là cấu trúc dạng lỏng của lithium-ion chưa đạt đủ độ ổn định và an toàn cần thiết, dù nguy cơ của nó đôi khi cũng hơi bị thổi phồng.

Ngành công nghiệp pin đang cố gắng tìm kiếm các công nghệ thay thế, ví dụ như pin nhiên liệu. Tuy nhiên, chắc chắn là lithium-ion sẽ vẫn còn phổ biến trong một thời gian tương đối nữa.

8. VoIP

Ảnh
Ảnh: Engadget.

Công nghệ "Thoại trên nền Internet" đã khiến cho người dùng có thể thoải mái "buôn chuyện đường dài", thậm chí là quốc tế, mà chẳng cần phải bận tâm đến hóa đơn tiền cước.

Quả thực, VoIP đang cách mạng hóa cả ngành công nghiệp viễn thông, khi những phần mềm như Skype ngày càng trở nên phổ biến, được nhiều người ưa chuộng và thậm chí là tôn thờ.

VoIP đã xóa nhòa ranh giới giữa điện thoại với mạng Internet. Nó cho phép bạn gọi đi bất cứ nơi đâu mà chỉ cần bỏ ra vài đồng, thậm chí là không mất tiền.

Rất nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ) đã ứng dụng VoIP để liên lạc giữa các chi nhánh với nhau.

Nhiều website cũng đã khai trương dịch vụ VoIP để người dùng phản hồi, hỏi - đáp, tham vấn miễn phí.

Việc điều dẫn các cuộc gọi qua mạng Internet sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoản chi phí khổng lồ.

Hiệu suất tăng lên dẫn tới giá thành sản xuất và dịch vụ giảm đi. Hơn thế nữa, các cuộc gọi số cũng dễ dàng quản lý hơn so với cuộc gọi truyền thống.

Đừng ngạc nhiên nếu như một ngày nào đó, đường dây điện thoại cố định của bạn bị thay thế hoàn toàn bởi VoIP và ĐTDĐ đấy nhé.

9. Bộ tăng tốc đồ họa

Bạn nghĩ rằng card video của mình chỉ phục vụ mỗi việc chơi game ư? Hãy nghĩ lại. Trên thực tế, bộ xử lý đồ họa (GPU) cũng giống như một CPU thứ hai, cực kỳ chuyên biệt vậy.

Khi phải tiếp xúc với những phép toán phức tạp, hiệu suất của GPU sẽ khiến cho CPU phải "lác mắt".

Mới đây nhất, các nhà khoa học đã tìm ra cách sử dụng bộ tăng tốc GPU để "thúc lưng" các ứng dụng off-screen.

Lấy thí dụ, một dự án của Đại học Stanford đã offload các phép toán về GPU để tăng hiệu suất của nó lên nhiều lần. (Dự án này của Stanford kết nối nhiều máy tính nằm rài rác trên khắp thế giới để tạo ra một mạng lưới siêu máy tính nghiên cứu về bệnh lý y khoa).

Do các phép tính để vẽ nên hình ảnh đồ họa 3D cũng có thể áp dụng để tháo gỡ nhiều nhiệm vụ khác, nên bộ tăng tốc GPU hoàn toàn phù hợp với toán học cao cấp và xây dựng cơ sở dữ liệu khổng lồ.

10. Truy cập Net tốc độ cao 

Hãy tưởng tượng chúng ta sẽ như thế nào, nếu như không có kết nối Internet băng thông rộng?

Chỉ mới cách đây 10 năm thôi, hầu hết chúng ta vẫn đang ì ạch sử dụng modem quay số. Mỗi lần vào mạng là mỗi lần chờ đợi, và download một video clip hay file nhạc thì đúng là cực hình.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng băng thông rộng đã mở toang cửa cho hàng loạt ứng dụng như video, MP3, VoIP và game online nhiều người chơi. Giờ lại có thêm Truyền hình qua mạng Internet nữa chứ.

Nhớ lại thập niên 80, các hãng truyền hình cáp hứa hẹn cung cấp 500 kênh chương trình với thời lượng phát sóng 24/24h mỗi ngày.

Cáp trở thành đường dây quan trọng nhất trong mỗi căn nhà, cho tới khi các hãng viễn thông nhảy vào cuộc.

Một công nghệ mới ra đời, cho phép vận chuyển tín hiệu tần số cao qua đường dây điện thoại thông thường.

Ngay lập tức, các hãng viễn thông nhìn ra cơ hội để kinh doanh video-theo-yêu-cầu và cạnh tranh với các hãng cáp.

Tuy nhiên, kế hoạch triển khai video-theo-yêu-cầu qua mạng viễn thông đã bị phá sản vào giữa thập niên 90.

Mặc dù vậy, công nghệ DSL hoàn toàn không chết. Ngược lại, nó đã nhanh chóng biến thành nền tảng kết nối Internet tốc độ cao không thể thiếu của mỗi gia đình.

Cả đường cáp lẫn DSL đều sử dụng tín hiệu tần số truyền thống trên dây đồng, nhưng những công nghệ mới như mạng sợi quang hứa hẹn tốc độ kết nối nhanh hơn cả tia sét.

Tương tự, WiMax sẽ giúp đưa băng thông rộng đến với những vùng lãnh thổ mà dây dẫn không thể vươn tới được.

(Theo Vietnamnet/PCWorld)



Bình luận

  • TTCN (0)