Một mẫu máy tính xách tay thương hiệu Việt. Ảnh: VNN.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hy vọng đưa ra những máy tính xách tay thương hiệu Việt có giá thấp sẽ không bị cạnh tranh bởi sản phẩm những thương hiệu lớn, nổi tiếng. Nhưng thực tế đã ngược lại.

Giá rẻ cũng bị cạnh tranh

Hiện nay, tại thị trường Việt Nam, ngay trong phân khúc những model máy tính xách tay có giá từ 500–600USD cũng đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng sản xuất máy tính lớn trên thế giới như HP, Acer, Dell, Toshiba...

Vì vậy, những loại máy tính xách tay thương hiệu Việt có giá nằm trong phân khúc này đã không cạnh tranh về giá.

Tháng 8/2005, khi Công ty GCC (cũng là nhà phân phối ổ cứng hiệu Seagate) nhận được sự hỗ trợ về giá của các hãng sản xuất linh kiện như Intel, Seagate..., đã tung ra thị trường những dòng máy tính giá rẻ, lúc đó là 699USD.

Ngay lập tức, Acer đã đưa ra thị trường những mẫu máy có cấu hình tương đương với giá không đắt hơn bao nhiêu. Hậu quả là với những ưu thế về thương hiệu, chất lượng sản phẩm đã được tin cậy cùng chương trình bán hàng, hậu mãi tốt hơn..., sản phẩm của Acer đã được người tiêu dùng ưu tiên chọn.

Cùng với GCC, nhiều kế hoạch sản xuất và bán máy tính xách tay giá rẻ của các công ty Việt Nam khác cũng được giới thiệu, nhưng những kế hoạch này đã không được triển khai vì các hãng lớn liên tục đưa ra những dòng máy tính xách tay ngày càng rẻ. “Chết yểu từ trong trứng nước vì không thể sản xuất được sản phẩm có giá cạnh tranh với sản phẩm của các thương hiệu ngoại”, một doanh nghiệp tham gia kế hoạch sản xuất máy tính xách tay giá rẻ cho thị trường trong nước xác nhận.

Chết từ từ...

Một số doanh nghiệp cố trụ lại trên thị trường cũng đang trong tình trạng “thoi thóp”. Trước hết là V-Open, nhãn hiệu này có phần hùn vốn từ nhiều “đại gia” trong ngành sản xuất điện tử, phân phối linh kiện, sản xuất máy tính để bàn... Từ buổi đầu ra mắt (tháng 1/2007), kế hoạch hãng này đặt ra là tiêu thụ 1.000 máy/tháng, dự kiến hai năm sẽ thu hồi vốn. Nhưng theo một nguồn tin từ chính V-Open cho biết, hiện nay số lượng tiêu thụ của họ khoảng 100 máy/tháng với hệ thống phân phối khá hạn chế. Một số cổ đông chiến lược đang rút vốn ra khỏi “liên doanh” này.

FPT Elead cũng đã sản xuất máy tính xách tay cách đây ba năm để cung cấp cho các dự án nhưng cách đây hai năm, họ phải ngưng khi không có ai đặt hàng. Tháng 4/2008 này, FPT Elead mới khởi động sản xuất lại với số lượng chỉ có 250 máy để cung cấp cho một dự án.

Công ty CMS (thuộc tập đoàn CNTT CMC) cũng đã sản xuất máy tính xách tay rồi ngưng, rồi trở lại thị trường vào tháng 9/2006. Cho đến nay, CMS vẫn kiên trì theo đuổi nhóm hàng này với khoảng 5–6 model với cấu hình khác nhau. Máy tính xách tay CMS hiện vẫn còn xuất hiện tại một vài siêu thị chuyên bán máy tính xách tay như Hoàn Long, Thế Giới Di Động...

Theo một thông tin từ hệ thống siêu thị Thế Giới Di Động, trong hai tháng 3 và 4 của năm 2008, hệ thống này bán tổng cộng được 61 chiếc máy tính xách tay mang nhãn hiệu CMS. Khi trả lời câu hỏi về con số máy tính xách tay là bao nhiêu trong tổng số 200.000 máy tính các loại của CMS đã được tiêu thụ, ông Lê Quang Thành, Giám đốc chi nhánh CMS TP.HCM nói: “Rất nhỏ, không tiện công bố”.

(Theo SGTT)




Bình luận

  • TTCN (0)