Một lần nữa cả giới chuyên gia lẫn người tiêu dùng không khỏi lắc đầu ngán ngẩm trước 3 cái góc mang tên chữ “G” của thị trường dịch vụ này ở Việt Nam.

Góc thứ nhất là gượng. Nói gượng là bởi cơ quan quản lí nhà nước, cụ thể là Cục Viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã rất nhanh chóng chấp nhận đề nghị tăng cước dịch vụ 3G của 3 nhà mạng mà không hề có động thái thẩm định giá thành. Kế đó là có nhiều mâu thuẫn trong cách giải thích liên quan đến việc giá cước 3G chỉ bằng 54% giá thành dịch vụ nhưng cơ quan quản lí cho phép thực hiện khấu hao nhanh toàn bộ vốn đầu tư cho mạng 3G chỉ trong vòng 2 tới 3 năm, theo “phát giác” của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam.

Góc thứ hai là gàn. Theo ước tính, hiện Việt Nam có trên 3 triệu thuê bao sử dụng gói dịch vụ 3G không qua điện thoại di động và đợt tăng giá vừa qua đã giúp các nhà mạng “âm thầm” bỏ túi thêm 500- 600 tỉ đồng mỗi tháng. Trái với mức tăng giá cước 3G chỉ 20 - 40% mà Viettel, Mobifone và Vinaphone công bố khoảng hai tháng trước và được công bố khá ồn ã, một số gói cước dịch vụ 3G đối với những khách hàng sử dụng trả trước trên USB 3G, máy tính bảng,... âm thầm tăng tới hơn 300%.

Góc thứ ba là gở. Những bức xúc và khó hiểu quanh chuyện tăng cước dịch vụ 3G ở Việt Nam trong lúc chưa có những lời giải thỏa đáng có thể báo hiệu những điều không hay cho mảng dịch vụ viễn thông này ở Việt Nam. Trước hết, nó có thể tạo hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông” với các nhà mạng khi một số lượng người (mà rất có thể là không nhỏ) từ bỏ dịch vụ này. Nó cũng cho thấy thêm là câu chuyện về làm người tiêu dùng cuối cùng ở Việt Nam sướng hay khổ cũng đã rõ câu trả lời.

Và trên hết là câu chuyện về độc quyền. Người tiêu dùng Việt Nam cả trong quá khứ lẫn hiện tại từng khổ sở vì tình trạng độc quyền làm giá, làm mình làm mẩy của các đơn vị được mệnh danh là “cung cấp dịch vụ”. Câu chuyện này tưởng đã lùi vào quá khứ thế nhưng việc cước 3G sẽ vẫn còn tăng trong khi không hề có một cam kết rõ rệt nào về chất lượng lại cho thấy hóa ra chuyện độc quyền còn lâu mới chấm dứt.

Theo Báo Công Thương




Bình luận

  • TTCN (0)