Trần Mạnh Hùng, trưởng nhóm Joinhandmade.

Một nhóm khởi nghiệp ở TP.HCM đã miệt mài suốt 2 năm để cho ra đời chiếc tai nghe handmade có chất lượng âm thanh tốt và thiết kế "không đụng hàng".

"Gã khùng" chế tai nghe vì ghiền

Tự nhận mình là một "gã khùng" khi lập nhóm chế tạo tai nghe "made in Vietnam" mà không quan trọng doanh thu lợi nhuận, Trần Mạnh Hùng say sưa kể về quá trình làm ra chiếc Jelly Ear, một loại tai nghe mà như lời anh là "tái tạo được đầy đủ độ chi tiết của âm thanh và các nhạc cụ".

Xuất thân là một designer và trải qua nhiều nghề, Hùng có niềm đam mê lớn với âm nhạc và các thiết bị âm thanh. "Mình đã từng dùng những loại tai nghe tầm 20 triệu, nhưng thực sự chất âm và độ hoàn thiện của nó vẫn chưa khiến mình hài lòng", Hùng chia sẻ. Đây cũng là lí do thôi thúc Hùng và nhóm bạn bắt tay vào dự án Jelly Ear.

Nói là làm, trong hai năm qua, Hùng và nhóm bạn đã nghiên cứu những công đoạn để chế tạo nên chiếc tai nghe. Vì làm thủ công và đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu, nên cứ hễ sản phẩm bị lỗi (dù là lỗi vặt) ở một khâu bất kì, "gã khùng" vứt bỏ luôn chiếc tai nghe đang làm dang dở và làm lại chiếc mới.

Ảnh
Tai nghe Jelly Ear được làm bằng tay. Ảnh: Joinhandmade.

Hùng kể, lời chưa thấy đâu, nhưng anh và nhóm bạn đã đốt hết vài tỉ đồng tiền nguyên vật liệu và linh kiện để dần hoàn thiện Jelly Ear trong 2 năm. "Đôi lúc mình và nhóm như bị ám thị. Hôm nay cứ ngỡ sản phẩm đã xong, có thể ra thị trường luôn rồi, nhưng ngày mai, ngày mốt, hoặc một tuần sau nhìn lại thì lại thấy có vấn đề và lại lao đầu vô đẽo gọt tiếp", Hùng chia sẻ.

Jelly Ear khác gì với tai nghe thông thường?

Khi được hỏi rằng với giá bán gần 2 triệu đồng, điều gì khiến người dùng chọn Jelly Ear thay vì lựa chọn những hãng danh tiếng của nước ngoài như Sennheiser, Beats..., Trần Mạnh Hùng cho rằng sự khác biệt nằm ở mức độ hoàn thiện sản phẩm. Mỗi chiếc Jelly Ear được làm bởi một "thợ" của nhóm. Phần thân của chiếc tai nghe này có thiết kế nguyên khối và nhiều lớp, giúp sản phẩm có độ bền và tính thẩm mĩ cao. Phần đầu dây được quấn tỉ mỉ bằng chỉ. Miếng bọc giắc cắm tai nghe được đúc và đánh nhám bằng tay.

"Riêng núm tai nghe không làm bằng cao su hay silicon như các loại tai nghe trên thị trường, mà được chế tác từ bọt biển và có thể tùy biến theo kích cỡ lỗ tai của khách hàng, đảm bảo cảm giác thoải mái và tiện lợi cho người dùng", Mạnh Hùng khẳng định.

Ảnh
Tai nghe Jelly Ear được đúc nguyên khối, núm bằng bọt biển và dây quấn bằng chỉ tết tay. Ảnh: Joinhandmade.

Về chất lượng âm thanh, Jelly Ear sử dụng Balanced Armature - một loại driver (thành phần quan trọng nhất của tai nghe) cho phép bóc tách chi tiết của âm thanh, giúp tái tạo riêng rẽ âm thanh của từng nhạc cụ. Driver này thường được sử dụng trên những chiếc tai nghe cao cấp như Sony XBA, Phonak 232..., với ưu điểm về độ chi tiết, âm treble tốt, tần số đáp ứng và khả năng tinh chỉnh âm thanh. Tuy nhiên, nhược điểm của loại driver này là giá thành cao (gần một triệu đồng cho mỗi linh kiện). Đây cũng chính là lí do khiến Jelly Ear có giá lên đến 2 triệu đồng, mức giá không được cho là rẻ với phần đông người dùng tại Việt Nam.

Thiết kế và âm thanh được chăm chút kĩ lưỡng, nhưng Jelly Ear vẫn tồn tại nhược điểm về màu sắc. Sản phẩm này chỉ có màu đỏ trắng. "Mình yêu màu đỏ, ban đầu còn làm cái tai nghe toàn màu đỏ nhưng nhiều người chê nên phải kết hợp thêm với màu trắng", "gã khùng" Trần Mạnh Hùng bộc bạch.

Hiện tại, dự án Jelly Ear của Hùng đang huy động vốn trên Indiegogo (một hình thức góp vốn cộng đồng ở khu vực châu Á). "Số tiền thu được không nhiều nhưng cái mình nhận được là rất nhiều ý kiến đóng góp từ các bạn nước ngoài. Họ luôn có những phản hồi mang tính xây dựng. Dù gọi vốn trên Indiegogo thành công hay thất bại, những chiếc tai nghe Jelly Ear 'made in Vietnam' vẫn sẽ được sản xuất và trình làng", Mạnh Hùng khẳng định.

Dự kiến, Jelly Ear sẽ được tung ra thị trường vào tháng 4 với giá gần 2 triệu đồng. Theo Mạnh Hùng, Jelly Ear chỉ là một sự khởi đầu. Nhóm Joinhandmade vẫn đang ấp ủ tham vọng chế tạo cả máy nghe nhạc thủ công trong tương lai gần.

Theo Zing



Bình luận

  • TTCN (0)