Nhân kỉ niệm 50 năm ngày ra đời của ngôn ngữ lập trình máy tính đầu tiên BASIC, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua của nó.

Ngày nay, những chiếc máy tính có thể giải quyết hầu hết các yêu cầu của con người nhờ các chương trình được viết sẵn. Mọi thứ quá đơn giản nhiều khi khiến chúng ta quên rằng để được như vậy các ngôn ngữ lập trình đã trải qua một lịch sử phát triển lâu dài và khó khăn, đặc biệt là với BASIC, vốn được xem là ngôn ngữ lập trình đầu tiên của máy tính.

Trở lại thời điểm năm 1964, những chiếc máy tính đầu tiên ra đời có kích thước của một căn phòng cỡ lớn và rất mắc tiền. Không những vậy chúng quá phức tạp để sử dụng, chỉ có các nhà toán học, các nhà khoa học và kĩ thuật viên được đào tạo chuyên sâu mới sử dụng được chúng.

Nhưng sau đó, John Kemeny và Thomas Kurt, hai giáo sư tại Đại học Dartmouth, New Hampshire nhận ra rằng đây không phải là cách đúng đắn để sử dụng những chiếc máy tính. Hai ông cho rằng phải tạo ra những phần mềm chuyên dụng cho máy tính và cách duy nhất để thực hiện việc đó là phải tạo ra một ngôn ngữ lập trình thực thụ cho máy tính. Và thế là BASIC ra đời, nó là chữ viết tắt của Beginners All-purpose Symbolic Instruction Code. Khởi điểm của BASIC chỉ là một hệ thống lệnh nhỏ gọn dễ tương tác và tìm hiểu cho những ai mới bắt đầu làm quen.

John Kemeny và Thomas Kurt cùng các sinh viên của mình đã dồn hết sức lực cho dự án này và ngày 1/5/1964 là một cột mốc đáng nhớ của BASIC khi nó được trình diễn thành công tại Đại học Dartmouth. Mặc dù phiên bản BASIC đầu tiên không hoàn toàn chính xác nhưng nó đã nhanh chóng trở nên mạnh mẽ và phổ biến trên thế giới, vượt qua khỏi phạm vi một dự án nghiên cứu của một trường đại học.

Có thể nói, John Kemeny và Thomas Kurt đã đi trước thời đại khi nhận ra giá trị của những phần mềm và ứng dụng dành cho máy tính.

Các nhà sản xuất máy tính đã tìm ra được cách để làm cho hệ thống của họ được sử dụng nhiều hơn và Basic đã chứng minh nó là cách nhanh chóng và rẻ tiền nhất để thực hiện điều đó. Các nhà sản xuất máy tính hàng đầu lúc bấy giờ như Hewlett-Packard, DEC và Data General là những công ty đầu tiên tiếp cận Basic.

Phiên bản máy tính lớn PDPEarly và phiên bản mini của nó là những chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới sử dụng Basic để lập trình.

Nhiều người bắt đầu nhận ra mục đích lập trình không chỉ phục vụ cho công việc mà còn có thể phục vụ cho học tập, giải trí. Và có lẽ Bill Gates là người nổi tiếng nhất trong số đó khi ông viết ra một trò chơi đầu tiên dùng ngôn ngữ Basic.

Tuy nhiên vào thời điểm đó phần cứng vẫn còn rất hạn chế. Người dùng không thể tương tác trực tiếp với các chương trình thông qua màn hình như hiện nay mà phải thông qua các câu lệnh nhập từ bàn phím.

Mặc dù Basic nhanh chóng trở nên phổ biến nhưng nó mới chỉ xuất hiện trên một số máy tính nhỏ và những máy tính cỡ lớn. Nếu không phải là sinh viên của các trường đại học lớn hoặc làm việc trong các doanh nghiệp, bạn thậm chí không thể biết đến sự tồn tại của Basic là gì.

Một cột mốc đánh dấu sự phát triển vượt bậc của phần cứng là vào năm 1974 khi Intel giới thiệu Intel 8080, một hệ thống vi xử lí được đánh giá nhanh hơn gấp 10 lần so với những thế hệ tiền nhiệm trước đó và đủ sức biến máy tính thành một công cụ thật sự hữu ích.

Những chiếc máy tính như ZX Spectrum là những người tiên phong mang Basic đến với công chúng. Tuy nhiên Altair 8800 mới được coi là chiếc máy tính thật sự gần gũi đầu tiên được lập trình bởi ngôn ngữ Altair BASIC, một phiên bản cải tiến của BASIC được phát triển bởi bộ 3 Bill Gates, Paul Allen và Monte Davidoff của Microsoft. Kể từ thời điểm đó, thế giới máy tính hoàn toàn thay đổi, BASIC có mặt khắp mọi nơi.

Những nhà máy sản xuất máy tính nhanh chóng mọc lên khắp nơi, những chiếc máy tính với nhiều biến thể được bán ra với số lượng lớn và hầu như tất cả chúng đều sử dụng ngôn ngữ lập trình BASIC để viết các chương trình. Có thể kể tên một loạt những chiếc máy tính đình đám lúc bấy giờ như TRS-80, ZX80, ZX81, ZX Spectrum, Sinclair QL. Thậm chí lúc đó Apple cũng đã nhảy vào cuộc chơi với những sản phẩm như máy tính Apple II.

BASIC bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong các trường học với những máy tính cỡ nhỏ như Research Machines 380Z và BBC Micro, giúp sinh viên có thể tiếp cận với một số chương trình đơn giản mà không phải làm việc với những máy tính khổng lồ như trước kia. Sự tiện lợi của chúng thuyết phục được một số bậc phụ huynh mua máy cho con em về dùng tại nhà cho việc học tập hay chơi một số trò chơi giải trí như Frogger, Football Manager và Space Invaders.

Sự phổ biến của BASIC khiến cho nó được tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức như thông qua băng từ, các ấn phẩm chuyên về máy tính...

Đỉnh điểm của sự phát triển là vào năm 1981 khi các máy tính IBM được công bố. BASIC lúc này không chỉ được sử dụng trên ROM (BASICA) mà còn sử dụng trên đĩa ghi (GW_BASIC ). Từ đó dẫn đến sự ra đời của MS-DOS, hệ điều hành được phát triển bởi Microsoft và nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn cho các máy tính doanh nghiệp và gia đình. Microsoft đã phát triển những phiên bản BASIC hoạt động riêng trên các hệ điều hành của mình từ MS-DOS đến Windows, Windows Me và tất cả những bản Windows tiếp theo trong vài chục năm sau đó.

Basic rõ ràng đã đạt được những thành công lớn vượt quá sức mong đợi của những người sáng lập. Tuy nhiên nó cũng bắt đầu bộc lộ những hạn chế. Một trong số đó là việc các công ty tạo ra các phiên bản riêng chỉ phù hợp với phần cứng của họ làm cho Basic phát triển xa rời với mục đích ban đầu. Hơn nữa càng về sau này, các chương trình đòi hỏi nhiều hơn với đồ họa, khả năng tương tác cao, cảm ứng màn hình... nên Basic dần được thay thế bằng những ngôn ngữ khác linh hoạt hơn nhưng không thể phủ nhận vài trò tiên phong và mang tính lịch sử của nó trong sự phát triển của máy tính.

Kemeny và Kurtz, hai nhà sáng lập Basic cũng đã nhận ra vấn đề hạn chế của Basic và họ đã thành lập công ty True BASIC để đảm bảo sự phát triển đúng hướng của ngôn ngữ này. Tuy nhiên việc làm này có vẻ hơi muộn mặc dù công ty vẫn còn hoạt động cho đến ngày hôm nay.

Theo Techradar



Bình luận

  • TTCN (0)