Chưa hiểu số hóa truyền hình, người dân đổ xô mua TV đời cũ
TP Đà Nẵng là địa phương tiên phong thực hiện số hóa truyền hình và ngừng phát sóng truyền hình tương tự sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch. Theo đó, Đà Nẵng phát sóng song song cả truyền hình số mặt đất và truyền hình tương tự từ đầu năm 2014 và sẽ chấm dứt phát sóng tương tự từ 30/6/2015 trên địa bàn TP Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên ICTnews, đến thời điểm hiện nay, phần lớn người dân Đà Nẵng vẫn chưa “thông” các thông tin liên quan đến số hóa truyền hình, đặc biệt là người dân ở vùng ngoại ô. Bà Nguyễn Thị Minh, trú tại quận Sơn Trà cho biết: “Tôi có nghe thông tin số hóa truyền hình gì đâu. Lâu nay, gia đình tôi vẫn dùng đầu thu kỉ thuật số của VTC xem được 20 kênh truyền hình. Ai số hóa gì thì mặc, gia đình tui vẫn những thứ này có sao đâu!”.
Trong khi đó, anh Trần Hùng, trú tại quận Liên Chiểu cho hay: “Mới đây, thấy siêu thị có chương trình giảm giá đối với TV nên tôi có mua một cái, rẻ hơn đến 2 triệu đồng so với giá gốc”. Quan sát TV mà anh Hùng mới mua, chúng tôi thấy rằng đây là TV đời cũ (chưa được tích hợp chuẩn DVB – T2 - PV). Sau khi nghe chúng tôi giải thích rằng, sắp tới, Đà Nẵng sẽ ngừng phát sóng công nghệ analog thì loại TV sử dụng ăng-ten trời mà anh Hùng mới mua sẽ không bắt được kênh truyền hình nào cả. Nghe vậy, anh Hùng mới tá hỏa và cho rằng do không biết thông tin này nên thấy TV giá rẻ thì mua thôi.
Không chỉ bà Minh, anh Hùng mà rất nhiều người dân khi chúng tôi hỏi, đều không hay biết số hóa truyền hình là gì và tất nhiên họ càng không hiểu cơ chế chuyển đổi từ công nghệ analog sang công nghệ số là gì? Vì vậy, người dân vẫn đi sắm các TV đời cũ khi các siêu thị tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá.
Theo một nhân viên bán hàng tại Siêu thị điện máy Phan Khang: “Hiện nay, mức sống người dân tại địa bàn thành phố Đà Nẵng khá cao. Hầu như gia đình nào cũng đều sử dụng các dịch vụ truyền hình trả tiền nên họ không quan tâm đến việc phải mua TV có tích hợp chuẩn DVB – T2”.
Trong khi đó, giá các mẫu TV cũ rất cạnh tranh. Theo khảo sát, các mẫu TV này có giá thấp hơn từ 1 đến 3 triệu đồng so với TV có tích hợp chuẩn DVB – T2.“Nếu khi nhà đài tắt sóng truyền hình analog, người dân chỉ cần mua thêm bộ thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình (Set top box – STB) có giá từ 700 đến 800 ngàn, là có thể thu được các kênh truyền hình số, vì vậy, người dân vẫn tiết kiệm chọn mua TV đời cũ”, một nhân viên Siêu thị điện máy trên đường Hùng Vương cho biết.
Cơ quan chức năng chưa vội tuyên truyền?
Nhu cầu của người dân có thu nhập thấp không thể mua được TV có tích hợp chuẩn DVB – T2 là không hề nhỏ. Vì vậy, họ sẽ mua thiết bị STB để chuyển đổi. Tuy nhiên, qua khảo sát trên thị trường Đà Nẵng, ICTnews nhận thấy tại các siêu thị điện máy lớn hầu như không thấy bày bán thiết bị STB. Tại các cơ sở điện máy nhỏ, có bày bán từ 1 đến 2 chủng loại với số lượng nhỏ và không rõ nguồn gốc. Theo một nhân viên bán hàng trên đường Hùng Vương: “Cửa hàng chỉ có 1 mẫu thiết bị STB với mức giá 850 ngàn đồng, bảo hành trong 6 tháng, chất lượng đảm bảo, đúng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy trên bao bì sản phẩm không ghi rõ xuất xứ, cũng như không dán nhãn DVB –T2.
Theo đại diện Sở TT&TT Đà Nẵng; “Hiện nay Đà Nẵng đang trong giai đoạn đầu triển khai đề án số hóa truyền hình. Sở TT&TT đang triển khai thực hiện việc hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát việc dán logo biểu trưng, lên kế hoạch hỗ trợ đầu thu truyền hình kỉ thuật số cho các gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách theo quy định của Bộ TT&TT.
Sau khi xem xét, đánh giá các doanh nghiệp làm dịch vụ truyền dẫn và phát sóng trên địa bàn thì đến nay việc lựa chọn các doanh nghiệp đã hoàn tất. Theo đó, Trung tâm truyền dẫn phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) sẽ là đơn vị truyền dẫn phát sóng cho Đài truyền hình Đà Nẵng (DRT). Bên cạnh đó, Sở sẽ xem xét và chọn một đơn vị làm kênh dự phòng. TP Đà Nẵng cũng sẽ tập trung tuyên truyền rộng rãi chủ trương số hóa truyền hình trên các kênh thông tin đại chúng như truyền hình, báo đài, phát tờ rơi, căng phướn...”.
Tuy nhiên, đến nay, thời điểm số hóa đã cận kề nhưng công tác chuẩn bị cho đề án này vẫn chưa được triển khai quyết liệt, đặc biệt công tác tuyên truyền đến người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn chưa thực hiện một cách đồng bộ, khiến cho người dân không tiếp cận được thông tin về chủ trương số hóa truyền hình. Vì vậy, người dân vẫn "vô tư" mua sắm các thiết bị đầu thu, TV không tích hợp chuẩn DVB – T2 mà không biết rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chính mình.
Theo ICTnews
Bình luận