Một phần mềm trong phần mềm Việt hiện có mặt trên ĐTDĐ. Ảnh: SGTT.

Từ khi các nhà sản xuất tung ra nhiều cấu hình máy mạnh hơn, nhu cầu sử dụng những phần mềm, ứng dụng ngày càng tăng để mở rộng năng lực hoạt động của chiếc ĐTDĐ. Nhưng, số phần mềm ứng dụng cho ĐTDĐ do các nhà phát triển ứng dụng trong nước sản xuất, khai thác chưa đủ đếm trên đầu ngón tay.

Khó bán chính thức

Hệ điều hành trên ĐTDĐ hiện nay tồn tại hai hệ chính: Windows Mobile và Symbian (còn có hệ điều hành OSX chạy trên iPhone và Blackberry chạy trên Blackberry nhưng số lượng chưa nhiều nên chưa có ai phát triển trên nền hệ điều hành này).

Tuỳ theo từng hệ điều hành khác nhau mà có những ứng dụng riêng. Hiện nay, những ứng dụng được mua chính thức khá ít, “đếm trên đầu ngón tay”. Có thể kể tên: từ điển Anh – Việt, Vietmap, từ điển Lạc Việt phiên bản cho mobile, lịch âm, những tuỳ biến giao diện cho dòng smartphone, tử vi…

Những ứng dụng này thường được các hãng sản xuất, các nhà phân phối mua hoặc đặt hàng trọn gói. Như P&T Mobile mua Vietmap và Lạc Việt để tặng kèm những dòng máy cao cấp, Samsung mua Vietmap để cài sẵn trên máy Samsung i780. Sony Ericsson đặt hàng công ty phần mềm Kobe viết từ điển Anh – Việt chạy trên các model dòng P.

Theo những nhà phát triển ứng dụng, số lượng cá nhân bỏ tiền ra mua… hầu như bằng không. Bởi lẽ, những phần mềm nêu trên được bẻ khoá, bán trên thị trường với giá 10.000 đồng/CD (còn kèm theo hàng trăm ứng dụng khác). Chưa kể, chỉ cần đến các trung tâm dịch vụ ĐTDĐ, người sử dụng sẽ được cài đặt tận tình với giá 5.000 đồng/ứng dụng. Một điều mà người tiêu dùng chưa quan tâm là mua ứng dụng có bản quyền sẽ được cập nhật những giá trị mới, còn dùng bản “cracked” chỉ là những ứng dụng “đóng”.

Giá lại quá rẻ

Trong 180 triệu USD doanh số của ngành nội dung số năm 2007 tại Việt Nam, chiếm tỷ lệ chủ yếu là nguồn doanh thu của các dịch vụ như game online, nhắn tin SMS..., riêng giá trị của những ứng dụng trên ĐTDĐ là không đáng kể.

Tính đến nay, thị trường Việt Nam có khoảng 30 triệu thuê bao di động đã được kích hoạt. Nếu trừ đi tỷ lệ “ngủ đông” (dạng thuê bao nhưng không sử dụng) khoảng 40% thì số máy đang hoạt động xấp xỉ khoảng 18 triệu chiếc. Có 30% máy trong số này thuộc dòng trung bình (những model này có khả năng chạy được các ứng dụng mở rộng), thì đây là thị trường lớn cho các nhà phát triển các ứng dụng dành riêng cho các thiết bị di động.

Ông Ngô Nguyên Kha (P&T Mobile) bình luận: “Người sử dụng máy ở Việt Nam đã quen dùng phần mềm bẻ khoá, bây giờ bỏ tiền ra mua có bản quyền sẽ là một điều khó thay đổi". Vậy nên, việc các hãng, các nhà phân phối chi tiền mua ứng dụng có bản quyền vừa tạo ý thức cho công chúng, vừa tạo cơ hội thêm cho các nhà phát triển ứng dụng có thêm “lực” để sản xuất những ứng dụng có giá trị hơn.

Hiện các nhà phát triển ứng dụng cũng đang gặp khó khi sản phẩm của họ chưa được đánh giá đúng. Ngoài những hợp đồng mua bán chính thức, nhiều sản phẩm họ chưa nhận được thù lao xứng đáng.

Đại diện một công ty cho biết, cùng là phần mềm nhưng đặt cho nhà phát triển nước ngoài giá 15.000 USD, còn DN trong nước chỉ được đưa ra giá 5.000 USD mà còn “đàm phán tới, đàm phán lui”! Ông Nguyễn Văn Minh (trung tâm phát triển ứng dụng Visky) cho biết, muốn phát triển một ứng dụng phải mất từ 3 – 6 tháng nhưng khi bán chỉ được vài ngàn đô la Mỹ. Nguồn thu này chẳng thấm vào đâu so với nguồn kinh phí đầu tư cho cả nhóm (ít nhất là ba người) làm việc.

Chính vì vậy, nhiều DN chuyên làm ứng dụng trên nền di động đã chuyển sang làm theo đơn đặt hàng, như An Ba đã chuyển sang làm các ứng dụng “online” về chứng khoán, ngân hàng… chạy trên smartphone, PDA cho các công ty chứng khoán, ngân hàng.

Cũng cần nói thêm, việc ứng dụng trên nền ĐTDĐ chưa phát triển là vì còn thiếu một hạ tầng mạng di động băng rộng. GPRS chập chờn. Còn 3G chưa biết đến bao giờ mới có!

(Theo SGTT)



Bình luận

  • TTCN (1)
luonghongnam  1

toi thay rat la thieu phan mem viet tren dien thoai di dong.mong sao co nhieu phan mem hon.