Chính phủ Mỹ đang cân nhắc kĩ lưỡng vì GlobalFoundries thuộc sở hữu của nhóm các nhà đầu tư nước ngoài.

Kế hoạch chuyển nhượng bộ phận sản xuất chất bán dẫn của IBM cho GlobalFoundries hiện phải đối mặt với một cuộc đánh giá từ chính phủ Mỹ đối với những tác động đến an ninh quốc gia. Sở dĩ như vậy là vì Mỹ lo ngại thương vụ giữa hai hãng có khả năng bị đe dọa do IBM hiện đóng vai trò là một nhà cung cấp quốc phòng cho chính phủ nước này.

Trong khi đó, tuy là hãng có trụ sở tại Mỹ nhưng GlobalFoundries lại thuộc sở hữu của nhiều nhà đầu tư đến từ Abu Dhabi, vốn là một phần của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

IBM cho biết sẽ không cắt giảm việc nghiên cứu phát triển hay việc thiết kế các chất bán dẫn, nhưng cho biết sẽ phải dựa vào GlobalFoundries để sản xuất. Được biết, bộ phận sản xuất chất bán dẫn của IBM hiện bao gồm khâu sản xuất các thành phần được sử dụng trong nhiều hệ thống quốc phòng và tình báo của chính phủ Mỹ.

"Chúng tôi đang thảo luận với nhà chức trách Mỹ về các vấn đề liên quan đến bảo mật và chúng tôi tin rằng sẽ có những giải pháp làm rõ được các mối quan tâm về an ninh quốc gia", người phát ngôn của GlobalFoundries cho biết.

Thực tế là GlobalFoundries đã hoàn tất quy trình đánh giá an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ khi mua tài sản củaAMD hồi năm 2008, vì vậy hãng có lẽ đã quá quen thuộc với công việc này. Tuy nhiên, vì có liên quan đến vấn đề sở hữu nước ngoài, thỏa thuận mua bán lần này giữa IBM và GlobalFoundries cũng cần được xem xét bởi Ủy ban Đầu tư nước ngoài ở Mỹ (CFIUS) của chính quyền sở tại.

Computerworld dẫn lời một vị tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, người từng là tác giả của một báo cáo liên quan đến những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng và an ninh quốc gia Mỹ theo đặt hàng của một tập đoàn công nghệ cho rằng thương vụ này "cần phải được nghiên cứu và xem xét thật kĩ lưỡng".

Vị tướng này cũng đưa ra ý kiến là CFIUS phải điều tra kĩ về các nhà đầu tư bởi "thông tin về việc chúng ta có thể bán một phần của chuỗi cung ứng các chất bán dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài thực sự là một cái tin xấu".

GlobalFoundries hiện có nhà máy sản xuất tại New York (Mỹ), Đức, Singapore và hãng sẽ giữ lại hai nhà máy sản xuất chip của IBM đang hoạt động ở New York và Vermont một khi thỏa thuận mua bán được hoàn thành vào năm tới.

Hãng cũng có kế hoạch tiếp quản gần như toàn bộ nhân viên từ các nhà máy này của IBM.

GlobalFoundries hiện cũng có bộ phận nghiên cứu và phát triển, thiết kế cũng như bộ phận hỗ trợ khách hàng ở Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Đức và Hà Lan.

Ngoài vấn đề đầu tư của UAE trong GlobalFoundries, các quan chức Mỹ cũng có mối quan tâm đặc biệt về quyền sở hữu nước ngoài đối với các công nghệ quan trọng, trong đó có chất bán dẫn bởi nếu quốc gia này mất đi nhiều hơn sức mạnh sản xuất cũng như sự ảnh hưởng trong ngành công nghiệp bán dẫn, điều đó đồng nghĩa với việc mất đi khả năng đưa ra những quyết định có liên quan đến an ninh quốc gia và rõ ràng là phải phụ thuộc vào nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác vốn có mục đích hoàn toàn trái ngược với Mỹ.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)