Thông tư 47/2014/TT-BCT (Thông tư 47) quy định về quản lí website TMĐT vừa được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Anh Tuấn kí ban hành ngày 5/12/2014.
Có hiệu lực thi hành từ 20/1/2015, Thông tư 47 bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 12/2013/TT-BCT và hướng dẫn Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (Nghị định 52) ngày 16/5/2013 của Chính phủ về hoạt động TMĐT.
Một điểm mới của Thông tư này là quy định rõ về hoạt động kinh doanh hàng hóa hạn chế kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trên website TMĐT. Theo đó, thương nhân, tổ chức, cá nhân không được sử dụng website TMĐT để kinh doanh các hàng hóa hạn chế kinh doanh, bao gồm: Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác; Rượu các loại; Thực vật, động vật hoang dã quý hiếm gồm cả động vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến; Các hàng hóa hạn chế kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Về đối tượng được kinh doanh những mặt hàng kinh doanh có điều kiện và trách nhiệm của họ khi cung cấp dịch vụ TMĐT, Thông tư quy định, thương nhân thiết lập website để bán các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phải công bố trên website của mình số, ngày cấp và nơi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ đó.
Bên cạnh đó, để tránh sự chồng chéo trong quản lí, giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, Thông tư 47 quy định cụ thể việc loại trừ nghĩa vụ thông báo và đăng kí theo quy định của Nghị định 52 đối với các website TMĐT chuyên ngành thuộc một số lĩnh vực đặc thù. “Không áp dụng đối với các website hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm; website mua bán, trao đổi tiền, vàng, ngoại hối và các phương tiện thanh toán khác; website cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, dịch vụ đặt cược hoặc trò chơi có thưởng. Những website này chịu sự điều chỉnh của pháp luật quản lí chuyên ngành tương ứng”.
Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương) cho rằng, với quy định loại trừ này, công tác quản lí đối với mỗi loại website nói trên sẽ được quy về một đầu mối là cơ quan quản lí chuyên ngành đối với lĩnh vực hoạt động của loại website đó.
Quy định mới về quản lí website TMĐT đã bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website cung cấp dịch vụ TMĐT đối với thông tin đăng tải trên website của mình bằng các cơ chế lọc tin tự động hoặc bằng những biện pháp kĩ thuật cụ thể đối với các thông tin đưa lên không đúng theo quy định của pháp luật. Đơn cử như, chủ sàn giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định tại Thông tư này; Loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực…
Đáng chú ý, Thông tư 47 quy định cụ thể về quản lí hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội. Theo đó, mạng xã hội có một trong những hình thức hoạt động (cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ; cho phép người tham gia lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ hoặc website có chuyên mục mua bán cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa, dịch vụ) phải tiến hành đăng kí với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT.
Đồng thời, thương nhân, tổ chức thiết lập mạng xã hội này phải thực hiện các trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật. Người bán trên các mạng xã hội phải tuân thủ các quy định tại Điều 37 của Nghị định 52.
Theo ICTnews.
Bình luận