Hơn 16 triệu người dùng Internet, đạt doanh số 110 triệu USD vào năm 2006, thị trường nội dung số Việt Nam đang là lựa chọn hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Microsoft bắt tay với năm đối tác, Yahoo chuẩn bị với dịch vụ Hỏi&Đáp, Vinaseek, Vinagame, FPT, Vincom...  quyết định đặt cược hàng triệu USD vào thị trường “ảo” Việt Nam.

Cú bắt tay chiến lược của MSN

Lâu nay, người dùng máy tính biết sự nổi tiếng của Microsoft trong lĩnh vực phần mềm, chứ không phải các dịch vụ trực tuyến. Đó là lý do để Microsoft quyết tâm chinh phục mảng thị trường, vốn bị Yahoo và Google lấn lướt thời gian qua.

Điều này thể hiện qua cú bắt tay chiến lược mới đây giữa Microsoft với 5 đối tác: Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV), báo Lao Động, công ty Điện Toán -Truyền Số Liệu (VDC) và công ty VIP Wireless.

Trong sự kiện này, Microsoft dù không đứng vai trò là nhà đầu tư, nhưng với sự xuất hiện của ông Grant Watts, giám đốc điều hành phụ trách lĩnh vực trực tuyến của Microsoft khu vực Đông Nam Á, người ta có lý do để tin Microsoft sẽ không đứng ngoài. Nhất là khi đích mà các bên nhắm tới là xây dựng MSN (Microsoft Network) VN thành một mạng trực tuyến lớn, hàng đầu ở thị trường 16 triệu cư dân mạng này. Mục tiêu này nếu đạt, không chỉ giúp Microsoft khống chế thị phần trực tuyến tại VN mà có thể sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” cho các dịch vụ khác.

Ông Grant Watts đã đánh giá đây là cơ hội tuyệt vời để Microsoft có thể hợp tác, xây dựng và phát triển các dịch vụ nội dung số hàng đầu thế giới của Microsoft cho cộng đồng trực tuyến VN như: Windows Live Messenger (nhắn tin tức thời), Windows Live spaces (viết blog), Windows Live Mail (gửi thư điện tử) và Live Search (dịch vụ tìm kiếm).

Yahoo! nhanh chân

Nhanh chân hơn người khổng lồ Microsoft, Yahoo đã sớm thâm nhập sâu vào thị trường Internet Việt Nam bằng cổng thông tin Yahoo.com.vn từ năm 2006. Trước đó, Yahoo đã có động thái chiến lược hợp tác với báo Tuổi Trẻ (TP.HCM) để cung cấp thông tin thời sự bằng tiếng Việt trên cổng thông tin này.

Người dùng Internet VN cũng đã quen với Yahoo! qua hệ thống chat Yahoo!Messenger, dịch vụ Hỏi - Đáp tiếng Việt và mới đây là dịch vụ Internet của Yahoo! dành cho điện thoại di động. Với cổng Internet này, người dùng điện thoại ngoài lướt web xem thông tin còn được cung cấp các dịch vụ như: e-mail, bản đồ vệ tinh, hệ thống chỉ đường...

Đình đám nhất phải kể đến sự kiện hàng triệu cư dân mạng Việt Nam thời gian qua đã phát “sốt” với cơn lốc “blog 360o” của Yahoo! Hàng triệu “nhật ký online” đã được tung lên Internet qua blog 360o. Từ đây, Internet trở nên “đời hơn” và được biết đến nhiều hơn.

1 triệu đô để nâng cấp Vinaseek

Đó là tuyên bố được công ty Tinh Vân đưa ra sau giấc ngủ dài của Vinaseek kể từ năm 2003. Trước đó, Vinaseek từng là công cụ tìm kiếm số một Việt Nam và được phát triển như một sản phẩm tặng không cho cộng đồng người dùng Internet của công ty Công Nghệ Tin Học Tinh Vân những năm 2001, 2002. Thiếu tầm nhìn xa, thiếu đầu tư nên Tinh Vân khi đó không xác định phát triển Vinaseek trở thành một sản phẩm có thể thương mại hóa.

Lỗ hổng trên thị trường này đã tạo cơ hội để Google, một tên tuổi lớn của thế giới trong lĩnh vực cung cấp công cụ tìm kiếm đã nhanh chóng chiếm áp đảo thị trường Việt Nam khi hỗ trợ tiếng Việt với bảng mã Unicode.

Những người đặt cược vào kế hoạch phát triển mới của Vinaseek dự báo trong tương lai tình hình sẽ khác. Bởi ở nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc... các công cụ tìm kiếm riêng của họ vẫn chiếm tới 50-60% thị phần, sau mới là Google và các công cụ tìm kiếm khác.

Sau khi nâng cấp, Vinaseek sẽ khai thác tối đa thế mạnh về xử lý ngôn ngữ tiếng Việt (các từ ngữ tiếng Việt phức tạp và các bộ mã tiếng Việt khác ngoài Unicode). Đồng thời, Tinh Vân sẽ tích hợp thêm các dịch vụ về tìm kiếm hình ảnh, âm thanh, video, các dịch vụ bản đồ phục vụ tìm đường, quy hoạch đất đai, du lịch...

Tinh Vân tin tưởng Vinaseek sau khi nâng cấp sẽ lại trở thành công cụ tìm kiếm quen thuộc và thông minh của khoảng 60% người Việt trên khắp thế giới. Mục tiêu trở thành một Baidu (công cụ tìm kiếm số 1 Trung Quốc) ở Việt Nam với giá trị tài sản hàng tỷ USD đang được những người trẻ tuổi ở Tinh Vân nhắm đến.

Và các dự án đã sẵn sàng

Một số công ty trong nước đã sớm đưa ra ý tưởng hình thành các cổng thông tin tích hợp. Đầu tiên là dự án xây dựng cổng Cyber.vn của Vietsoftware cung cấp dịch vụ chỉ đường tới tất cả các loại hình dịch vụ trên cả nước (từ quán ăn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, các điểm đặt máy ATM...).

Vinagame đã hợp tác với công ty Liquiline trong một dự án xây dựng mạng cộng đồng  kiểu MySpace và YouTube, thuần Việt dành cho các bạn trẻ.

Trong những ngày gần đây, Vinagame tiếp xục gây xôn xao giới trẻ bằng chương trình tìm kiếm nhạc http://mp3.zing.vn. Ngoài ra, còn một số dự án đang nằm trong vòng bí mật của Vinagame với dự kiến đầu tư hàng tỷ đồng.

Công ty FPT Online cho biết sắp khai trương cổng thông tin Gate.vn với hy vọng sẽ thu hút hàng triệu thành viên trong những tháng đầu ra mắt. Tương tự các cổng trực tuyến khác, Gate sẽ không chỉ là một kho thông tin mà còn cung cấp các dịch vụ tiện ích khác như: tìm kiếm, e-mail, câu lạc bộ, game, lưu trữ hình ảnh...

Nhanh chân hơn các đối thủ trong nước khác, Vegasoft, chủ nhân của website chia sẻ video trực tuyến http://www.clip.vn/ đã sớm được quỹ Đầu Tư Mạo Hiểm IDG Ventures quan tâm trong mục tiêu phát triển phần mềm và dịch vụ trực tuyến. Website này đang phục vụ 10.000 người tại cùng một thời điểm, với gần 30.000 thành viên và hơn 23.000 clip; là một trong 100 website hàng đầu VN có số người ghé thăm nhiều nhất theo đánh giá của Alexa.com.

Không chỉ có vậy, các nguồn tin tin cậy khác cũng cho biết, chạy đua xây dựng các mạng cộng đồng hay các xa lộ thông tin trên Internet còn có sự góp mặt khá “kín đáo” của các công ty như Vincom, VTC.... Các công ty này đang gấp rút hoàn thiện công nghệ và liên kết đầu tư để ra mắt trong dịp cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

(Theo TTO) 


Bình luận

  • TTCN (0)