Hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc thu thuế các hình thức kinh doanh qua mạng. Trong ảnh: Khách hàng lựa chọn hàng hóa trên một trang web.

Chị Trần Thị Thanh T., kinh doanh ngành khách sạn du lịch cho biết, chị có tài khoản trên Facebook để thông báo đến bạn bè, những người quen biết có cơ hội mua được vé máy bay giá rẻ hoặc thông tin về các resort, khách sạn đang có chương trình khuyến mãi, giảm giá. Khi chọn được khách sạn hoặc vé máy bay giá rẻ, khách hàng chỉ giao dịch qua Facebook, điện thoại và trả bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Gần đây, nghe thông tin về việc phải đóng thuế khi bán hàng trên mạng, chị rất phân vân.

Tương tự, chị Nguyễn Hồng Hoa, nhân viên kinh doanh công ty chuyên về bán hàng trang trí nội thất cho hay, công ty có kí hợp đồng với trang mạng VG ba tháng là 3,3 triệu đồng. Khi khách hàng đặt hàng qua điện thoại, qua mạng, có thể thanh toán bằng chuyển khoản, tiền mặt và công ty xuất hóa đơn, nếu khách hàng yêu cầu. Nghĩa vụ thuế nhà nước được thực hiện đầy đủ. Vậy, nếu tính thuế kinh doanh qua mạng thì công ty sẽ chịu thuế hai lần? - Chị Hoa thắc mắc.

Theo quy định tại Thông tư 47/2014/TT-BCT: Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ, website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ… sẽ phải tiến hành thủ tục đăng kí với Bộ Công thương dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT.

Theo quy định này, những cá nhân đang kinh doanh trên một số trang mạng xã hội lo ngại về việc mình rao bán vài món hàng liệu có phải đóng thuế không? Họ có phải đăng kí với cơ quan nhà nước để tiếp tục hoạt động không?...

Đại diện Cục TMĐT và Công nghệ thông tin giải thích, Thông tư số 47 không quy định về việc nộp thuế của người bán hàng trên mạng xã hội. Trong khi đó, theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT có quy định “người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”. Do đó, mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT thì người bán hàng trên đó cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Một số chuyên gia trong ngành cho biết, vấn đề là Nhà nước quy định về thuế trong trường hợp này như thế nào? Là thuế thu nhập cá nhân hay thuế thu nhập doanh nghiệp? Những người bán hàng trên mạng nhưng không có mã số thuế thì sao?...

Theo báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2013, khoảng 73% số người sử dụng Internet tại Việt Nam truy cập vào các diễn đàn, mạng xã hội. Kết quả khảo sát cho thấy, 45% số người sử dụng Internet có tham gia mua sắm qua các mạng xã hội. Con số này dự báo có xu hướng tăng trong thời gian tới. Nắm bắt được trào lưu trên, ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng thông qua mạng xã hội nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả tiếp cận khách hàng mục tiêu.

Về bản chất và phương thức tổ chức, hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội cũng giống với hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT. Do vậy, Thông tư số 47 làm rõ hơn quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, yêu cầu các mạng xã hội có hoạt động theo hình thức sàn giao dịch TMĐT phải đăng kí với Bộ Công thương và tuân thủ các quy định liên quan tới sàn giao dịch TMĐT tại Nghị định này.

Thông tin từ Cục TMĐT và Công nghệ thông tin cho biết, nếu chủ mạng xã hội nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam thông qua văn phòng đại diện hoặc có tên miền “.vn” thì thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 52. Theo Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, đến ngày 20/1/2015, khi Thông tư số 47 có hiệu lực, các mạng xã hội chưa đăng kí với Bộ Công thương sẽ bị xử phạt từ 40 đến 60 triệu đồng về việc thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT khi chưa được xác nhận đăng kí theo quy định…




Bình luận

  • TTCN (0)