Nhà vật lí học Charles Townes phát biểu trong một diễn đàn tại Doha, Qatar, năm 2008. Ảnh: Reuters.

Theo thông báo của Đại học California tại Berkeley, nhà vật lí học người Mỹ Charles Townes qua đời hôm 27/1 trên đường đến bệnh viện. Tình trạng sức khỏe trước đó của ông không ổn định.

"Ông là một trong những nhà vật lí thực nghiệm quan trọng nhất trong thế kỉ qua", Reinhard Genzel, giám đốc Viện Vật lí Max Planck, nói. Với vai trò giáo sư danh dự tại Berkeley, Townes là thành viên của bộ môn vật lí và Phòng thí Nghiệm Khoa học vũ trụ trong gần 50 năm.

Charles Townes sinh ngày 28/7/1915 tại bang Nam Carolina. Mùa xuân năm 1951, khi đang ngồi trong công viên, nhà nghiên cứu nảy ra ý tưởng làm thế nào để tạo ra một chùm bước sóng ngắn. Điều đó đã thôi thúc ông cùng các đồng nghiệp tạo ra một thiết bị gọi là maser, khuếch đại vi sóng (sóng vi ba) bằng phát xạ kích thích, vào năm 1954.

4 năm sau đó, ông cùng người anh rể là Arthur Schawlow nhen nhóm ý tưởng tạo ra biến thể của phát minh đó, nhằm khuếch đại một chùm ánh sáng quang học, thay vì năng lượng sóng vi ba. Phòng thí nghiệm Bell đã cấp bằng sáng chế cho ý tưởng mới, hay chính là laser.

Năm 1964, Townes nhận giải Nobel trong lĩnh vực Vật lí với nghiên cứu của ông cùng hai nhà khoa học người Nga là Aleksandr Prokhorov và Nicolai Basov, những người đã đưa ra ý tưởng độc lập về maser.

Townes là người đi tiên phong trong việc sử dụng maser và laser trong lĩnh vực thiên văn học. Ngày nay, phát minh của ông cùng các đồng nghiệp có ứng dụng quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, y tế, viễn thông...

Theo VnExpress.




Bình luận

  • TTCN (0)