Vertu thực chất là một món hàng xa xỉ. Trong ảnh là Vertu Aster chạy Android KitKat có giá từ 145 triệu đồng.

"Đánh" vào tâm lí của một bộ phận người tiêu dùng thích sản phẩm được mệnh danh là "sang" nhưng không có điều kiện để mua một chiếc Vertu chính hãng, nhiều cửa hàng đã nhập máy Vertu nhái ở các mức độ khác nhau vào bán. Phần lớn mặt hàng này xuất xứ từ Trung Quốc, có loại giá rất rẻ, chỉ 1 đến 2 triệu đồng, nhưng cũng có loại giá tới 20 triệu đồng.

Ảnh
Điện thoại Vertu dòng Signature được rao bán trên các diễn đàn với chiêu giảm giá từ 21 đến 70%.

Chủ một cửa hàng trên đường Thụy Khuê, Hà Nội, cho biết, để phục vụ Tết cửa hàng đã nhập một loạt máy Vertu nhái với các mức giá khác nhau. Thấp nhất là dòng Lamborghini hay Ferrari giá chỉ 1-2 triệu đồng. Cao hơn chút là Sign S giá từ 4 đến 6 triệu đồng. Các máy này được giới thiệu là "copy nguyên bản, sao thủ công bằng tay bởi nghệ nhân người Anh". Tất cả đều nguyên hộp với đầy đủ phụ kiện, và "bảo hành đổi trả 6 tháng". Trong khi đó, Vertu Ascent ra mắt từ năm 2010 nay đã không còn hàng chính hãng. Giá tại thời điểm cách đây 5 năm của sản phẩm này đã là 118 đến 164 triệu đồng.

Chủ hàng trên cho hay, khách mua máy Vertu dạng này thuộc mọi phân khúc, sinh viên, người làm ăn, thậm chí hàng chuyển về các tỉnh lân cận Hà Nội và TP HCM cũng rất nhiều. Nhiều nơi bán còn lập hẳn trang web và mua quảng cáo trên Facebook để gia tăng quy mô, sử dụng hình ảnh của máy Vertu chính hãng để quảng cáo. Lời đảm bảo "bảo hành một đổi một" và chiêu quảng cáo "nhận hàng trước trả tiền sau" khiến nhiều người dùng tưởng nhầm sản phẩm thật, nhất là những khách hàng ở tỉnh không có điều kiện phân biệt hàng thật và hàng giả.

Vertu nhái có ruột máy là ruột điện thoại Nokia các đời trước, thân máy cũng được bọc da và hộp đầy đủ phụ kiện. Phần lớn nhái lại các dòng nổi tiếng từ xưa như Signature, Ascent.

Trong bài tư vấn "Điện thoại Vertu S307 Gold giá 1,4 triệu đồng, có nên mua không?", độc giả có tên Minh Vu bình luận: "Vertu này mình từng sử dụng rồi. Trông rất rẻ tiền. Bị lỗi micro thu âm kém, nút bấm rất dở". Còn độc giả Võ Trường Phong nhận xét rằng: "Chất lượng dởm, dùng một thời gian ngắn là bong tróc lớp sơn 'mạ vàng' ngay". Theo độc giả Đàm Anh Khoa, nếu là sinh viên thì mua các dòng smartphone phổ thông thích hợp hơn là mấy máy Vertu dởm của Trung Quốc.

Cùng với Mobiado, Vertu là hai thương hiệu điện thoại hạng sang với giá bán xa xỉ lên tới cả trăm triệu đồng và được nhiều người biết đến. Trước đó, thương hiệu Vertu do Nokia quản lí nhưng hiện giờ được chuyển giao lại cho một công ty của châu Âu. Thiết kế sang trọng, chất liệu đắt tiền, lắp ráp thủ công tỉ mỉ hoặc từ các dây chuyền hiện đại là điểm nổi bật trên dòng điện thoại này. Tại Việt Nam, Vertu được phân phối chính thức từ năm 2006 đến nay.

Đại diện nhà phân phối chính thức của Vertu tại Việt Nam, bà Trần Ngọc Tuyển, cho biết: "Một số sản phẩm cổ điển của Vertu mặc định sẽ không có ngôn ngữ Tiếng Việt, không có 2 sim, hoặc một số mẫu sẽ không có thẻ nhớ, nhưng hàng nhái sẽ có". Với các sản phẩm làm giả, người dùng có thể dễ dàng phân biệt bằng mắt thường bởi ngoài giá tiền rất thấp, các máy này "có chất liệu thô ráp, không tinh xảo, phần mềm, phông chữ, phím chuyên dụng của Vertu đều khác với sản phẩm thật".

Đắt tiền và thuộc dòng sản phẩm cao cấp, nhưng phần lớn các điện thoại Vertu đều được tập trung vào các tính năng cơ bản, như liên lạc, nhắn tin hay chụp hình, nghe nhạc chứ không chạy theo "phong trào" như độ phân giải máy ảnh cao hay chip xử lí mạnh. Vì vậy, đây là dòng sản phẩm dễ bị làm giả và làm nhái. Gần đây, một số model đời mới của Vertu mới bắt đầu được trang bị hệ điều hành Android. Chúng có giá đắt từ trăm triệu đồng trở lên và hiếm gặp hàng nhái hơn.

Theo Số Hoá.




Bình luận

  • TTCN (0)