Bản đồ Baidu có chứa đường lưỡi bò vi phạm chủ quyền của Việt Nam

Phát hiện điện thoại xách tay có thông tin vi phạm chủ quyền

Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM cho biết phát hiện có điện thoại trên thị trường cài đặt sẵn phần mềm bản đồ đường lưỡi bò, vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Hôm 7/6, nhà phân phối Digiworld đã chủ động mời cơ quan chức năng xuống kho hàng của mình và ra thị trường để tìm hiểu về điện thoại Xiaomi có cài đặt sẵn bản đồ này hay không.

Biên bản làm việc do Digiworld cung cấp, với đoàn kiểm tra là đại diện Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM, Phòng cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế và tham nhũng CA TP.HCM và đại diện Digiworld cho thấy cả 7 smartphone Xiaomi tại kho Digiworld không có bản đồ đường lưỡi bò. Ra thị trường, kiểm tra ngẫu nhiên một điện thoại Xiaomi Redmi Note 4 dán tem Digiworld cũng không phát hiện bản đồ đã nói. Trong khi đó, một chiếc Xiaomi Redmi Note 4 khác hàng xách tay bị phát hiện chứa bản đồ Baidu, trong đó có đường lưỡi bò vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM cảnh báo các cửa hàng không nên kinh doanh điện thoại có chứa thông tin vi phạm chủ quyền quốc gia, cụ thể là smartphone cài sẵn bản đồ chứa đường lưỡi bò như trên.

Theo tìm hiểu, không chỉ Xiaomi và các hãng điện thoại Trung Quốc, mà ngay cả điện thoại một số thương hiệu khác khi bán ra tại thị trường Trung Quốc đều phải cài đặt phần mềm bản đồ Baidu, do tại Trung Quốc các ứng dụng của Google (có bản đồ Google Maps thường dùng) không được sử dụng. Tại Trung Quốc, ngoài các ứng dụng Google, ứng dụng Facebook hay Linkedin cũng đều bị chặn.

Đối với sản phẩm bán ở ngoài thị trường Trung Quốc, các hãng đều cài đặt bản ROM quốc tế, phù hợp với từng thị trường cụ thể. Do đó những sản phẩm chính hãng chỉ định phân phối tại Việt Nam sẽ dùng phiên bản phần mềm quốc tế, tránh được thông tin vi phạm bản đồ như trên. Hàng xách tay khi bán trong nước nếu vẫn giữ bản ROM Trung Quốc có thể sẽ chứa thông tin vi phạm chủ quyền.

Không những vậy, việc không dùng bản ROM quốc tế có thể gây xung đột phần mềm khi cài đặt các ứng dụng bên ngoài Trung Quốc, khiến máy chạy không ổn định. Tệ hơn, do hàng xách tay được nhập qua đường tiểu ngạch, không được chứng nhận hợp quy, do đó điện thoại có thể bị bên thứ ba cài đặt phần mềm có hại cho người sử dụng. Do đó người dùng được khuyên mua hàng chính hãng phiên bản dành cho thị trường quốc tế.

Thế nào là hàng chính hãng?

Trước đây, việc phân biệt hàng chính hãng và xách tay khá rõ ràng. Hàng chính hãng là sản phẩm do một hãng cung cấp cho nhà phân phối được ủy quyền chính thức tại Việt Nam bán ra. Chẳng hạn, điện thoại Nokia hiện nay do hai nhà phân phối FPT Trading và Lucky phân phối chính thức, do đó sản phẩm không có tem của hai nhà phân phối này được xem như hàng không chính hãng.

Tuy nhiên gần đây khái niệm chính hãng không còn được phân định rạch ròi như trên. Giả sử một người mua điện thoại Nokia từ Singapore về Việt Nam thì đó chắc chắn là hàng xách tay. Hoặc một nhà buôn mua một lô hàng điện thoại Nokia từ nước ngoài, nhập lậu về Việt Nam rồi bán ra cho các cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài, thì chắc chắn là hàng xách tay. Tuy nhiên nếu một nhà phân phối cũng nhập điện thoại Nokia về, có giấy tờ hải quan đàng hoàng, nộp thuế đúng nghĩa vụ, thì cũng tự gọi mình đang bán hàng chính hãng, dù họ không được đại diện thương hiệu Nokia tại Việt Nam chỉ định phân phối.

Các nhà phân phối theo hình thức nói trên lấy lí do nhập hàng từ kho Nokia ở thị trường quốc tế, có giấy tờ đầy đủ, chính sách bảo hành đàng hoàng, thì chắc chắn họ đang bán hàng chính hãng. Trong khi đó, những nhà phân phối do Nokia ủy quyền chắc chắn không nghĩ như vậy, vì chỉ có những nhà phân phối được hãng ủy quyền mới gọi là phân phối hàng chính hãng.

Câu chuyện phân phối điện thoại Oppo lùm xùm trước đây là ví dụ. Thời điểm tháng 4 năm ngoái, FPT Trading nhập điện thoại Oppo về bán nhưng không thông qua nhà phân phối chính thức Oppo tại Việt Nam, do đó đã gây ra tranh cãi giữa đôi bên. Cuối cùng FPT Trading đã không bán điện thoại Oppo nữa. Hoặc gần đây nhiều cửa hàng lớn bán điện thoại Apple tại Việt Nam nhưng không có mã VN/A (sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam) đã bị người dùng phản ứng. Người mua đặt vấn đề tại sao gọi iPhone chính hãng nhưng điện thoại lại không phải của thị trường Việt Nam mà của thị trường khác.

Nhà phân phối Digiworld cũng lên tiếng cho rằng, công ty đang là nhà phân phối duy nhất sản phẩm Xiaomi tại thị trường Việt Nam, do đó chỉ sản phẩm do công ty phân phối, dán tem Digiworld mới là hàng Xiaomi chính hãng. Chẳng hạn có trường hợp người dùng mua pin dự phòng Xiaomi nhưng khi sạc làm cho điện thoại bị nóng lên, do đó mang đến Digiworld để được bảo hành hay đổi mới (theo chính sách của hãng) nhưng không được đáp ứng. Do người này mua pin ở nơi cũng gọi là bán hàng chính hãng, nhưng lại không dán tem do Digiworld phân phối.

Ảnh
Một chiếc Xiaomi Radmi Note 4 dán tem Digiworld.

Khái niệm sản phẩm chính hãng hay xách tay từ những ví dụ trên cho thấy đang có những mập mờ. Tuy vậy rất khó để nói chuyện đúng/sai rõ ràng giữa một bên bán hàng chính hãng do hãng ủy quyền, một bên nhập trực tiếp từ hãng ở nước ngoài và có giấy tờ chứng minh đầy đủ, nộp thuế đàng hoàng, bảo hành rõ ràng, vì khái niệm “chính hãng” cũng chỉ là một cách nói, không quy định rõ ràng trong luật. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, chỉ có hàng được hãng ủy quyền cho nhà phân phối chính thức thì mới được hãng áp dụng các chính sách dành cho thị trường Việt Nam (như đổi mới pin Xiaomi chẳng hạn), hoặc ít nhất là ưu tiên hàng dành cho thị trường Việt Nam trước (trong trường hợp sửa chữa, bảo hành).

Ở góc độ người dùng, dù mua sản phẩm gì cũng nên xem xét chất lượng sản phẩm, chế độ bảo hành, tính chính quy không vi phạm pháp luật của sản phẩm, thêm vào đó là những hỗ trợ từ hãng,… đồng thời tránh các trường hợp mua phải sản phẩm có thông tin vi phạm chủ quyền như trường hợp điện thoại Xiaomi hàng xách tay như trong bài này.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)