Mẫu TV OLED 11 inch của Sony.

Công nghệ diode phát sáng hữu cơ hứa hẹn sẽ mang đến chất lượng hình ảnh và khả năng tiết kiệm điện hiệu quả cho TV. Sony tuyên bố sẽ là công ty đầu tiên đưa ra thị trường một sản phẩm như thế.


Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng đã nghe nói về tiềm năng của TV OLED. Sony, Samsung và Seiko Epson cũng đã trình diễn một số mẫu thiết bị mô phỏng.

"Tính đến thời điểm này, TV OLED chưa tồn tại dưới dạng thương phẩm. Nó được trưng bày trong các triển lãm nhưng chưa ai có thể mua", Lawrence Gasman, một chuyên gia phân tích của hãng Nano Markets (Mỹ), nói.

Câu hỏi hiện nay là khi nào các nhà sản xuất mới thực sự bán loại TV này và người tiêu dùng bình dân có đủ khả năng sở hữu chúng. Mới đây, Sony khẳng định sẽ trình làng các sản phẩm 11 - 27 inch vào năm tới và giới chuyên môn dự đoán giá mặt hàng đó phải tầm 800 USD - 1 000 USD. Toshiba cũng dự kiến bán màn hình OLED 30 inch trong năm 2009.

Ảnh
Sony trưng bày màn hình OLED tại triển lãm CES ở Las Vegas (Mỹ) đầu năm nay.

Tuy nhiên, chuyên gia Riddhi Patel của hãng nghiên cứu iSuppli nhận định bất cứ công nghệ nào có mặt trên thị trường cũng sẽ phải vất vả mới có thể đạt được vị trí của LCD và plasma hiện nay.

Không như màn hình phẳng là công nghệ hoàn toàn mới so với bóng đèn hình CRT, OLED chỉ là sự thay đổi một vài thành tố cũng như quá trình sản xuất tấm nền LCD. Do không hẳn là kỹ thuật mới mẻ, nó sẽ cần thời gian để chinh phục người tiêu dùng, nhất là khi giá sản phẩm quá cao.

Ảnh
Màn hình OLED được dùng trong điện thoại và các thiết bị di động. Do không dùng đèn nền, nó tương đối mỏng và có thể uốn cong.

Một cản trở khác là độ ổn định. Chất liệu hữu cơ trong OLED sẽ cần cải tiến thêm trước khi được đưa ra thị trường. Màn hình OLED hiện được trang bị cho điện thoại di động có tuổi thọ 5 000 - 10 000 giờ trong khi nhà sản xuất TV cần nó hoạt động ổn định trong ít nhất 30 000 - 50 000 giờ.

Ngoài ra, giá cả cũng là một vấn đề lớn. Với tốc độ giảm giá của TV LCD cùng cơ hội thưởng thức hình ảnh có độ phân giải cao trên màn hình lớn hiện nay, OLED sẽ khó nằm trong danh sách mua hàng của người sử dụng bình dân.

Trong khi đó, Nano Markets vẫn tin tưởng thị trường TV OLED sẽ mở rộng trong năm tới với doanh thu 42 triệu USD, năm tiếp theo sẽ là 436 triệu USD và 1,2 tỷ USD vào 2010.

Một số công nghệ TV phổ biến hiện nay:

CRT (cathode-ray tube): TV sử dụng công nghệ bóng đèn hình là hệ thống có giá thấp nhất trên thị trường và thường có kích cỡ dưới 40 inch. Các chùm electron được điều biến để hiển thị hình ảnh trên màn hình với tốc độ refresh (số lần chiếu sáng trong một giây) là 29,7 Hz.

RPTV (rear projection): Đa số các sản phẩm trên 100 inch sử dụng công nghệ chiếu sau. Loại TV này được thương mại hóa từ những năm 70 nhưng chất lượng hình ảnh thời đó không sắc nét như CRT. Màn hình RP phù hợp để lắp đặt tại các khu vực có ánh sáng yếu.

Màn hình phẳng (LCD và plasma): Màn hình plasma và tinh thể lỏng chỉ mỏng khoảng 24,5 mm nên có thể treo trên tường như một bức tranh cỡ lớn. Chúng có góc rộng (160 độ) do đó sẽ là lựa chọn thích hợp cho người sử dụng khi cần thiết lập một hệ thống giải trí gia đình. 

OLED (organic light-emitting diode): Trong công nghệ OLED, các màng hữu cơ mỏng có khả thể sản sinh ánh sáng khi dòng diện chạy qua. TV OLED được cấu thành từ ít bộ phận hơn so với LCD. Bên cạnh đó, nó không cần đèn nền nên có kiểu dáng mỏng tiêu thụ ít điện năng.

(theo Dân trí) 




Bình luận

  • TTCN (0)