Các nhân vật như Bill Gates, Steve Jobs, Larry Ellison... đã biến nhiều công nghệ còn trong trứng nước trở thành hiện thực và xây dựng nên những công ty lớn với khả năng thay đổi cả thị trường.
Bill Gates (Microsoft) đứng đầu danh sách không phải vì ông nhiều năm là người giàu nhất thế giới. Ông cũng không là chuyên gia lập trình tài ba hay có tầm nhìn xa nhưng Gates đã khiến thế giới phải thừa nhận Microsoft là công ty đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong lĩnh vực phần mềm với nhiều sản phẩm chiếm lĩnh thị trường và khả năng đón đầu xu hướng công nghệ.
Steve Jobs (Apple) từ thập niên 70 đã tin rằng máy tính sẽ phổ biến trong các gia đình. Đóng góp lớn nhất của Jobs chính là sự hiện diện tại Apple. Công ty này liên tục gặp sóng gió trong thời gian ông vắng mặt và chỉ một năm sau khi Jobs quay lại, Apple lại trở về thời hưng thịnh. Tuy nhiên, điều đó khiến giới phân tích lo ngại bởi Apple dường như không có người thay thế. Tin đồn CEO của "Quả táo" bị bệnh tim vừa qua khiến cổ phiếu công ty này sụt giảm bởi ông đã truyền cảm hứng vào trong mỗi sản phẩm và là hình tượng mà nhiều người tôn thờ.
Larry Ellison (Oracle) luôn nổi bật cả trong và ngoài phòng họp nhờ sự thông minh, phong cách nổi loạn và khả năng lãnh đạo bậc thầy. Được coi là một "chiến binh ồn ào trên thương trường", Ellison không chỉ tạo ra một trong những công ty mạnh nhất giới công nghệ mà còn sở hữu nhiều máy bay quân sự, xe thể thao và các khu đất có giá trị. Ông cũng gây ngạc nhiên khi tặng các khoản tiền lớn cho các tổ chức từ thiện mỗi năm.
Gordon Moore (Intel) khá giống Bill Gates trong việc điều hành công ty mà ông đồng sáng lập khi luôn muốn sản phẩm của mình trở thành "chuẩn". Do đó, ông đảm bảo mỗi bộ vi xử lý ra đời phải có sự khởi đầu hoàn hảo, tránh mọi vấn đề tương thích để người ta không có lý do phải tìm đến chip của các công ty khác. Tuy nhiên, ông được biết đến nhiều hơn với định luật Moore - kim chỉ nam của ngành công nghiệp sản xuất chip - rằng: số transistor trên mỗi inch vuông (6,45 cm2) sẽ tăng gấp đôi sau mỗi năm.
Frank Cary (IBM) được ít người biết đến nhưng những gì ông đóng góp lại ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống con người. Đứng đầu IBM từ 1973 đến 1981, ông biến cỗ máy tính khổng lồ thành những sản phẩm nhỏ nhắn. Thời đó, nhân viên của IBM mặc áo khoác xám, sơ mi trắng và luôn làm việc trong phòng một cách kỷ luật. Nhưng Cary yêu cầu một nhóm kỹ sư ra ngoài và xây dựng máy tính và ông không quan tâm họ làm gì trong thời gian đó. IBM PC, ra đời tháng 8/1981, đã nhanh chóng chiếm ngôi đầu của Apple PC. Ông mất ngày 1/1/2006.
Michael Dell (Dell Computers) thành lập công ty khi còn đang học đại học với phương pháp sản xuất máy tính theo đơn đặt hàng và trở thành hãng PC lớn nhất hành tinh. Năm 2007, ông được gọi trở lại khi công ty này đánh mất vị trị số một vào tay HP. Khi ông lần đầu bước vào phòng họp sau nhiều năm vắng mặt, toàn bộ nhân viên cảm thấy họ sẽ sớm phát triển mạnh trở lại. Đó chính là tố chất của một giám đốc lớn: Người có thể truyền cảm hứng cho công ty đơn giản chỉ bằng sự hiện diện của mình.
William Hewlett và David Packard (HP) được coi là những người tạo ra thung lũng Silicon còn HP hiện là hãng công nghệ lớn nhất thế giới nhờ nguyên tắc: "Tôn trọng cá nhân, đề cao chất lượng và độ tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng cùng tầm nhìn rằng công ty tồn tại để đóng góp cho sự tiến bộ và phúc lợi của con người". William Hewlett mất năm 2001.
John Chambers (Cisco Systems) lãnh đạo công ty thiết bị mạng từ năm 1995 và trong vòng 10 năm đã biến nó thành một trong những tập đoàn lớn ở Silicon Valley. Một phần thành công là nhờ sự bùng nổ của Internet nhưng vai trò của Chambers cũng được đánh giá cao với tôn chỉ "nếu không thể đánh bại, hãy mua lại họ" (if you can't beat 'em, buy 'em).
Meg Whitman (eBay) đã làm được điều mà nhiều CEO khác không thực hiện được: giúp công ty tồn tại và thu lợi nhuận trong thời kỳ khủng hoảng dotcom. Suốt 10 năm lãnh đạo (từ 1998), chưa bao giờ eBay bị thua lỗ và công ty đấu giá trực tuyến nhỏ bé ngày nào hiện thu hút hơn 200 triệu người sử dụng. Bà cũng nằm trong số ít những phụ nữ IT thành công nhất thế giới.
Marc Benioff (Salesforce.com): Khi Benioff tuyên bố rời khỏi Oracle vào năm 2000 để thành lập công ty cung cấp dịch vụ CRM hoạt động trên web, Larry Ellison không những chúc mừng ông mà còn đề nghị đầu tư cho công ty đó. Một số hãng như SAP từng chế giễu mô hình SaaS (phần mềm như một dịch vụ) của Salesforce.com thì nay cũng phải cho ra mắt sản phẩm tương tự.
(Theo Vnexpress/VNUNet)
Bình luận
Phần về Frank Cary (IBM) bị nhầm thời gian. Check it!
Thanks. Cary không thể làm CEO trong hơn 100 năm được