Game Việt trải qua một năm đầy khó khăn

"Nóng" trong quản lý, hàng loạt game thi nhau "khai tử", nhiều dự án game Việt lộ diện… đó chính là những điểm đáng chú ý của thị trường game online Việt Nam trong năm 2010.

Vấn đề quản lý game online

Sau 6 năm phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, game online cuối cùng cũng đã vấp phải "hòn đá tảng", khi nó bị lên án và đẩy lên thành một vấn đề nóng của xã hội với những quy kết như "gây nghiện", tuyên truyền "bạo lực"… Từ đó, Bộ TT&TT đã đưa ra hàng loạt các giải pháp tình thế, như ngừng cấp phép game online ở nửa cuối năm 2010, doanh nghiệp không được quảng bá game online và phải ngừng cung cấp game online đến đại lý Internet từ 22h đêm đến 8 giờ sáng…

Ở một số địa phương như Sở TT&TT TPHCM, đã yêu cầu các doanh nghiệp phải loại bỏ các tính năng đối kháng mà họ cho là "bạo lực" trong game, kê khai việc bán vật phẩm trong game... Chính những vấn đề trên, game online trong năm 2010 đã có chiều hướng đi xuống, thị trường "ảm đạm" và nhà phát hành bị tổn thất nặng nề. Điều đáng nói thêm nữa là mặc dù quy chế game online mới đã được Bộ TT&TT trình lên chính phủ, nhưng đến bây giờ vẫn chưa được ban hành khiến cho doanh nghiệp đã khó lại càng khó hơn.

Game online thi nhau đóng cửa

Chỉ tính riêng trong năm 2010, số lượng 20 game online được các nhà phát hành tuyên bố khai tử đã bằng số lượng game đóng cửa của 6 năm trước cộng lại. Bên cạnh việc VNG và FPT Online phải ngừng cung cấp game bắn súng (MMOFPS) của mình đang phát hành là Biệt Đội Thần Tốc và Đặc Nhiệm Anh Hùng, theo yêu cầu của cơ quan chức năng, thì hầu hết các game online khác đóng cửa nguyên nhân chính là do hoạt động không hiệu quả, trong đó có những game hầu như không còn người chơi như Tỉ Phú, Cỗ Máy Thời Gian, của nhà phát hành Asiasoft. Hay một số game hoạt động không hiệu quả phải đóng cửa sau thời gian ngắn như Linh Thạch của VDC - Net2e, đóng cửa ngay đang trong giai đoạn thử nghiệm, VTC Game đóng cửa BoomSpeed chỉ sau hơn 1 năm hoạt động...

Nhiều dự án game Việt "lộ diện"

Sau thành công của game Việt do VNG phát triển là Thuận Thiên Kiếm, trong năm 2010 cũng đánh dấu sự phát triển của game Việt khi nhiều dự án khác bắt đầu lộ diện. Điển hình nhất là dự án game SQUAD của VTC Game, một game thuộc thể loại bắn súng và đã được nhà phát hành này cho game thủ thử nghiệm trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, hàng loạt dự án game Việt khác cũng được tiết lộ như, Jay Online, Tank Online, GVP Online và Đồ Long Online. Hay VNG, VTC Game vẫn đang phát triển các dự án game khác của mình, trong đó có cả game online 3D, FPT Online phát triển game Casual….

Đột Kích bị chặn tại TPHCM

Sau khi VNG và FPT Online buộc phải đóng cửa các game bắn súng của mình, Đột Kích của VTC Game là game bắn súng duy nhất còn tồn tại trên thị trường mà game thủ có thể tham gia chơi. Tuy nhiên, không bị đóng cửa nhưng Đột Kích cũng gặp phải trở ngại lớn khi Sở TT&TT TPHCM đã chặn game tại thị trường TPHCM. Theo đó, phía Sở đã yêu cầu VTC Game và các ISP tại TPHCM đưa ra các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn không cho game thủ ở TPHCM chơi game online này, việc chặn game đã gây ra thiệt hại không nhỏ cho nhà phát hành.

VNG và FPT Online tranh nhau tên game Thần Võ

Cuối tháng 4/2010, FPT Online và VNG gây xôn xao dư luận làng game khi tuyên bố, mình độc quyền phát hành game có tên gọi là Thần Võ tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thì 2 game này có nội dung hoàn toàn khác nhau và VNG mặc dù có nhiều lợi thế hơn trong cuộc đua dành tên gọi trên, tuy nhiên để tránh cản trở cho việc ra game của mình như kế hoạch đã đổi tên game lại là Tinh Võ. Có điều, tranh giành nhau như thế, nhưng cả 2 game của 2 nhà phát hành đều không mấy thành công trên thị trường.

VTC Game đẩy mạnh phát hành game ở nước ngoài

Sau thành công của Linh Vương ở thị trường Hàn Quốc, trong năm 2010, VTC Game tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng thị trường ra nước ngoài của mình. Họ đã đưa Audition qua Lào, Campuchia, đưa Tây Du Ký qua Indonesia và thị trường Mỹ… ngoài ra còn đẩy mạnh ở các thị trường như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… bước đầu VTC Game đã gặt hái được thành công và theo đại diện nhà phát hành cho biết, họ sẽ phấn đấu đưa doanh thu từ việc kinh doanh game ở nước ngoài bằng với doanh thu ở thị trường game nội địa.

Đại gia bỏ tiền tỷ vào game online

Mặc dù trong năm 2010, game online nóng vấn đề về quản lý và nhiều game thi nhau đóng cửa, hoàn toàn chưa có những sự đảm bảo nào về tài sản ảo... nhưng trong năm qua có rất nhiều game thủ vẫn không "ngần ngại" vất tiền tỉ vào chơi game. Nổi trội nhất là trường hợp của đại gia BeoKaKa trong Kiếm Thế, khi bỏ ra gần 2 tỷ đồng để leo lên ngôi vị cao nhất trong bảng xếp hạng trong game. Sau khi bỏ tiền tỷ vào game, đại gia này tiếp tục gây sốc khi tuyên bố bán lại tài khoản game với giá 550 triệu, nhưng cuối cùng cũng chẳng ai mua và anh ta vẫn cầm tài khoản game "tiền tỷ" chu du trong Kiếm Thế.

Ngoài ra thị trường game online trong nước trong năm qua còn xôn xao với các sự kiện như, VTC Game phát hành Thần Long Huyết Kiếm từ thị trường nước ngoài ngược trở lại Việt Nam, thị trường sôi động với các webgame, nhà phát hành để lộ thông tin về phát hành game "đỉnh" như Cửu Âm Chân Kinh…

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)