Theo thông tin từ Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, qua kiểm tra đột xuất, đoàn thanh tra liên ngành vừa phát hiện hai doanh nghiệp là Công ty TNHH ILA Việt Nam (một cơ sở đào tạo về ngoại ngữ) và Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina (một công ty của Hàn Quốc chuyên sản xuất bánh kẹo) trên địa bàn Quận 1, TP.HCM sử dụng một lượng lớn phần mềm không bản quyền, trong đó chủ yếu là phần mềm của hãng Microsoft.

Giá trị của lượng phần mềm vi phạm bản quyền của ILA Việt Nam tương đương với 53.900 USD (tương đương hơn 1,1 tỉ đồng) và của Orion Vina là 39.950 USD (hơn 838 triệu đồng).

Liên quan đến vụ việc nêu trên, ông Đào Anh Tuấn, Trưởng Đại diện của BSA (Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp) tại Việt Nam đánh giá: Dù trong năm 2014, các cơ quan quản lí đã thực hiện nhiều buổi làm việc, tổ chức hội thảo để tuyên truyền, cảnh báo, thậm chí cả xử phạt các doanh nghiệp sử dụng phần mềm không bản quyền nhằm nâng cao nhận thức về an ninh mạng, tuy nhiên kết quả vẫn chưa khả quan như mong đợi. Tình trạng vi phạm như ILA Việt Nam, Orion Vina vẫn còn tồn tại.

Theo các cơ quan chức năng, 2014 được xem là một năm nhiều biến động với hàng loạt sự kiện về an ninh bảo mật tại Việt Nam khi số website bị tấn công lên tới hàng nghìn do hacker nước ngoài, nhóm tội phạm có tổ chức gây ra với mức thiệt hại nhiều tỉ đồng. Trong đó, việc sử dụng phần mềm không bản quyền được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc lây lan virus và các phần mềm độc hại vào hệ thống máy tính.

Tuy nhiên, dù các cơ quan chức năng như Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam… đã có nhiều hoạt động để nâng cao ý thức an ninh mạng nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp thay đổi được thói quen dùng phần mềm không bản quyền.

Theo thông tin được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đưa ra cuối năm 2014, chỉ số an toàn thông tin của Việt Nam năm 2014 dù tăng nhẹ 1,5% so với năm trước lên mức 39% nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với Hàn Quốc (mức 62%); 45% các doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát đầu tư rất ít (dưới 5% ngân sách) vào các hoạt động CNTT trong khi các chuyên gia an ninh khuyến cáo một khoản đầu tư khoảng 10% ngân sách của doanh nghiệp là hợp lí.

Ngoài ra, Báo cáo An ninh của Microsoft cũng chỉ rõ, Việt Nam là nước bị tấn công bằng mã độc đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Trên một nửa số máy tính mới mua tại Việt Nam đã bị cài sẵn mã độc, trong khi 80% số máy tính tại quốc gia bị lây nhiễm các mã và phần mềm độc hại.

Các con số trên cho thấy các doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ cao về mất an toàn an ninh mạng, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp dường như vẫn thờ ơ với thực trạng đáng báo động này.

“Tôi tin rằng các cơ quan Chính phủ sẽ áp dụng nhiều biện pháp mạnh hơn trong năm 2015 nhằm giảm thiểu tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm và củng cố an ninh mạng tại Việt Nam”, Trưởng Đại diện của BSA tại Việt Nam Đào Anh Tuấn nói.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)