Hai trung tâm này sẽ được vận hành bởi T-Systems, một công ty con của nhà mạng Deutsche Telekom. Cả hai công ty sẽ cùng đóng góp vốn để xây dựng trụ sở này, và T-Systems sẽ là đơn vị sở hữu tòa nhà. Microsoft cho biết chính nhân viên của hãng cũng sẽ không được phép truy cập vào dữ liệu tại đây nếu không được T-Systems cho phép.

Đây là một điểm rất quan trọng, bởi Deutsche Telekom, tuy có hoạt động kinh doanh tại Mỹ, không phải là một công ty Mỹ do đó không cần phải tuân theo các quy định về cung cấp thông tin của chính phủ Mỹ.

Kể từ sau khi cựu nhân viên tình báo Edward Snowden tiết lộ những bí mật về chương trình theo dõi của NSA, chính phủ và công dân các nước ở châu Âu đã tỏ ra thận trọng hơn với sản phẩm từ các công ty Mỹ. Vào tháng Sáu năm nay, một báo cáo đã ước tính các công ty công nghệ Mỹ, chủ yếu là các công ty hoạt động trong lĩnh vực điện toán và lưu trữ đám mây sẽ chịu thiệt hại hơn 35 tỉ USD trong năm 2016 do bị người dùng quay lưng. Đây chính là lí do khiến cho Microsoft và nhiều công ty khác của Mỹ tìm cách liên kết với các cơ sở tại nước ngoài.

Các luật sư của Microsoft đã dành ra gần 2 năm để nghiên cứu chính sách tại Đức, và tin rằng họ có đủ căn cứ pháp lí để đảm bảo an toàn cho những dữ liệu được lưu trữ tại Đức. Một vị quan chức của công ty này cho biết nếu như Microsoft không cung cấp chìa khóa thì chính phủ Mỹ gần như không có khả năng yêu cầu họ phải tiết lộ các dữ liệu. Trước đây, một tòa án tại Mỹ đã từng yêu cầu Microsoft phải cung cấp các dữ liệu lưu trên máy chủ tại Ai Len.

Trung tâm dữ liệu của Microsoft sẽ đi vào hoạt động từ năm sau. Nếu như mô hình này thành công, rất có thể những công ty công nghệ lớn khác như Amazon, IBM và Google sẽ học tập Microsoft.

Theo VnReview.




Bình luận

  • TTCN (0)