Không một ai có thể ngờ được rằng một trong những hiểm hoạ của cả thế giới công nghệ thông tin ngày nay - virus máy tính - lại được sinh ra từ trò đùa tinh quái của một cậu học sinh lớp 9.

Rich Skrenta - người đầu tiên trên thế giới phát tán virus.

Trò đùa vui đã mang lại cho cậu học trò Rich Skrenta danh hiệu “người đầu tiên trên thế giới lập trình và phát tán virus máy tính”. Còn bạn bè của Skrenta trở thành “những nạn nhân đầu tiên của virus máy tính”.

Mặc dù 25 năm đã trôi qua những trong tâm trí “cậu học trò lớp 9 ngày nào” vẫn còn nhớ như in cái khoảnh khắc cậu “ban sự sống và thả con virus Elk Cloner vào thế giới của những chiếc máy vi tính”.

“Đó chỉ là một trò đùa vui không hơn không kém,” Skrenta - giờ đã bước sang tuổi 40 - khẳng định với báo giới trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Nếu được chọn lại, tôi sẽ vẫn chọn được nổi tiếng vì là người đầu tiên trên thế giới lập trình và phát tán virus máy tính. Nhưng bên cạnh đó nó cũng là một việc làm tệ hại nhất mà tôi đã làm”.

Elk Cloner - “ông tổ” virus máy tính hiện đại

Elk Cloner có khả năng nhân bản nhưng lại có rất ít điểm tương đồng so với các dạng mã độc tồn tại trong thế giới máy tính ngày nay. Mặc dù chỉ còn là quá khứ và không hề nguy hiểm nhưng Elk Cloner là dấu hiệu báo động sự xuất hiện của “một đại dịch” lan tràn trên toàn thế giới, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều máy tính được kết nối với nhau thông qua mạng Internet hơn.

Trò đùa của 25 năm trước đây cũng khiến “cậu học trò Skrenta” mất đi sự tin tưởng của bạn bè, nhất là khi cậu thường xuyên đánh tráo những đĩa trò chơi và phần mềm máy tính bằng những chiếc đĩa chứa virus. Khi chiếc đĩa được đưa vào ổ đọc thì thay vì khởi động trò chơi hay phần mềm, nó lại cho hiển thị lên màn hình những lời châm chọc. Rất nhiều người bạn của Skrenta đã từ chối không nhận những chiếc đĩa mà cậu đưa cho họ.

Mục tiêu của Elk Cloner chỉ là chọc tức bạn bè của Skrenta chứ không hề gây hại đến PC như bao loại virus máy tính xuất hiện ngày nay.

Đầu năm 1982, Skrenta bắt đầu cho phát tán rộng virus Elk Cloner trong cộng đồng bạn bè cùng trường và tại một số câu lạc bộ máy tính nơi cậu sinh sống. Nhiều năm trôi qua Skrenta vẫn còn được nghe tin về các nạn nhân mới của Elk Cloner. Thậm chí gần một thập kỷ sau ngày đầu tiên Elk Cloner được phát tán, vẫn còn có người trở thành nạn nhân của con virus này - đó là một anh thuỷ thủ tham gia cuộc chiến vùng Vịnh thứ nhất.

Ngày một nguy hiểm

Cho đến nay dòng họ virus máy tính đã lên tới con số hàng trăm nghìn, hàng triệu. Và sự phát triển của Internet đã tạo ra một con đường phát tán virus máy tính mới. Đó là thư điện tử.

Melissa (1999), Love Bug (2000) và SoBig (2003) là một trong số những virus đầu tiên phát tán qua con đường email bằng cách lừa người dùng nhắp chuột vào tệp tin đính kèm. Chúng thực sự đã gây ra những thiệt hại lớn trên diện rộng nhờ có thêm khả năng tự gửi một bản sao đến các địa chỉ lưu sẵn trên PC bị nhiễm.

Các virus máy tính xuất hiện sau này ngày một nguy hiểm hơn, bên cạnh mục tiêu vô hiệu hoá hệ thống mạng giờ đây virus còn nhắm đến phát huỷ tài liệu dữ liệu.

Ngày nay còn xuất hiện cả những con virus phát tán thông qua tin nhắn tức thời và mạng chia sẻ tập tin ngang hàng. Bên cạnh đó còn một số phát tán thông qua khai thác các lỗ hổng chức năng mạng của hệ điều hành Windows

Richard Ford - giáo sư ngành IT của Viện nghiên cứu công nghệ Florida - cho biết nếu xét trên góc cạnh công nghệ thì virus máy tính ngày nay không khác mấy so với những con virus máy tính đầu tiên trên thế giới. Điểm khác biệt là giữa chúng là khả năng tàn phá và gây thiệt hại.

Mục tiêu của virus hiện đại ngày nay cũng đã rất khác. Thay vì đùa vui, gây thiệt hại trên diện rộng, mang lại tiếng tăm cho tin tặc... giờ đây virus nhắm đến ăn cắp thông tin dữ liệu cá nhân, bắt cóc PC, gửi thư rác... Tất cả đều nhắm về mục tiêu duy nhất là phục vụ động cơ làm lợi tài chính bất hợp pháp của tin tặc. Virus giờ đây không còn phát tán mạnh nữa mà chúng nhắm vào những đối tượng rất cụ thể.

Bên cạnh virus ngày nay còn xuất hiện vô vàn các dạng mã độc khác. Chúng không có khả năng tự nhân bản nhưng lại có thể dễ dàng đột nhập vào PC thông qua con đường dụ người dùng truy cập vào một website độc hại nào đó hoặc lợi dụng lỗ hổng bảo mật phần mềm.

Hãng nghiên cứu IDC cho biết hiện giá trị thị trường phần cứng, phần mềm và dịch vụ bảo mật toàn cầu đã lên tới con số 38 tỉ USD. Dự kiến đến năm 2010 con số này sẽ lên tới 67 tỉ USD.

(theo VnMedia) 




Bình luận

  • TTCN (0)