iPhone 3.0 sẽ phi nước đại trong cuộc chiến OS Smartphone?

Sự xuất hiện của phiên bản iPhone 3.0 như lực đẩy cuộc chiến hệ điều hành trên thiết bị di động thêm căng thẳng. Phải lựa chọn giữa iPhone OS, Android, webOS, Window Mobile, BlackBerry, S60 không phải là việc dễ dàng. Sau đây là cái nhìn chi tiết về sự giống và khác nhau giữa các hệ điều hành trên smartphone phổ biến nhất hiện nay.

Các thông số kĩ thuật cơ bản

Khi nói tới hệ điều hành, trước tiên, phải chú ý tới nhân nền tảng. Ngày nay, rất may mắn, các nhà phát triển và kể cả người dùng có khá nhiều lựa chọn. So sánh giữa các hệ thống cốt yếu xây dựng nên hệ điều hành quả không phải là việc dễ dàng- mỗi đối thủ lại có những điểm khả dụng, nổi trội và “sơ suất” riêng.

Tuy thế, xét ra, trong số các hệ thống nền tảng đang so sánh, khó có thể phủ nhận được kết cấu nền tảng xây dựng iPhone OS thực sự xứng đáng ngôi vương, rất mạnh mẽ và “cường tráng”. Dựa trên OS X, anh em của Unix, iPhone OS tỏ ra tương đối tinh tế và ổn định. Trong khi đó, Android xây dựng trên nền tảng Linux, mặc dù các tính năng cơ bản đều được khuôn đúc theo Java. S60 và Windows Mobile có tuổi đời lâu hơn, nhưng thời gian không đồng nghĩa với “cách mạng”.

Trong khi đó, mới đây RIM đã có những nỗ lực vượt bậc để cải tiến thiết kế và tính năng, hệ điều hành xây dựng trên nền tảng nhân thuộc sở hữu riêng của hãng vẫn còn đôi chút xấu xí khi “khăng khăng” nằm dưới “bảo trợ” của Java.

Ảnh

Giao diện người dùng

Xét tiêu chí giao diện người dùng, Apple là đối thủ “gân guốc” nhất. Với khả năng điều khiển bằng cử động, hiển thị danh sách theo quán tính, các nút trượt, phím đa chạm cảm ứng thân thiện, iPhone OS giành được rất nhiều tán dương ở khả năng điều hướng. Trong khi đó, Android vay mượn một số tính năng tương tự từ đối thủ, nhưng giao diện người dùng của nền tảng mở này vẫn còn thua xa, chưa thể theo kịp người tiền nhiệm (cho dù Android Cupcake đã có một vài cải tiến được hoan nghênh).

Một vài năm qua, Windows Mobile và BlackBerry OS cũng đã giành được chút ít danh tiếng, nhưng hai tên tuổi này vẫn còn rất nhiều thiếu khuyến cố hữu, rõ nhất là khi người dùng mới bắt đầu sử dụng chúng (đặc biệt là với phiên bản Storm 4.7 mở rộng), trong khi đó, S60 còn một chặng đường rất dài trước khi có thể tăng tốc cải thiện hình ảnh của mình. Khi đánh giá đến những trải nghiệm người dùng, đối thủ thực sự duy nhất của Apple có thể là Palm Pre, vốn cũng học hỏi được khá nhiều ý tưởng từ chính hãng thiết kế tiền phong Apple, trong khi vẫn có những ưu việt riêng, như hệ thống Card, khả năng điều khiển bằng cử động.

Tính đến công nghệ cải tiến có tính cách mạng nhất trong một vài năm qua phải là sự nổi bật của màn hình có khả năng cảm ứng trên thiết bị di động, cho phép hiển thị rõ ràng hơn, đặc biệt tính năng đa cảm ứng rất chân thực khi dùng với bút châm.

Cả iPhone, webOS và Android đều “lên gân cốt” với công  nghệ này, trong khi đó Windows Mobile và S60 cùng tỏ ra hững hờ, một phần do cả hai OS vẫn sử dụng giao diện người dùng với các biểu tượng quá nhỏ để có thể trợ giúp người dùng điều khiển một cách chính xác trên đầu ngón tay. Để tiếp tục cuộc đua, chẳng chóng thì chầy, hẳn cả Windows Mobile và S60 cũng sẽ nối gót các đối thủ khác ở công nghệ đa cảm ứng. Ngoài ra, tất cả các nền tảng này (trừ webOS) đều hỗ trợ bàn phím ảo - một công nghệ đặc biệt xây dựng trên nền tảng cảm ứng điện dung. Tuy nhiên, có vẻ như Apple vẫn đang dẫn đầu khi mang đến cho người dùng một trải nghiệm tuyệt vời với thiết kế bàn phím ảo rất độc đáo.

Dẫu vậy, so với Windows Mobile và BlackBerry, những thiết bị hỗ trợ và khuyến khích tuỳ biến người dùng, Apple và cả Palm đều “cấm tiệt” các lựa chọn thiết lập cá nhân. Đổi cỡ font chữ trên iPhone là điều “kị huý”. Trong khi đó, tại triển lãm MWC vừa rồi, Microsoft đã mở ra viễn cảnh sáng sủa cho những người dùng ưa phong cách riêng khi trình chiếu Windows Mobile phiên bản mới với khả năng linh hoạt cao độ.

Ảnh

Tính năng cốt lõi

Đây là thông số mà các hệ điều hành sẽ “khoe sắc” những khả năng riêng của mình. Trong khi cuối cùng Apple đã hứa sẽ bổ sung- có thể là chậm- tính năng thông báo (push notification) cho thiết bị, iPhone 3.0 vẫn còn thiếu khá nhiều tính năng quan trọng. Đầu tiên phải kể đến là tính năng đa nhiệm. Giống như một chiếc Palm OS gốc, từ khi phát hành, dường như Apple vẫn luống cuống với sự vắng mặt của tính năng xử lý đa nhiệm trên iPhone, cho phép chạy nhiều ứng dụng cùng lúc.

“Quả táo” từng hài lòng với phương án xử lý chuyển đổi ứng dụng theo kiểu mở-tắt-mở, được thông cáo là giúp duy trì tốt hơn thời lượng sử dụng nguồn điện của thiết bị. Trong khi đó, Windows Mobile, S60, Android, webOS, và BlackBerry đều hỗ trợ đa tác vụ, cho phép chạy nhiều ứng dụng cùng lúc. Các thông báo sẽ trợ giúp người dùng.

Xét khả năng hỗ trợ quản lý, đồng bộ danh bạ, Palm tỏ ra nổi trội hơn các hệ điều hành khác với công cụ hướng web Synergy. Synergy sẽ cho phép người dùng gộp tất cả danh sách liên hệ, lịch từ các nguồn khác nhau. Trong khi đó iPhone OS, BlackBerry OS, Windows Mobile, S60, và cả Android hiện vẫn giới thiệu “phân khu” lưu trữ riêng (không có ứng dụng thứ ba liên quan).

Apple đã đi một bước dài với tính năng lịch mới trên iPhone 3.0 khi hỗ trợ giao thức CalDAV, giúp bộ lịch công tác của iPhone hỗ trợ nhận dữ liệu từ các nguồn khác. So với các đối thủ, một vài cải tiến đối với bộ lịch công tác trên phiên bản OS mới của iPhone không hẳn là một cuộc cách mạng. Tuy nhiên, với sự cho phép người dùng chia sẻ danh bạ, vốn được mong đợi từ lâu, iPhone 3.0 cũng đã ghi một điểm số quan trọng.

Một vấn đề lớn hơn mà Apple vẫn lỗi hẹn khi giới thiệu OS 3.0 dành cho iPhone đó là hệ thống các thông báo “bùng nhùng” và phiền phức của thiết bị. Android và webOS hiển thị các thông báo mới trên khay hệ thống, ngược lại iPhone liên lục “thả” các thông báo nối gót nhau với hệ thống pop-up chậm chạp, lộn xộn và chất thành từng đống. Ngay cả Windows Mobile và the BlackBerry OS cũng biết chiều lòng khách hàng hơn Apple khi đưa ra 2 giải pháp thông báo bằng pop-up và thông báo hiển thị âm thầm trên nền màn hình. iPhone 3.0 vẫn chưa thể thoả nguyện cộng đồng ở đặc tính dễ sử dụng và đơn giản hoá.

Mặc dù vậy, Apple đã đem đến nhiều tính năng mới cho iPhone 3.0 khi căn cứ vào yêu cầu người dùng: hỗ trợ stereo Bluetooth, MMS, Spotlight, Tethering, bàn phím xoay ngang vv…Tuy nhiên, nếu so với khả năng đáp ứng mong ngóng của người dùng, những tính năng này được phát hành quá chậm chạp (mùa hè tới, lần đầu tiên iPhone 3.0 mới tay người tiêu dùng cùng các tính năng mới bổ sung trên- vốn không xa lạ trên nhiều OS khác).. Thậm chí, hiện tại, một tính năng cơ bản là sao chép và dán cũng phải chờ đến tháng 6 tới.

Ảnh

Hỗ trợ các nhà phát triển phần mềm thứ ba

Ở khía cạnh này, Apple tỏ ra nhanh nhạy hơn cả. Trong khi Windows Mobile và S60 cũng đã chào đón các nhà phát triển thứ ba, không đối thủ nào có thể sánh với iPhone ở số lượng các ứng dụng bổ sung sẵn sàng phục vụ người dùng. Các nhà phát triển tìm được phương án mới kiếm tiền cùng Apple. Hàng loạt rào cản trước đây được gỡ bỏ. Phiên bản OS iPhone 3.0 cũng tiếp tục “dành đất” cho các nhà phát triển với 1000 API mới.

Dĩ nhiên, phương án hợp tác giữa Apple và các nhà phát triển ứng dụng thứ ba cũng có lúc “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. “Quả táo” từng phải hứng chịu một số chỉ trích gần đây khi tỏ ra không rõ ràng và công bằng trong quá trình chấp nhận và bổ sung ứng dụng mới vào cửa hàng phần mềm. Với chính sách như hiện nay thì người dùng sẽ chẳng thể trông đợi một ngày nào đó có thể sử dụng trình duyệt Opera hay Firefox trên iPhone.

Bất kể một số hãng sản xuất khác cũng đang ra sức chạy đua mở các cửa hàng ứng dụng trực tuyến nhưng ở thời điểm hiện tại, thành công từ mô hình kinh doanh tiên phong, gắn chặt với iTune Store vẫn đang giúp Apple vượt xa các đối thủ khác ở khả năng kiếm lời. Chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi khi nào Palm, Google và cả Microsoft mới có thể giành được vị thế như hiện nay của Apple.

Ảnh

Kết luận

Tùy vào sở thích của mỗi người dùng, các tính năng của từng thiết bị sẽ có thể hấp dẫn hoặc không. Hơn nữa, mỗi OS có điểm mạnh, điểm hạn chế riêng. Đương nhiên, các HĐH mới gia nhập làng OS smartphone sẽ có những lợi thế nhất định, nhưng kinh nghiệm và nền tảng vững chắc, sự ưu ái lâu nay của người dùng đối với một số tên tuổi đã khẳng định được thương hiệu cũng là thế mạnh đáng kể.

Phiên bản cập nhật lần này của Apple đã phần nào đáp ứng được mong ngóng của người dùng, vá một số lỗi từng được phát hiện, điều đó cũng đồng nghĩa với việc hạn chế bớt lợi thế của các tên tuổi mới nổi như Android và webOS.

iPhone 3.0 đã thực sự tạo nên cuộc đua mới của các hệ điều hành trên smartphone. Nhưng trên hết, dù đối thủ nào giành ngôi vương, người dùng cuối vẫn sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

(Theo Tuổi trẻ online/Engaget)



Bình luận

  • TTCN (0)