Theo dự thảo Luật Viễn thông, tư nhân sắp được tự do đầu tư vào hạ tầng mạng viễn thông. Ảnh T.H

Dự thảo Luật Viễn thông sẽ mở cửa hoàn toàn cho tư nhân phát triển hạ tầng mạng viễn thông, cho nước ngoài cung cấp dịch vụ theo cam kết WTO.

Cùng với Dự thảo Luật Tần số Vô tuyến điện, Dự thảo Luật Viễn thông (sẽ là văn bản pháp lý cao nhất trong lĩnh vực viễn thông) đang chuẩn bị được Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5 trong tháng 5 này. Để làm rõ những nội dung mới của Dự thảo Luật Viễn thông, Báo BĐVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ TT&TT.

Được biết, Dự thảo Luật có đưa ra những quy định về tiếp tục mở cửa thị trường viễn thông. Vậy lần này thị trường viễn thông Việt Nam sẽ được mở cửa hoàn toàn?

Năm 2002, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh BC, VT để điều chỉnh các hoạt động BC, VT và tần số vô tuyến điện. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tự do hóa thị trường sản xuất, mua bán thiết bị, vật tư viễn thông; mở cửa sâu rộng thị trường mạng và dịch vụ viễn thông. Pháp lệnh năm 2002 không quy định hạn chế số lượng các doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường nhưng hạn chế vốn sở hữu của các thành phần kinh tế tư nhân trong nước và nước ngoài trong những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng.

Với mục tiêu xây dựng hành lang pháp lý nhằm phát huy mọi nguồn lực trong nước để phát triển nhanh và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng viễn thông, tạo cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng, Dự thảo Luật Viễn thông tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh và tự do hóa trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông. Dự thảo Luật Viễn thông không hạn chế vốn đầu tư của tư nhân trong nước khi xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông; các nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng theo các cam kết quốc tế của Việt Nam; đồng thời nêu trường hợp ngoại lệ “Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đối với các doanh nghiệp cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động của toàn bộ cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước”.

Điều này cũng có nghĩa là Dự thảo Luật đã đưa ra nhiều chính sách mới thúc đẩy cạnh tranh mạnh hơn. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại khi Dự thảo Luật chưa đưa ra được các giải pháp quản lý để đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch. Vậy ông có thể cho biết cụ thể các chính sách quản lý cạnh tranh trong Dự thảo Luật?
Ảnh
Ông Phạm Hồng Hải.

Chính sách quản lý cạnh tranh của Nhà nước thể hiện ở ba mặt chính: Mở cửa cạnh tranh, cho phép các doanh nghiệp được tham gia thị trường; Tạo dựng hành lang pháp lý để bảo đảm cho các doanh nghiệp đã tham gia thị trường có thể thâm nhập thị trường và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã được cấp phép có thể thâm nhập thị trường, Dự thảo Luật đã đưa ra một loạt các quy định thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ viễn thông. Cụ thể như:

Về cơ sở hạ tầng: Các tổ chức, cơ quan, cá nhân, UBND và các đơn vị lực lượng vũ trang địa phương có trách nhiệm bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông, nhất là doanh nghiệp tham gia thị trường sau sớm cung cấp dịch vụ bằng việc đưa ra các quy định về chia sẻ và sử dụng chung cơ sở hạ tầng;

Về kết nối: Doanh nghiệp được kết nối vào mạng viễn thông công cộng tại bất kỳ điểm nào trên mạng viễn thông khả thi về kỹ thuật, kịp thời, với các điều kiện hợp lý, minh bạch và không phân biệt đối xử về tiêu chuẩn, chất lượng và giá cước kết nối;

Về giá: Tôn trọng quyền tự xác định giá và cạnh tranh về giá của các doanh nghiệp;

Về quản lý giá cước của Nhà nước: Quản lý dựa trên nguyên tắc thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt trong quản lý và quy định giá cước viễn thông;

Ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường nhằm bảo đảm sự phát triển bình thường của các doanh nghiệp viễn thông khác. Ngoài việc phải tuân thủ Luật Cạnh tranh, Dự thảo Luật Viễn thông quy định doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường phải tuân thủ các nghĩa vụ đặc thù trong cạnh tranh viễn thông: thống kê, kế toán riêng đối với dịch vụ chiếm thị phần khống chế; cấm bù chéo dịch vụ; cấm sử dụng các ưu thế về mạng lưới để cản trở việc xâm nhập thị trường và hoạt động cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp khác.

Ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp nắm giữ phương tiện thiết yếu trong việc cung cấp dịch vụ kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng với các doanh nghiệp khác: Doanh nghiệp nắm giữ phương tiện thiết yếu chỉ được ngừng cung cấp một phần hoặc toàn bộ dịch vụ đã được cấp phép khi được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý viễn thông; có trách nhiệm tạo điều kiện đàm phán, thực hiện kết nối và đăng ký bản kết nối mẫu với cơ quan quản lý viễn thông; cơ quan quản lý viễn thông có quyền can thiệp vào việc chia sẻ các phương tiện viễn thông thiết yếu;

Về liên kết giữa các doanh nghiệp viễn thông: Dự thảo Luật Viễn thông quy định quản lý chặt hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp viễn thông nhằm mục đích hình thành cơ chế liên minh có thể dẫn tới các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh viễn thông thông qua hình thức một pháp nhân nắm quyền sở hữu vốn trong hai hay nhiều doanh nghiệp viễn thông; các trường hợp tập trung kinh tế trong kinh doanh viễn thông bị cấm và nếu có thì phải được sự chấp thuận của Bộ TT&TT.

Ngoài việc quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Dự thảo Luật nêu rõ cơ quan quản lý viễn thông có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp viễn thông, tranh chấp kết nối giữa các doanh nghiệp viễn thông. Bên cạnh đó, để tạo dựng và quản lý có hiệu quả thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, Dự thảo Luật quy định việc thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông (regulator) nhằm bảo đảm tách bạch giữa hoạt động hoạch định chính sách và thực thi quản lý viễn thông.

Dự thảo Luật không đề cập hết các nội dung cam kết về viễn thông của Việt Nam trong WTO. Điều này có đồng nghĩa với việc các cam kết mở cửa thị trường viễn thông Việt Nam chưa được thực hiện đầy đủ theo như lộ trình đã cam kết?

Trước hết phải nói rằng Việt Nam hoàn toàn tuân thủ các cam kết khi gia nhập WTO. Đối với Dự thảo Luật Viễn thông cũng vậy. Có thể một số nội dung chi tiết sẽ được cụ thể hóa trong những văn bản dưới Luật, song các nguyên tắc đều đã được thể hiện trong Dự thảo Luật, đối với từng mặt cụ thể: hình thức đầu tư, điều kiện đầu tư và tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong việc cung cấp các dịch vụ viễn thông; mối quan hệ giữa giấy phép đầu tư, giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông; bảo vệ cạnh tranh; kết nối; dịch vụ phổ cập; công bố công khai các tiêu chí cấp phép; cơ quan quản lý độc lập; phân bổ và sử dụng các nguồn tài nguyên quý hiếm.

Ông có thể cho biết thêm một số chính sách mới quan trọng đề cập trong Dự thảo Luật Viễn thông, đặc biệt đối với tài nguyên viễn thông?

Bên cạnh chính sách thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy mọi nguồn lực để phát triển thị trường dịch vụ viễn thông, thúc đẩy việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông và giữa viễn thông với các ngành kinh tế khác, Dự thảo Luật Viễn thông thể hiện quan điểm đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý viễn thông, chuyển mạnh từ quản lý tiền kiểm (thông qua các hoạt động cấp phép, cấp chứng nhận) sang quản lý hậu kiểm (bằng việc ban hành đồng bộ các quy định và kiểm tra việc tuân thủ  quy định).

Đối với tài nguyên viễn thông, Dự thảo Luật quy định luật hóa chính sách quản lý tài nguyên viễn thông từ cơ chế cấp phát hành chính sang cơ chế kết hợp giữa cấp phát và quản lý theo cơ chế thị trường, được thể hiện ở ba điểm chính sau:

Một là, bên cạnh phương thức phân bổ tài nguyên trực tiếp theo nguyên tắc tổ chức, cá nhân đăng ký trước được xét cấp trước, Dự thảo Luật quy định các tài nguyên viễn thông có giá trị thương mại cao, tài nguyên viễn thông có nhu cầu đăng ký sử dụng vượt quá khả năng phân bổ sẽ được phân bổ theo phương thức đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng.

Hai là, quy định quyền được chuyển nhượng các tài nguyên viễn thông có được thông qua đấu giá; quyền được chuyển nhượng tên miền Internet.

Ba là, quy định các trường hợp trích ngân sách nhà nước để đền bù cho các tổ chức, cá nhân có tài nguyên viễn thông bị thu hồi để phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, để phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh và khi có điều chỉnh quy hoạch tài nguyên.

Xin cảm ơn ông!

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)