Hãng Avarion thử nghiệm WiMAX cố định tại trụ sở Bộ BCVT (nay là Bộ TT&TT) đầu năm 2007.

Nhiều doanh nghiệp xin được thử nghiệm công nghệ WiMAX, tuy nhiên Chính phủ mới chỉ đồng ý cho 5 doanh nghiệp được tiếp tục thử nghiệm WiMAX trước khi chính thức được cấp phép.

ISP cũng muốn được cấp phép thử nghiệm WiMAX

Ngày 1/10, Chính phủ đã cho phép Bộ TT&TT được tiếp tục cấp phép triển khai thử nghiệm dịch vụ truy cập băng rộng không dây WiMAX trong thời hạn 1 năm, sau đó tổng kết, đánh giá cấp phép chính thức. Chính phủ đồng ý tiếp tục gia hạn giấy phép hoặc cấp giấy phép mới cho các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu thử nghiệm dịch vụ WiMAX cố định tại băng tần 3,3 - 3,4 GHz.

Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm dịch vụ WiMAX di động cho 4 doanh nghiệp là EVN Telecom, Viettel, FPT và VTC tại băng tần số 2,3 - 2,4 GHz. Riêng VNPT được thử nghiệm WiMAX di động tại băng tần 2,5 GHz - 2,69 GHz.

Trong buổi làm việc mới đây với Bộ TT&TT, ông Đỗ Xuân Trường, Giám đốc Vishipel cũng đưa ra đề nghị xin được thử nghiệm WiMAX để công ty có thể lấy doanh thu từ các dịch vụ viễn thông này để bù cho các hoạt động công ích. Chưa dừng lại ở đó, một số ISP cũng muốn được cấp phép thử nghiệm WiMAX nhưng không dám lên tiếng bởi họ không phải là các doanh nghiệp viễn thông và cũng không đủ sức đấu với các đại gia viễn thông khi tiến hành thi tuyển WiMAX. Trước đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định việc các doanh nghiệp có được giấy phép WiMAx sẽ phải qua thi tuyển giống như 3G. Vì vậy, không phải những doanh nghiệp được thử nghiệm WiMAX đã chắc chắn có được giấy phép này trong tay.

Phấp phỏng chờ WiMAX

Ông Phạm Long Trận, quyền Chủ tịch Hội đồng Quản trị của VNPT đã đưa ra đề nghị "Bộ TT&TT xem xét, sớm cấp phép tần số cho WiMAX để Tập đoàn có cơ sở triển khai, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và xu hướng phát triển công nghệ. Bởi trên thực tế, để triển khai được công nghệ mới sẽ phải mất tới 2 năm. Vì vậy, Bộ cần sớm cấp phép cho các công nghệ mới để các doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị". Mới đây, VNPT đã tuyên bố sẽ cùng với Motorola chính thử triển khai thử nghiệm WiMAX trong tháng 10 này. Tuy nhiên, với việc chờ được cấp phép thử nghiệm hiện nay thì nhanh nhất phải đến tháng 11 việc thử nghiệm này mới được triển khai. Ông Bùi Thiện Minh, Phó tổng giám đốc VNPT cho rằng, hiện VNPT đang chờ quyết định của Bộ TT&TT chính thức cho thử nghiệm để tiến hành với hợp đồng đã ký kết với Motorola triển khai tại Hà Nội và TP. HCM. Trước mắt, VNPT sẽ thử nghiệm với khoảng 100 thuê bao, sau đó triển khai thử nghiệm sẽ được mở rộng đủ để cảm nhận được chất lượng dịch vụ cũng như độ chấp nhận của khách hàng. Dự kiến ban đầu thử nghiệm, VNPT sẽ có những ưu đãi cho khách hàng. Ông Bùi Thiện Minh bày tỏ quan điểm đồng tình với việc thi tuyển WiMAX. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, việc thi tuyển này cần phải chọn được doanh nghiệp viễn thông có đủ khả năng thiết lập mạng và triển khai nhanh công nghệ này cung cấp cho khách hàng.

Cùng với mong muốn như VNPT, ông Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Viettel đưa ra đề nghị Bộ sớm cấp phép WiMAX. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel cho rằng, khả năng truy nhập băng rộng cố định của WiMAX đã có kết quả tốt. Tuy nhiên, Viettel muốn thử tiếp WiMAX di động trong thời gian tới để có đánh giá đầy đủ hơn đối với công nghệ này. Lần này Viettel vẫn sẽ thử WiMAX di động ở khu vực thành phố và có thể thêm cả khu vực thị xã để xem khả năng công nghệ và vùng phủ của WiMAX như thế nào. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc thi tuyển WiMAX cũng nên tiến hành tương tự như thi tuyển 3G. Vì vậy, Chính phủ nên có đề bài thi tuyển làm sao để chọn được các doanh nghiệp có khả năng triển khai nhanh và có nhiều người sử dụng. "Thông thường các nước đưa ra quy định sau bao lâu thì nhà cung cấp phải phủ sóng đến một tỷ lệ dân cư nhất định và sẽ có số lượng khách hàng nào dó để tránh tình trạng lãng phí tài nguyên. Tôi nghĩ rằng việc cấp phép WiMAX cũng nên quy định như vậy", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

(theo ICTnews)




Bình luận

  • TTCN (1)
Nemo Nguyen  21665

Ah, các nước phát triển họ không bắt thi tuyển 3G (hay Wimax)... mà sẽ cấp giấy phép khi doanh nghiệp trả đủ mức phí (619 triệu Euros trong 20 năm cho 3G tại Pháp) và phải thực hiện những cam kết đặt ra. Sau khi trả tiền, nhận giấy phép mà ko thực hiện được cam kết sẽ bị phạt và có thể bị rút giấy phép.

Doanh nghiệp nào phải thực sự quyết tâm triển khai 3G (hay Wimax) và đủ tài chính mới "dám xin cấp phép" -> chứ không phải "nhà nhà xin cấp phép 3G" (hay Wimax) như chúng ta (vì chi phí giấy phép quá rẻ)