Một mẫu điện thoại màn hình cảm ứng của MicroMax. Ảnh: Fonearena.

Theo Gartner, 10 nhãn hiệu ĐTDĐ hàng đầu thế giới như Nokia, Samsung, LG, Apple, RIM và HTC đang nắm 64% thị phần, số còn lại thuộc về các hãng “no-name” với lượng bán ra lên tới hàng trăm triệu máy.

Một số nhà sản xuất ĐTDĐ cỡ nhỏ đang ăn mòn dần thị phần của các “đại gia” di động lớn trong các nước đang phát triển. Theo báo cáo hàng quý mới nhất của hãng nghiên cứu Gartner, danh sách 10 nhà sản xuất ĐTDĐ hàng đầu có những tên tuổi vô cùng quen thuộc như Nokia, Samsung, LG, Apple, RIM và HTC. Tuy nhiên, top 10 nhãn hiệu này chỉ kiểm soát 64% thị phần. Kể từ năm 2004, những nhà sản xuất ĐTDĐ không nằm trong danh sách top 10 trên đã tăng gấp đôi thị phần của họ.

Số lượng điện thoại di động mà những hãng nhỏ sản xuất ra đang khiến người ta “choáng”. Trong quý II/2011, họ đã bán ra 153,7 triệu máy, bao gồm cả những mẫu điện thoại nhái các thương hiệu nổi tiếng bán trên “chợ đen” ở Trung Quốc. Theo báo Trung Quốc China Daily, chỉ riêng thành phố Thâm Quyến đã tiêu thụ 1 tỉ điện thoại mỗi năm.

Thực chất, những “công ty ĐTDĐ nhỏ” này là ai? Có nhiều mức độ, bậc thang để đánh giá và gọi tên những công ty này. Song ở bậc thang thấp nhất là hàng ngàn những nhà xưởng kiểu “no-name” (không tên tuổi), na ná nhau. Chưa rõ có bao nhiêu nhà sản xuất kiểu này, bởi họ thường bán sản phẩm ra thị trường chợ đen, nhưng họ có đến hàng ngàn, vì thế tổng số điện thoại họ bán ra thực sự lớn. Có thể lên đến hàng chục triệu điện thoại.

Bậc thang tiếp theo, theo Neil Shah, nhà phân tích của hãng Strategy Analytics, là những nhà sản xuất nhỏ, bán ra khoảng 100.000 sản phẩm mỗi quý. Có khoảng 400-500 công ty kiểu này chủ yếu nằm ở Trung Quốc và Ấn Độ. Tất cả họ bán ra khoảng 30 triệu điện thoại mỗi quý, nhiều hơn khoảng 10 triệu so với doanh số của Apple trong cùng khung thời gian. Chúng có đặc điểm rẻ, đơn giản và được thiết kế cho những khách hàng có ít tiền.

Nhưng không phải mọi nhà sản xuất điện thoại không lọt vào top 10 hãng hàng đầu đều là những hãng không tên tuổi. Một số công ty – không lọt vào top 10 những có tên trong top 40 – có triển vọng rất hứa hẹn. Họ có thể bước tiếp hãng HTC để có mặt trên thị trường quốc tế trong những năm gần đây.

Chẳng hạn, MicroMax, nhà sản xuất điện thoại nội địa hàng đầu của Ấn Độ, có thể sẽ là ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu “nhà sản xuất triển vọng”. Shah cho biết MicroMax xếp thứ 12 trong bảng xếp hàng những nhà sản xuất ĐTDĐ hàng đầu thế giới, chỉ sau hãng nổi tiếng Sony-Ericsson và đứng trước cả các đối thủ hùng mạnh của Trung Quốc như Lenovo. Khẩu hiệu của MicroMax, “Không cái gì giống bất cứ gì” (Nothing Like Anything), có thể gây hiểu nhầm vì hầu hết các mẫu điện thoại của MicroMax chính xác đều giông giống mọi sản phẩm có mặt trên thị trường. Dù vậy, bất kì công ty nào đi từ chỗ không có chiếc điện thoại nào lên tới vài triệu điện thoại bán ra trong chỉ một vài năm đều xứng đáng được nhìn nhận. Ngoài MicroMax, những nhà sản xuất nội địa khác của Ấn Độ còn có Spice, Maxx Mobiles, và Karbonn.

Nhìn chung, thị trường điện thoại di động đang diễn biến thú vị, gay cấn hơn rất nhiều. Trên báo chí Mỹ, đó là cuộc chiến tưởng chừng “không đội trời chung” giữa Apple và Google, hay những vụ kiện tụng om xòm của Apple và Samsung. Và không một ai thực sự chú ý đến các nhà sản xuất của thế giới đang phát triển. Đó là câu chuyện của các nhà sản xuất.

Ảnh
Thị phần ĐTDĐ toàn cầu trong quý II/2011 theo phân tích của hãng Gartner. Ảnh: Atlantic.

Nhưng các nhà bán lẻ lại có một câu chuyện khác. Nokia vẫn là nhãn hiệu bán chạy lớn nhất thế giới. Apple chỉ là một “tay chơi” tương đối nhỏ trên cuộc chơi điện thoại toàn cầu. Và thị trường đang có một sự phân mảnh chưa từng có. Các nhà sản xuất no-name ở Trung Quốc và Ấn Độ đang ăn lẹm thị phần của những hãng lớn, và không ai có thể phủ nhận rằng những công ty nhỏ bé ngày hôm nay có thể trở thành những đại gia của ngày mai.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (2)
xuan quy  74

với android thì nhà nhà có thể sản xuất điện thoại khi đó phần "no name" chẳng mấy chốc chiếm 50% mỗi cty vài ngàn máy nhưng cộng lại mới thấy choáng

Lê Vũ  331

"Thâm Quyến đã tiêu thụ 1 tỉ điện thoại mỗi năm" công nhận chính sách người TQ xài hàng TQ phát triển thiệt