Hệ thống phóng tia laser mạnh nhất thế giới có chiều dài 360 m, do Nga xây dựng, sẽ được sử dụng như một thiết bị quốc phòng để phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời có thể là một hệ thống chế tạo năng lượng.

Dự án về việc xây dựng thiết bị phóng tia laser mạnh nhất thế giới của Nga đã được thông qua và bắt đầu giải ngân - ông Rosatom Radi Ilkaev, lãnh đạo Trung tâm hạt nhân của nước này cho biết.

Chiều dài của hệ thống phóng laser này là 360 mét, chiều cao hơn 30 mét, công suất là 2,8 MJ (2,8 triệu jun). Theo ông Ilkaev, công trình này hoàn toàn sử dụng công nghệ Nga nhưng sức mạnh của tia laser đạt được sẽ cao hơn so với ở thiết bị có công suất lớn nhất hiện nay do các lực lượng quốc tế xây dựng tại Pháp (công suất khoảng 2 MJ).

Ước tính, giá trị của công trình sẽ vào khoảng 1,16 tỉ EUR. Tham gia vào thiết kế thiết bị có hàng chục viện nghiên cứu khoa học của Nga.

Thiết bị sẽ được sử dụng vào phản ứng tổng hợp hạt nhân. Các chùm tia laser sẽ hội tụ vào một điểm xác định, nơi tạo thành plasma.

Trước đây, Ilkaev có giải thích rằng thiết bị sẽ có chức năng kép:

"Một mặt, đó là một thiết bị quốc phòng vì bản chất vật lí của mật độ năng lượng cao, bản chất vật lí của plasma nóng nén được nghiên cứu hiệu quả nhất trên thiết bị này. Những thứ này được dùng để phát triển vũ khí hạt nhân. Mặt khác, đó là một hệ thống năng lượng. Hiện thời, nhiều nhà vật lí trên thế giới phát biểu ý tưởng cho rằng phản ứng tổng hợp hạt nhân có thể phù hợp với chế tạo năng lượng cho tương lai".

Có giả thiết hệ thống phóng laser này sẽ được thực hiện trong thành phố hạt nhân khép kín Sarov (nguyên là Arzamas-16). Tuy nhiên, Ilkaev cho rằng, tốt nhất là tiến hành bên ngoài khu vực khép kín nói trên nhằm đảm bảo cho các nhà khoa học, trong đó có các khoa học gia nước ngoài dễ dàng tiếp cận với công trình. Nơi đặt thiết bị đã được xác định là Công viên Công nghệ Sarov gần thành phố hạt nhân nói trên.

Theo PCWorld VN/Dni.ru




Bình luận

  • TTCN (0)