Tòa án liên bang Mĩ đã tuyên cáo hôm nay (30/1) về việc tiếp tục gia hạn thêm thời gian 2 năm giám sát các hành vi được cho là có tính độc quyền trong thương mại của Microsoft.

Chánh án tòa án quận Colleen Kollar-Kotelly cho biết bà ta sẽ gia hạn thời gian giám sát của chính phủ Mĩ đối với các hành vi độc quyền của Microsoft cho đến ngày 12/11/2009 do phía Microsoft đã không hoàn thiện các hồ sơ kĩ thuật của mình về các vấn đề bản quyền phần mềm.

Trước đó, vào năm 2002, Microsoft đã phải chịu một tuyên cáo giám sát chống độc quyền từ chính quyền liên bang với thời hạn 5 năm. Microsoft bị cho là đã chơi xấu các đối thủ thương mại khác của mình bằng cách tạo sự không tương thích giữa các phần mềm (và hệ điều hành) của mình với các sản phẩm của các công ti cạnh tranh. Hình thức giám sát sẽ đảm bảo điều đó không được xảy ra.

Khoảng thời gian giám sát 5 năm trước đó lẽ ra sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/1 tới đây. Tuy nhiên Kollar-Kotelly đã phải xem xét các cuộc vận động từ phía chính quyền của 10 bang nước Mĩ về việc kéo dài thời gian giám sát.

Chính quyền các bang California và NewYork còn cho rằng sự giám sát cần phải được kéo dài đến tận năm 2012 vì họ lo sợ Microsoft ngay lập tức sẽ lặp lại các hành vi độc quyền để đè bẹp các đối thủ một khi cơ chế giám sát chống độc quyền hết hiệu lực.

Trong bản cáo trạng của mình, Kollar-kotelly viết rằng sự kéo dài thêm thời gian giám sát này không phải là một "trừng phạt" chống lại Microsoft mà chỉ do phía Microsoft đã chậm trễ trong việc cung cấp các hồ sơ cần thiết khiến cho việc giải quyết vấn đề đã không đạt được kết quả cuối cùng.

Bà ta cũng để ngỏ khả năng sự kéo dài giám sát lần này có thể sẽ không dừng lại ở khoảng thời gian hai năm bởi vào mùa thu năm 2009, Microsoft sẽ phải tiếp tục trải qua cuộc kiểm định một lần nữa.

Về phía mình, Microsoft cho biết "Chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các phán quyết của tòa. Chúng tôi đã xây dựng Windows Vista dựa trên sự tuân thủ này và sẽ tiếp tục tôn trọng triệt để các yêu cầu của bản án"

Quang Minh (theo Reuters)



Bình luận

  • TTCN (0)