Xu hướng sản xuất và nhập điện thoại di động giá rẻ, nhất là các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc về sử dụng đang có chiều hướng gia tăng. (Ảnh minh họa)

Theo Thông tư 11/2012/TT-BTTT của Bộ TT&TT, chỉ còn 1 ngày nữa, những sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) đã qua sử dụng sẽ bị cấm nhập khẩu.

Bộ TT&TT cho rằng, quy định này sẽ giúp Việt Nam không trở thành “bãi rác công nghệ”, đồng thời loại bỏ được hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng.

Hàng cũ dễ bị lợi dụng

Theo Bộ TT&TT, trong thời gian qua, việc nhập khẩu nhiều sản phẩm CNTT cũ diễn ra rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh trong nước. Đặc biệt là tình trạng nhập khẩu sản phẩm cũ, trốn thuế, lợi dụng hoạt động dịch vụ tạm nhập, tái xuất để nhập về nhiều sản phẩm công nghệ đã qua sử dụng nhưng sau đó không tái xuất sản phẩm…

Đáng chú ý là việc một số doanh nghiệp (DN) nhập khẩu hộp mực in tái chế đã tân trang của Trung Quốc về làm thương hiệu riêng của mình để bán tại thị trường trong nước. Phần lớn những hộp mực in này được nhập từ Trung Quốc về với giá rất thấp, chỉ bằng 1/3 so với loại mực in chính hãng, chất lượng kém. Song hải quan vẫn cho nhập về vì chưa phân định được đây là hàng cũ hay hàng mới. Trong khi đó, một số DN sản xuất hộp mực in tái chế tại Việt Nam đã phải đóng cửa, điển hình như công ty Sao Bắc.

Ngoài ra, nhiều DN thuộc lĩnh vực CNTT cũng lách luật bằng chiêu xin nhập khẩu theo hình thức phi mậu dịch làm quà biếu, quà tặng với giá trị lô hàng rất cao hoặc số lượng nhập khẩu lớn. Việc làm này nhằm trốn thuế, lách giấy tờ để thu lợi nhuận cao.

Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TP.HCM) cho biết, tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn 1.850 vụ vi phạm quy định nhập khẩu với tổng giá trị hàng lên đến gần 58.500 USD (trong đó, sản phẩm CNTT đã qua sử dụng có 257 vụ). Thủ đoạn của các đối tượng này là chia nhỏ lô hàng rồi gửi cho nhiều người nhận qua đường quà biếu, quà tặng, sau đó gom lại đưa ra thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, xu hướng sản xuất và nhập điện thoại di động giá rẻ, nhất là các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc về sử dụng rất nhiều. “Điều này sẽ biến Việt Nam thành bãi rác thải công nghệ vì những sản phẩm này rất chóng hỏng và gây lãng phí cho người tiêu dùng. Đã đến lúc cần thắt chặt chính sách nhập khẩu, ngăn chặn kịp thời việc này bằng quy định của pháp luật”, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) cho hay.

Doanh nghiệp chỉ còn 1 ngày để chuẩn bị

Vào thời điểm này, nhiều DN và hộ kinh doanh vẫn còn lơ mơ về những thông tin trên, trong khi chỉ còn 1 ngày nữa, Thông tư 11/2012/TT-BTTT sẽ có hiệu lực.

Phần lớn những thắc mắc của các DN liên quan đến việc họ có nằm trong danh sách bị cấm nhập khẩu hay không. Vì thông tư mới ban hành nên sẽ có nhiều DN bị lỗ nặng vì số lượng hàng nhập khẩu khá lớn theo hợp đồng với các tổ chức nước ngoài được kí kết trước khi Thông tư này ra đời

Về phía người tiêu dùng cũng không khỏi hoang mang, lo lắng. Bạn Trần Văn Kiên, sinh viên Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ: “Không phải người dân nào cũng có nhiều tiền để sử dụng đồ công nghệ mới. Bởi vậy, nếu cấm nhập khẩu sản phẩm công nghệ cũ thì những người có túi tiền eo hẹp như sinh viên chúng em sẽ khó có khả năng tiếp cận với các sản phẩm công nghệ”.

Trao đổi về vấn đề này, bà Hương khẳng định, ngày 1/9 tới, tất cả DN, người kinh doanh sản phẩm CNTT phải chấp hành những quy định của Thông tư. Đây là cách tốt nhất để hàng Việt Nam “có đất dụng võ” và người dân tìm đến hàng Việt nhiều hơn. Vì vậy, việc cần làm trước mắt của DN hiện nay là nghiên cứu và tìm hiểu kĩ các danh mục sản phẩm CNTT của mình có nằm trong diện bị cấm nhập khẩu hay không. Nếu nằm trong các trường hợp đặc biệt không phải áp dụng danh mục cấm nhập khẩu như: Nhập khẩu để làm dịch vụ sửa chữa làm mới và tái xuất; Nhập khẩu để làm mẫu, R&B; Tái nhập khẩu sau khi bảo hành, bảo trì ở nước ngoài; Hộp mực in về sửa chữa làm mới… thì phải xem hướng dẫn để lập hồ sơ đề nghị nhập khẩu các sản phẩm không có trong danh mục cấm.

Bà Hương cũng cho biết, nếu DN còn những thắc mắc gì thì nên cùng nhau tập hợp những câu hỏi tạo kênh kiến nghị lên Bộ TT&TT. Sắp tới, Bộ TT&TT cũng sẽ ngồi lại với Bộ Tài chính và Cục Hải quan để thống nhất việc thanh tra và mức xử phạt các trường hợp vi phạm.

Các sản phẩm CNTT bị cấm nhập khẩu

Từ ngày 1/9, các sản phẩm bao gồm: Linh kiện, phụ tùng cụm linh kiện, phụ kiện đã qua sử dụng của các loại sản phẩm thuộc danh mục cấm nhập khẩu; Sản phẩm được tân trang, làm mới; Các sản phẩm đặc biệt như ra đa, thiết bị dẫn đường, thiết bị điều khiển bằng sóng vô tuyến… cũng nằm trong danh mục cấm nhập khẩu.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (2)
nguyễn công hùng  171

tất yếu xãy ra

suzuya  221

lại hành dân rồi, tình hinh kinh doanh càng ngày càng ế mà thêm thuế này, thuế nọ, luật này, luật nọ