Các chuyên gia trên thế giới đã tính toán, sớm thì 2008, muộn nhất là 2011, thế giới sẽ hết địa chỉ Internet (IP) và không thể cấp phát mới. Khi đó các dịch vụ Internet sẽ gặp trở ngại, nhất là các dịch vụ mới xuất hiện...
Đó là thông tin mà ông Trần Minh Tân (Phó giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC) cho biết. Theo ông Tân, giải pháp cấp phát tài nguyên địa chỉ Internet truyền thống là IPV4 đã cho thấy thực tế sắp cạn kiệt. Thế giới đã có nghiên cức triển khai giải pháp mới là IPV6, gần như vô hạn về số lượng, VNNIC đã triển khai tại Việt Nam nhưng giới doanh nghiệp ICT trong nước vẫn thờ ơ.
Giải pháp cấp địa chỉ IPv4 sử dụng địa chỉ IP 32 bit, tức là 232 |
Đây cũng là tình trạng chung của cả thế giới, với tốc độ phát triển chóng mặt của CNTT và các dịch vụ Internet, con số địa chỉ IP/đầu người ngày càng tăng, các chuyên gia đã tính rằng cho đến năm 2008 - 2009 thế giới sẽ hết địa chỉ IP để cấp mới cho người dùng Internet.
Trong mạng Internet, địa chỉ IP cho mỗi kết nối của người dùng phải là duy nhất, do đó khi hết kho địa chỉ, người ta sẽ buộc phải sử dụng các biện pháp hạn chế như dùng địa chỉ IP nội mạng NAT. Nghĩa là dùng các IP ảo để liên kết trong nội mạng, khi kết nối ra ngoài buộc phải dùng chung IP thật.
Thực tế là ở Việt Nam trước nay, nhiều nhà cung cấp dịch vụ Internet vẫn thường sử dụng biện pháp này để tiết kiệm IP, do đó khi người dùng kết nối mạng quốc tế, thường phải thông qua một địa chỉ IP khác do ISP cung cấp.
"Đó là chưa nói, nhu cầu về tài nguyên địa chỉ Internet của Việt Nam hiện nay chưa phải là nhu cầu thực, do chúng ta ít sử dụng các dịch vụ gia tăng trên Internet. Chỉ tính riêng về số lượng IP trung bình trên đầu người, Việt Nam thấp hơn Trung Quốc khoảng 10 lần, thua Singapore 30 lần". - Một chuyên gia kỹ thuật mạng cho hay.
Theo ông Trần Thanh Sơn - Giám đốc phát triển chính sách của APNIC (Trung tâm Internet khu vực Châu Á - TBD), cạn kiệt tài nguyên địa chỉ Internet chỉ còn là vấn đề thời gian, đến lúc đó nếu không có sự chuyển đổi kịp thời, các dịch vụ gia tăng mới trên nền Internet sẽ không thể phát triển được, còn các dịch vụ truyền thống đòi hỏi thời gian thực như IP Tivi, VoiIP... sẽ không đảm báo chất lượng do không thể cấp thêm IP thực, người dùng đa phần phải truy xuất dịch vụ qua các IP NAT.
Hiện tại, trên thế giới đã nghiên cứu và triển khai thành công giải pháp IPv6, giải pháp cung cấp địa chỉ IP 128 bit. Cho phép số địa chỉ IP 2128 (2 mũ 128), gần như vô hạn. Tại nhiều nước phát triển trong khu vực và Châu Âu đã triển khai đồng loạt, nhưng Việt Nam hầu như chưa doanh nghiệp nào triển khai thử nghiệm.
Từ IPv4 sang IPv6: DN không hào hứng!
Ông Trần Minh Tân cho biết, VNNIC đã có những tìm hiểu và nhận định đúng tình hình, nên từ năm 2004 đã thử nghiệm và chính thức triển khai cấp tài nguyên địa chỉ Internet theo giải pháp mới IPv6. Tuy nhiên từ đó cho tới nay, mới chỉ có duy nhất VNPT xin cấp một số IP dạng này, nhưng theo ông biết, vẫn để đó chứ chưa sử dụng.
"Việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 đòi hỏi phải tốn kém cả về mặt thời gian và kinh phí, cụ thể là phải thay đổi trang thiết bị, phần mềm nếu chúng không tương thích, và phải đào tạo lại các nhân viên kỹ thuật, có lẽ đây chính là những trở ngại khiến giới doanh nghiệp, các ISP và các nhà cung cấp dịch vụ gia tăng trên Internet tại Việt Nam không sử dụng IPv6." - Ông Sơn nhận định.
Tuy nhiên, nhận định này không được ông Trần Minh Tân đồng tình, ông Tân cho rằng, theo tìm hiểu của ông, phần lớn các thiết bị mạng được sản xuất từ năm 2000 trở lại đây, đều tương thích với IPv6 và không cần thay đổi. Trong khi đa phần các doanh nghiệp ICT Việt Nam lớn mạnh sau mốc này. Các giải pháp để chạy đồng bộ các dịch vụ truyền thống đang chạy trên IPv4 sang IPv6 cũng rất đơn giản.
"Lý do lớn nhất, theo tôi là hiện tại, do thấy số lượng IPv4 vẫn còn đủ dùng, nên giới doanh nghiệp cứ bình chân, hơn nữa, việc đổi sang IPv6 đối với các dịch vụ mà họ cung cấp phải mất thời gian thử nghiệm, nên doanh nghiệp càng không hào hứng. Nhưng cũng chính điều này càng khiến chúng tôi lo ngại, đến lúc nước đến chân, liệu doanh nghiệp có đủ thời gian để thử nghiệm và cung cấp dịch vụ đủ chất lượng không?" - Ông Tân nói.
Theo đại diện VNNIC, hiện tại đơn vị này song song cấp cả IPv4 và IPv6, nhưng về mặt thủ tục, họ khuyến khích doanh nghiệp sử dụng IPv6 bằng cách đơn giản hoá các thủ tục đi rất nhiều. Trong khi mức phí là tương đương, để được cấp IPv6, doanh nghiệp chỉ cần chứng minh có 200 khách hàng trong vòng 2 năm, thì với IPv4, họ phải có hoá đơn chứng từ thiết bị, chứng minh lượng khách hàng lớn hơn nhiều... và cũng chỉ được cấp trong 1 năm. Đây là chính sách chung của cơ quan quản lý tài nguyên địa chỉ Internet của cả khu vực nhằm làm chậm lại quá trình cạn kiệt địa chỉ IP.
Ông Tân cho hay bản thân VNNIC cũng đã triển khai thử nghiệm và "sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp để doanh nghiệp thử nghiệm câc dịch vụ mà họ đang triển khai trên thị trường phục vụ cho quá trình chuyển đổi sau này".
Cần thay đổi tầm nhìn?
Rõ ràng là VNNIC đang rất nóng ruột, vì nếu cạn kiệt tài nguyên IPv4, đơn vị này sẽ không làm tròn nhiệm vụ khi không thể cung cấp IP mới theo nhu cầu doanh nghiệp. Giới chuyên gia trong nước càng nóng ruột hơn, khi hầu hết các nước Châu Âu đã hoàn thiện quá trình thử nghiệm và có những chuyển đổi sang IPv6. Tại Châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đang đi đầu theo hướng đó.
Tại Mỹ, trong khi nước này chiếm tới gần một nửa số lượng IPv4 của toàn thế giới, khả năng cạn kiệt của họ là thấp nhất, thì chính phủ Mỹ, trong khi chưa áp đặt được doanh nghiệp, đã chỉ thị tất cả các đơn vị trong bộ máy chính quyền hết năm 2008 phải chuyển hoàn toàn qua IPv6. Nhật Bản thì khuyến khích các doanh nghiệp bằng cách miễn thuế cho những đơn vị triển khai dịch vụ bằng IPv6, Trung Quốc thì mạnh mồm tuyên bố, nghiên cứu và thử nghiệm IPv9 như một chuẩn mới của riêng họ.
Từ đầu năm 2007 tới nay, Nhật Bản cũng đã hai lần cử các chuyên gia sang Việt Nam thông qua VNNIC làm việc với giới doanh nghiệp nhằm giúp đỡ triển khai các dịch vụ chạy trên IPv6. Mục tiêu lâu dài của họ nhằm tạo dựng một thị trường sẵn sàng để sau đó các doanh nghiệp của Nhật có thể khai thác, cung cấp sản phẩm và thiết bị điện tử, hai bên cùng có lợi. Nhưng những nỗ lực này vẫn chưa nhận được sự hào hứng từ khối doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Trần Thanh Sơn (APNIC), việc nghiên cứu triển khai thử nghiệm các dịch vụ Internet trên IPv6 có thể bắt đầu bằng việc thử nghiệm các dịch vụ truyền thống như Web, email.. đang chạy trên IPv4.
"Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, giới doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và Truyền hình tại Việt Nam có cái nhìn dài hạn hơn về vấn đề tài nguyên địa chỉ Internet. Bởi Việt Nam đang là một thị trường phát triển rất mạnh các dịch vụ gia tăng trên Internet, đặc biệt là truyền hình." - Ông Sơn nói.
(Theo Thế Phong - Tuổi Trẻ)
Bình luận