Cục viễn thông Ấn Độ muốn sáp nhập hai doanh nghiệp viễn thông nhà nước BSNL và MTNL nhằm giải cứu hai công ty khỏi những khó khăn tài chính hiện nay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính phủ cần mang lại nhiều quyền tự trị hơn nữa cho hai công ty và giảm số cổ phần nhà nước xuống dưới 51%.

Cục Viễn thông Ấn Độ (DoT) đang lên kế hoạch sáp nhập hai hãng viễn thông nhà nước Bharat Sanchar Nigam (BSNL) và Mahanagar Telephone Nigam (MTNL), nhằm sắp xếp lại các hoạt động và nâng cao lợi nhuận của hai hãng viễn thông này.

Trong văn bản gửi lên Nhóm các Bộ trưởng của Ấn Độ (Empowered Group of Ministers - EGoM) do Bộ trưởng Tài chính P. Chidambaram đứng đầu, DoT nói rằng cả hai hãng viễn thông nhà nước này đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà mạng tư nhân hoạt động trên khắp Ấn Độ. Các nhà mạng tư nhân tại Ấn Độ hiện nay đang khai thác rất tốt mảng khách hàng doanh nghiệp và doanh nhân, trong khi hai nhà mạng nhà nước lại không được thuận lợi như vậy.

“Việc sáp nhập BSNL và MTNL thành một công ty dịch vụ viễn thông quốc gia có thể được xem xét dưới khía cạnh phối hợp chiến lược và hoạt động”, Cục viễn thông DoT trình bày vói EGoM. Đây là một phần kế hoạch của cơ quan quản lí viễn thông Ấn Độ để cứu hai công ty này.

Khuyến khích quan chức nhà nước chỉ dùng “mạng nhà nước”

Các kết quả tài chính trong năm 2012-2013 cho thấy BSNL lỗ 82 tỉ rupee (khoảng 1,5 tỉ USD), trong khi MTNL lỗ 33,3 tỉ rupee (khoảng 610 triệu USD) trong năm kết thúc vào ngày 31/12/2012.

Giá trị tài sản của MTNL có thể bị xói mòn hoàn toàn trong quý đầu của năm 2012-13, trong khi giá trị tài sản của BSNL là trên 500 tỉ rupee (9,17 tỉ USD) chủ yếu nằm ở các tài sản cố định.

Một trong những vấn đề chính mà hai hãng viễn thông nhà nước này đang phải đối mặt là chi phí nhân công đang ngày càng gia tăng. “Tỉ lệ chi phí nhân công so với doanh thu đang là trên 103% đối với MTNL và 49% với BSNL, trong khi tỉ lệ này trung bình trong ngành công nghiệp là chưa đến 5%”, DoT cho biết.

DoT đã đề xuất các chiến lược ngắn và dài hạn để giúp 2 công ty viễn thông quốc gia chống chọi với sự cạnh tranh từ các hãng tư nhân. Trong đó có việc đưa ra kế hoạch thanh toán một lần trị giá 59,25 tỉ rupee (khoảng 1,08 tỉ USD) cho MTNL để giải quyết các khoản nợ lương hưu. Chi phí lương hưu chiếm đến 86% chi phí bảng lượng hiện tại và dự kiến sẽ vượt qua chi phí bảng lương vào năm 2014-15. DoT cũng hỗ trợ Kế hoạch Về hưu Tự nguyện của BSNL để cắt giảm khoảng 100.000 nhân viên.

DoT nói rằng số tiền chi cho kế hoạch về hưu tự nguyện có thể được huy động qua nhiều hình thức khác nhau, như tiền bán bất động sản do công ty sở hữu hoặc qua các khoản nợ không lãi suất của chính phủ. Cục Viễn thông cũng gợi ý các cơ quan và công chức chính phủ nên sử dụng dịch vụ viễn thông của hai nhà mạng nhà nước này.

Kế hoạch sáp nhập đã có từ năm 2004

Đây không phải là lần đầu tiên DoT nói về việc “giải cứu” BSNL và MTNL. Những đề xuất nhằm sáp nhập hai công ty này đã được bắt đầu từ năm 2004. Lúc đó, Sam Pitroda, hiện là cố vấn của Thủ tướng Ấn Độ chuyên trách mảng Sáng tạo và Cơ sở hạ tầng Thông tin công cộng, nói rằng việc rút cổ phần của chỉnh phủ trong hai doanh nghiệp nhà nước này là giải pháp duy nhất và yêu cầu chính phủ để cho hai công ty này nhiều quyền tự trị hơn nữa, bằng cách giảm cổ phần nhà nước xuống dưới 51%. “Sáp nhập BSNL và MTNL không phải là giải pháp duy nhất. Vấn đề là cần phải để họ tự do hơn”, ông nói.

Năm 2010, Pitroda đã đứng đầu một uỷ ban, gợi ý một số bước có thể tiến hành để cứu BSNL, trong đó có việc thay đổi ban giám đốc BSNL, thay đổi các quy trình quản lí, bán ra 30% cổ phần nhà nước, cải thiện chất lượng mạng ở nông thôn, bán bớt tài sản bất động sản và cung cấp 30 triệu kết nối băng rộng tốc độ cao trong 3 năm tới.

Ngay cả hiện nay, những đề xuất trên vẫn được tính đến và được xem là có giá trị với cả hai công ty. Điều quan trọng hơn là nếu sáp nhập hai doanh nghiệp, thì phải làm cách nào đó đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, và vẫn giữ được khách hàng. Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ cần đảm bảo việc phủ sóng băng rộng gia tăng tại các vùng nông thôn Ấn Độ.

Theo các nhà bình luận viễn thông, đã đến lúc chính phủ cần có một lộ trình rõ ràng cho cả hai công ty. Ấn Độ càng lãng phí thời gian, hành động chậm chạp, hai doanh nghiệp viễn thông nhà nước càng chịu nhiều tổn thất.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)