Lộ trình mua bản quyền hệ điều hành Windows và những chương trình hỗ trợ từ Microsoft cho TPHCM là nội dung chính của buổi gặp chiều 12/6 giữa Giám đốc Pháp luật và Đối ngoại của Microsoft khu vực ĐNA và Phó chủ tịch UBND TPHCM.

Theo đó, bà Astrid S. Tuminez, Giám đốc Pháp luật và Đối ngoại của Microsoft khu vực Đông Nam Á (Regional Director for Legal & Corporate Affairs – South East Asia) đã có cuộc gặp với Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà để trao đổi về các chương trình hỗ trợ cho TPHCM nói riêng và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam nói chung.

Đề cập đến vấn đề bản quyền, ông Hà thông báo là thành phố đang xây dựng một lộ trình phù hợp cho việc mua và sử dụng phần mềm hợp pháp, đặc biệt là hệ điều hành Windows.

“Chúng tôi đã bắt đầu mua và sử dụng phần mềm có bản quyền của Microsoft, đầu tiên là cho cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp như Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP)… Song song đó, chúng tôi cũng khuyến khích các cơ sở sản xuất và kinh doanh tư nhân tự giác tuân thủ điều này, sau đó mới tính đến việc chế tài”, ông Hà nói.

Bà Tuminez cũng thông báo Microsoft sẽ có giá hỗ trợ thích hợp. Ngoài ra, tập đoàn khổng lồ này cũng sẽ dành cho TPHCM một số chương trình hỗ trợ phát triển, từ cung cấp phần mềm, công nghệ… cho tới đào tạo – huấn luyện nguồn nhân lực, mở trung tâm sáng tạo Microsoft ở Khu công nghệ cao (SHTP) và giúp nâng cao năng lực quản lí của các doanh nghiệp.

Thành lập năm 2007, Công ty TNHH Microsoft Việt Nam tập trung vào việc cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp, công viên phần mềm… và huấn luyện - đào tạo. Cụ thể là bên cạnh việc tài trợ phần mềm miễn phí và hỗ trợ kĩ thuật cho hàng trăm doanh nghiệp mới thành lập hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), từ năm 2009 đến nay tập đoàn này đã giúp Việt Nam đào tạo gần 6.000 lượt sinh viên và chuyên gia phần mềm nhờ các khóa huấn luyện.

Cho đến nay, Microsoft đã đầu tư vào Việt Nam hơn 80 triệu đô la Mỹ, và hiện đã có hơn 500 đối tác địa phương.

Theo Kinh Tế Sài Gòn




Bình luận

  • TTCN (0)