Ở một nước đông dân, Apple không phải là tên tuổi duy nhất dòm ngó miếng bánh Trung Quốc. Tuy nhiên, Apple là hiện thân của "giấc mơ Mỹ" tại đất nước đông dân này.

Dưới đây là thư một người Mỹ sống tại Hàn Quốc với 18 năm kinh nghiệm làm ăn ở Trung Quốc gửi cho tờ Forbes.

Truyền thông Mỹ đã vẽ nên một câu chuyện thành công kì diệu của Apple ở thị trường lớn nhất thế giới. Nhưng đằng sau đó là nhiều vấn đề mà như nhiều người Mỹ khác, giống như tôi đã từng lầm tưởng.

1. Một quốc gia không thống nhất:

Với diện tích gần 10 triệu km2, lớn thứ 4 thế giới, Trung Quốc là quốc gia đa dạng từ khí hậu, địa hình, ẩm thực, tộc người và đến cả sự giàu, nghèo. Nếu bạn nghĩ Trung Quốc giống như Liên minh Châu Âu EU thì quả thực suy nghĩ đó là sai lầm.

Cũng như nhiều người Mỹ khác, hình ảnh Trung Quốc trong tôi đã từng chỉ Vạn Lí Trường Thành, Tử Cấm Thành hay những nhà máy chuyên gia công các sản phẩm cho các công ty từ nước ngoài.

Nhưng không, Trung Quốc còn là quốc gia với 56 tộc người đầy đa dạng. Miền Nam có các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông hay Quảng Tây. Miền Trung là Chiết Giang, Giang Tô, Hồ Nam, Hồ Bắc hay Tứ Xuyên. Trong khi đó, ở phía Bắc với Đông Bắc, vùng Sơn Đông, Hà Bắc hay Tây Bắc. Sự rộng lớn về lãnh thổ, đa dạng về tộc người kết hợp với phong kiến cát cứ hàng nghìn năm và nhiều triều đại trị vì, đã làm Trung Quốc có một sự đa dạng trong văn hóa, ẩm thực, truyền thống,…thậm chí là cả ngôn ngữ (ngoài tiếng phổ thông, mỗi vùng ở Trung Quốc lại có 1 ngôn ngữ riêng).

Như những nước đang phát triển khác, làn sóng di cư của Trung Quốc đang di chuyển về các thành phố lớn, đến các khu công nghiệp với hi vọng tìm kiếm một công việc mức lương cao hay mong có một tương lai khác. Làn sóng di cư này không khác gì ở Hoa Kì vào những năm 40, 50 của thế kỉ trước, khi số lượng lớn người từ miền nam di cư đến thành phố Detroit làm việc trong ngành công nghiệp ô tô.

2. Apple - không còn là thương hiệu duy nhất

Với 1,3 tỉ người, chiếc bánh Trung Quốc không chỉ là khao khát của Apple. Nhiều tên tuổi dòm ngó thị trường này từ Samsung, LG, Motorola,…đến những tên tuổi trong nước như HTC, Huawei, Xiaomi hay Lenovo.

Có những thời điểm, khi bạn bước ra ngoài đường phố Trung Quốc và nhận ra ai cũng dùng iPhone, từ những ông trùm bất động sản giàu có hợm hĩnh, đến nhân viên khách sạn hay thậm chí là bà bán phở. Apple đã nhận thấy những nguy hiểm tiềm tàng từ nhiều phía và nhanh chóng bắt tay với các nhà mạng của Trung Quốc để phân phối đến người dùng những chiếc iPhone của mình.

3. Lợi nhuận của Apple từ những người sính ngoại

Tôi có thể là một trong số ít người nói về vấn đề này. Sống ở Hàn Quốc, tôi nhận ra thái độ bài trừ văn hóa Mỹ từ trong ra ngoài của người dân Hàn Quốc. Tôi may mắn có cơ hội tiếp xúc với hàng trăm người Trung Quốc, ở đủ mọi tầng lớp, tôi nhận ra rằng, người Hàn và người Trung có thái độ hoàn toàn khác về Hoa Kì, giống như là ngày và đêm vậy.

Ở một góc độ nào đó, người Trung Quốc luôn đề cao lên trên hết tinh thần dân tộc, hi vọng vượt qua Mỹ về kinh tế. Nhưng nhìn từ góc độ cá nhân, trong niềm tự tôn dân tộc đó là những “giấc mơ Mỹ”, giấc mơ về một cuộc sống mới, về bất động sản, về những đứa trẻ Trung Quốc sinh ra trên đất Mỹ và mang trong mình quốc tịch Hoa Kì. Chính vì điều đó, không lạ gì nếu Apple lại thành công ở đất nước này.

Về lâu dài, sẽ có nhiều khó khăn với Apple nhưng tôi tin tưởng vào tương lai và triển vọng của hãng ở Trung Quốc.

Theo Zing




Bình luận

  • TTCN (0)