CDO sẽ là người chèo lái con thuyền doanh nghiệp giữa đại dương thông tin.

Vậy DN có phải tạo lập một vị trí quản lí mới chuyên về dữ liệu? Dưới đây là bài viết của chuyên gia Crispin Bùi, GĐ Nhóm các giải pháp phần mềm, IBM Việt Nam về vấn đề này.

Các tổ chức, doanh nghiệp ngày nay đang đối mặt với không ít thách thức trong việc làm thế nào tận dụng được sức mạnh của dữ liệu để đổi mới hoạt động. Thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp gặp rắc rối do hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại không đáp ứng kịp sự bùng nổ của dữ liệu đang trăn trở trong việc tìm ra đúng người để quản lí các dữ liệu đó.

Tuy nhiên, cho dù nhiều CEO đã nhận ra được tầm quan trọng của dữ liệu nhưng các CIO (giám đốc thông tin) hay CTO (giám đốc công nghệ) lại còn đang “quá tải” với các vấn đề liên quan đến hạ tầng cơ sở, không thể đảm nhiệm thêm chức năng mới. Đó là lí do tại sao trên thế giới, một vị trí quản lí mới trong doanh nghiệp đã xuất hiện và được nhân rộng với tốc độ chóng mặt: vị trí Giám đốc Dữ liệu (Chief Data Officer – CDO).

CDO là ai?

Nhiệm vụ của CDO được mô tả một cách giản lược là mang lại ba chữ “A” từ dữ liệu. Đó là Actionable (dễ sử dụng), Accurate (chính xác), và Accessible (dễ truy cập).

Để làm được điều này, các CDO phải làm việc chặt chẽ với các lãnh đạo bộ phận nghiệp vụ khác bên cạnh các giám đốc CNTT. CDO là cầu nối giữa những gì một bộ phận nghiệp vụ muốn đạt được và cách thức để đạt được những nhu cầu đó. Vì vậy, CDO là những người luôn luôn bận rộn.

Trong thời đại của Dữ liệu lớn, chủ yếu bùng nổ từ kênh dữ liệu số, CDO phải là người không chỉ có hiểu biết, trình độ về kĩ thuật số mà còn phải có năng lực quản lí xuất sắc, có thể vận hành trong một tổ chức quy mô lớn và tạo ảnh hưởng trên diện rộng.

CDO phải có khả năng đưa ra chiến lược đơn giản hóa cơ sở hạ tầng và mức độ truy cập dữ liệu nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng cường tính tuân thủ và nâng cao chất lượng, mức độ sử dụng và giá trị của dữ liệu.

Ngoài ra, CDO cũng cần có một tầm nhìn rộng để dẫn dắt tổ chức sao cho thích ứng với tương lai của công nghệ. Do đó, CDO sẽ là những ứng viên “nặng ký” nhất để kế thừa vị trí CEO.

Theo dự báo của Russell Reynolds, một công ty Mỹ uy tín chuyên tuyển dụng lãnh đạo toàn cầu, tới năm 2015 thì 50% các công ty thuộc danh sách Fortune 500 (danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới do tạp chí Fortune, Mỹ bình chọn) sẽ có vị trí CDO.

Gartner cũng ước tính hiện nay trên thế giới đã có hơn 100 CDO, chủ yếu là trong khối các dịch vụ tài chính và chính phủ. Tại châu Âu, nhu cầu tuyển vị trí CDO đã tăng khoảng 30% riêng trong năm 2013. Nhu cầu này ở Châu Á cũng đang tăng cao nhưng đang gặp phải một thách thức lớn trong việc tìm kiếm và thu hút nhân tài.

Những cân nhắc trước khi tạo lập vị trí CDO

Bước đầu tiên, các tổ chức, doanh nghiệp cần cân nhắc về nhu cầu hình thành một vị trí CDO dựa trên khối lượng dữ liệu mà đơn vị đó đang phải đối mặt, các kì vọng về vị trí này với tư cách là một thành viên của Ban lãnh đạo, và hiểu rõ vị trí này có thể sẽ thay đổi mô hình kinh doanh như thế nào.

Việc tiếp theo là xác định được nhân sự phù hợp cho vị trí CDO. Đây phải là người có tầm ảnh hưởng rõ rệt trong cả lĩnh vực CNTT lẫn kinh doanh. Ví dụ, trong lĩnh vực thương mại điện tử, CDO phải là người thông thạo cách sử dụng công nghệ để tăng nhanh lượng truy cập, và phải biết cách biến những người truy cập thành khách hàng để nâng cao doanh thu.

Bước thứ ba là xây dựng một chương trình quản lí dữ liệu, do CDO trực tiếp điều hành.

Cuối cùng và cũng quan trọng nhất là thúc đẩy một văn hóa thay đổi trong tổ chức, doanh nghiệp nhằm xóa bỏ tình trạng quản lí dữ liệu cục bộ theo từng phòng, ban.

Với 2,5 tỉ GB dữ liệu đang được tạo ra mỗi ngày, Dữ liệu lớn là một xu thế bùng nổ tất yếu. Các tổ chức, doanh nghiệp rất cần có một người để chèo lái con thuyền giữa đại dương thông tin, để biến dữ liệu thành nền tảng tạo ra lợi thế cạnh tranh. Và người đó chính là CDO.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)