Tuy nhiên, đã và đang xuất hiện tình trạng gia tăng đáng báo động của việc để trẻ lạm dụng chơi đồ công nghệ.

Đến những gia đình có trẻ nhỏ hiện nay, nhất là ở thành phố và bố mẹ còn trẻ, sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh trẻ con miệng vừa ăn tay vừa mân mê nghịch iPad, điện thoại di động, miệng thì vẫn há mà mắt thì cứ dán chặt vào những thiết bị công nghệ. Rồi thì bố mải xem ti vi, mẹ tập trung vào laptop, còn con say sưa với máy tính bảng, mỗi người đắm mình vào một thế giới riêng, chẳng ai nói với ai lời nào... Giữa những khu phố ngày càng nhiều hơn những tòa nhà cao tầng, hiện đại, đã gần như không còn thấy những sinh hoạt vui chơi mang tính cộng đồng của trẻ nhỏ. Giờ đây, chỉ thấy chúng nhấm nháy nhau đi ra những quán game online hay những cửa hàng cho thuê máy tính nối mạng trực tiếp để tha hồ "sát phạt" nhau trong game và thỏa thích làm những việc trong "thế giới ảo" mà người lớn không thể kiểm soát hết.

Rõ ràng, đã và đang tiềm ẩn một vết rạn nguy hiểm trong mối quan hệ tương tác giữa bố mẹ và con cái. Cuộc sống ngày càng nhiều áp lực và gánh nặng cơm áo gạo tiền đè trĩu lên vai đã khiến không ít những ông bố, bà mẹ sẵn sàng trao niềm hạnh phúc được chơi cùng con, tâm sự cùng con cho iPhone, iPad. Thấy con chơi ngoan, ít khóc, đỡ mè nheo, bố mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi và làm những công việc khác nên họ lại càng tăng cường cho con tiếp xúc, chơi những đồ công nghệ.

Thậm chí, nhiều ông bố, bà mẹ trẻ hiện nay còn chẳng thiết hát ru hay kể chuyện cổ tích cho con nghe bởi chỉ cần bấm nút "play" trên những ứng dụng đã được cài đặt sẵn trên các thiết bị công nghệ thì mọi thứ ngay lập tức sẽ được thực hiện mà chẳng tốn ít công sức nào...

Họ những tưởng, các tiện ích khoa học công nghệ đang làm cho việc nuôi con của họ trở nên dễ dàng hơn, thuận tiện hơn, song kì thực, sự quá lạm dụng này lại đang khiến con họ phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sự phát triển thể chất, nhân cách và trí tuệ. Sự xuất hiện của những đồ chơi công nghệ nếu chiếm quá nhiều quỹ thời gian của con trẻ sẽ khiến mức độ giao lưu tình cảm giữa cha mẹ và con cái bị giảm sút, mối quan hệ gia đình lẽ ra cần thắt chặt sẽ trở nên lỏng lẻo. Đây là tiền đề dẫn tới sự hình thành lối sống ích kỉ, cá nhân chủ nghĩa ở các em.

Lâu dần, trẻ em sẽ không còn chú ý đến những người chung quanh hay những sự việc diễn ra trong thế giới thực nữa mà chỉ "co" mình trong thế giới "ảo" với những đồ công nghệ.

Điều này lí giải tại sao tỉ lệ trẻ bị trầm cảm và mắc bệnh tự kỉ ở Việt Nam nói riêng (nhất là ở vùng thành thị) và thế giới nói chung đang có chiều hướng tăng cao. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, việc cho con trẻ tiếp cận quá nhiều với đồ công nghệ cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ lười vận động, suy giảm chức năng miễn dịch, thể trạng yếu ớt và có nguy cơ béo phì.

Bên cạnh đó, việc cho trẻ tiếp cận, sử dụng đồ công nghệ thiếu sự kiểm soát của người lớn còn dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc khác khi các em truy cập vào những nội dung bạo lực và khiêu dâm trên mạng. Theo thống kê của hãng Kaspersky vào cuối tháng 10/2012, trên thế giới mỗi giờ có đến hơn 160 nghìn lượt truy cập cố gắng tìm vào các trang web "người lớn" được thực hiện bởi trẻ em, trong đó đa số được thực hiện vào khoảng cuối tối, gần đêm, quãng thời gian mà nhiều trẻ được bố mẹ đưa về phòng riêng để đi ngủ. Kết quả này được xác nhận thông qua dữ liệu thu thập trên toàn thế giới bằng công nghệ an ninh mạng của Kaspersky. Chỉ riêng con số này cũng đã đủ sức báo động cho tình trạng trẻ em truy cập vào các trang web "đen".

Người ta cứ tự hỏi tại sao tỉ lệ trẻ hóa tội phạm ngày càng tăng với hình thức và mức độ gây án mỗi lúc một dã man hơn, tại sao tỉ lệ nạo phá thai ở trẻ chưa đến tuổi vị thành niên có xu hướng tăng dần? Một trong những nguyên nhân không thể phủ nhận chính là tác động từ việc tiếp xúc quá sớm, quá nhiều với những thông tin không lành mạnh trên mạng thông qua các thiết bị công nghệ.

Nắm bắt được tâm lí yêu thích đồ chơi công nghệ của trẻ nhỏ, trong đợt Tết thiếu nhi năm nay, các hãng sản xuất đồ chơi trên thế giới đã tung ra hàng loạt những mẫu đồ chơi công nghệ mới như: máy tính thông minh, tivi mi-ni sử dụng màn hình cảm ứng, robot tương tác,... Hơn lúc nào hết, những bậc phụ huynh cần hết sức tỉnh táo khi lựa chọn và định hướng việc sử dụng đồ chơi công nghệ cho con. Nếu không muốn con mình trở thành nô lệ của công nghệ, ngay từ khi con còn nhỏ, những người làm cha, làm mẹ đã cần phải thiết lập một chế độ sử dụng đồ công nghệ hợp lí cho trẻ nhỏ. Sống trong kỉ nguyên số, không thể cấm đoán hoàn toàn con trẻ tiếp cận với công nghệ, song sự tiếp cận đó phải được giới hạn trong chừng mực với sự định hướng, giám sát của phụ huynh.

Bố mẹ cũng không được ỷ vào tính năng đa dạng của công nghệ để dùng các thiết bị công nghệ thay mình dỗ dành, giao lưu với con cái.

Thiết nghĩ, trẻ em là tương lai, song tương lai đó chắc chắn sẽ không mang tính bền vững nếu trẻ em chỉ đắm mình và trở nên nghiện sử dụng các thiết bị công nghệ mà thiếu đi nền tảng giáo dục vững chắc xuất phát từ trách nhiệm, sự quan tâm, yêu thương từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Theo Nhân Dân




Bình luận

  • TTCN (0)